Thế hệ 7x, 8x ở Hải Phòng khi còn đi học đều nhắn nhủ nhau rằng: khi ra trường phải chọn Hà Nội, HCM hoặc ra nước ngoài để lập nghiệp. Vì ở Hải Phòng khi ấy kiếm được một công việc khó lắm. Bây giờ thế hệ đó đã lập nghiệp ở xa, họ đã ổn định nơi đất khách quê người, và khi trở về Hải Phòng hôm nay chắc không khỏi tiếc nuối, xót xa…
Tôi vẫn nhớ như in tờ báo An ninh Hải Phòng khi ấy có một tiêu đề: Hải Phòng có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất nước 7,8% ???
Cả một thành phố ngủ quên. Khi đó Đặng Thành Tâm ông chủ tập đoàn Kinh Bắc một người con Hải Phòng giàu nhất Việt Nam năm 2007 muốn trở về đầu tư ở Hải Phòng phải buồn bã thốt lên rằng: Các anh ở đây cứ làm khó!
Vậy các anh ở đây là các anh nào ???
Có dịp vào TP HCM công tác mỗi hôm nghỉ một khách sạn khác nhau nhưng thấy khách sạn nào cũng có giọng quen quen. Biết mình ở Hải Phòng chủ khách sạn hỏi luôn đúng kiểu Hải Phòng: Thế mày ở Hải Phòng là ở chỗ nào?
Hỏi ra mới biết đến 90% cái quận 1 ấy khách sạn toàn chủ là người Hải Phòng vào đây lập nghiệp, từ Hoàng Hải Long, Anh em, ABC, Hoàng Kim. Người Hải Phòng vốn giỏi kinh doanh làm ăn buôn bán, chỉ cần có cơ chế điều kiện thuận lợi thì họ có thể phát huy được khả năng của mình. Tiếc thật!
Người dân thành phố khi đó chua chát thành thơ nói với nhau rằng:
“Muốn thăm thành phố Hạ Long
Ghé thăm thị xã Hải Phòng quê em”
Thành phố em nay đã hỏng rồi
Đã hỏng từ cái thời Đào Lê…
Trước đó dưới thời Đoàn Duy Thành, Hải Phòng vốn là thành phố chỉ kém HN một chút về văn hóa và TPHCM một ít về kinh tế.
Người Hải Phòng trong quá khứ vẫn tự hào là thành phố lớn thứ ba cả nước, là thành phố đầu tiên có hệ thống chiếu sáng điện công cộng, có nhà ga cổ nhất Đông Dương, có nhà hát lớn lộng lẫy, có đô thị sầm uất đẹp không khác các khu phố ở châu Âu, thế mà…
Khi cả nước mở cửa, khắp nơi từ Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hạ Long...mở mang đô thị, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị thì Hải Phòng vẫn trong giấc ngủ say mơ màng. Đâu đâu cũng im lìm, đâu đó có dự án nhưng toàn dự án treo đến cả 10-20 năm.
Tôi không nhớ dự án Hồ Sen – Cầu Rào 2 có từ khi nào nữa, khu đô thị Ngã 5 – Sân bay Cát Bi khi đó phải cho không 4 góc bánh chưng để tạo thành những chú chim mồi mà đến tận hôm nay 4 góc bánh chưng ấy vẫn còn nguyên những doanh nghiệp giữ đất, không có năng lực để triển khai dự án.
Rồi Đồ Sơn – Cát Bà cũng đều chung số phận rơi vào hàng loạt dự án treo chiếm đất của Vinaconex… rồi của rất nhiều doanh nghiệp nữa. Đến hôm nay không phải tự nhiên mà du lịch Đồ Sơn đi vào con đường cùng như vậy.
Người ta bắt đầu lãng quên thành phố, VTV đến dự báo thời tiết chả buồn nói đến Hải Phòng, trên báo chí chả biết vô tình hay cố ý người ta gọi Hải Phòng là Tỉnh.
Tỉ lệ thất nghiệp cao, an ninh trật tự thành phố căng thẳng hơn bao giờ hết, các chiến sĩ công an luôn phải chống chọi với những băng nhóm xã hội đen khắp nơi trong thành phố. Cái tên thành phố hoa cải bắt đầu từ đó. Nạn cướp giật xảy ra khắp nơi, thanh niên nghiện ngập đến nỗi buổi tối nhiều gia đình không dám cho con em mình ra đường.
Các lãnh đạo ở trung ương được cử về Hải Phòng nhưng cũng một đi không trở lại. Hải Phòng lại được coi là mảnh đất khắc nghiệt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Bao nhiêu năm người dân TP không có một khu vui chơi giải trí nào xứng tầm, bao nhiêu thế hệ vẫn là cái vườn trẻ ấy, người ta chỉ thấy những tòa nhà như Cánh Diều lặng lẽ bị lãng quên.
Khi học xong tôi bắt đầu công việc ở nhiều nơi rồi bắt đầu làm việc ở Hà Nội, chả hiểu sao mọi thứ đều tốt hơn nhưng khi đi xa rồi mới thấy yêu cái thành phố nơi mình sinh ra đến vậy.
Thế rồi vẫn nhớ hôm đó là Noel năm 2003, tôi bỏ hết lại bỏ cả công việc phóng xe một mạch về Hải Phòng quyết định mình sẽ lập nghiệp ở nơi này.
Nói như vậy để thấy rằng để có được một Hải Phòng như hôm nay đó là một kỳ tích, một thế hệ lãnh đạo cầu thị và có Tâm và Tầm với thành phố. Người Hải Phòng sẽ luôn nhắc nhở mình: "Không bao giờ được ngủ quên nữa".
Dịp lễ hội Hoa phượng đỏ và kỷ niệm 64 năm giải phóng Hải Phòng, thành phố khánh thành và khởi công một loạt công trình trọng điểm. Tôi vẫn thấy thấp thoáng nhiều bác cựu lãnh đạo TP khi xưa ngồi vỗ tay!
Với tôi ở một góc độ nào đó các bác ấy còn nợ nhân dân thành phố này, nợ thế hệ tôi một câu trả lời…hay một lời xin lỗi…
Nguồn bài viết: cụ
ad1088