Xe tăng Abrams Ukraine 'chưa ra trận đã lỗi thời' trước UAV
Giới chuyên gia cho rằng xe tăng Abrams Mỹ chuyển cho Ukraine chưa ra trận nhưng đã tồn tại nhiều điểm yếu và cần bổ sung giáp để đối phó UAV tự sát Nga.
Mỹ đã chuyển giao tổng cộng 31 xe tăng Abrams phiên bản M1A1SA cho Ukraine, đủ trang bị cho một tiểu đoàn thiết giáp. Nhưng trong hai tháng qua, mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực này chưa tham gia bất cứ trận đánh nào, hình ảnh của chúng cũng rất hiếm hoi trên chiến trường Ukraine.
Trong thời gian này, Nga đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV FPV) để tung các đòn đánh kiểu tự sát vào khí tài hiện đại mà phương Tây chuyển giao cho Ukraine, trong đó có các xe tăng như Leopard hay thiết giáp Bradley. Những đòn đánh này cho thấy xe tăng phương Tây chưa được trang bị hiệu quả để có thể đối phó với UAV tự sát.
"Không rõ binh sĩ Ukraine đã làm gì với loạt xe Abrams trong hai tháng qua, nhưng rõ ràng chúng cần được bổ sung vỏ giáp để đối phó với những đòn tập kích bằng UAV FPV của Nga", cây bút David Axe cho biết trong bài viết trên
Forbes hôm 3/1.
Một số chuyên gia phương Tây nhận định Ukraine đang phải tính toán phương án tốt nhất để sử dụng số xe tăng phương Tây hạn chế của mình, nhất là trong bối cảnh UAV FPV mang đầu nổ chống tăng xuất hiện dày đặc ở tiền tuyến và trở thành mối đe dọa không nhỏ.
Xe tăng Abrams M1A1SA của Ukraine trong ảnh công bố hôm hồi tháng 11/2023. Ảnh:
X/Trotes936897
Gabriel Silveira, nhà quan sát chuyên theo dõi hoạt động tác chiến tăng thiết giáp ở Ukraine, cho rằng xe tăng Abrams M1A1SA nguyên bản chưa tham chiến nhưng đã tỏ ra lỗi thời trước UAV và bộc lộ nhiều điểm yếu dễ bị lực lượng Nga khai thác.
"Nóc xe có diện tích lớn nhưng lại rất mỏng, với phần giáp chỉ dày khoảng 25 mm. UAV FPV mang đầu nổ lõm chống tăng lạc hậu cũng có thể xuyên thủng vị trí này, gây sát thương cho binh sĩ trong tháp pháo và phá hủy nhiều thiết bị điện tử, buộc tổ lái bỏ xe", ông nói.
Giáp sườn của xe tăng Abrams cũng có vấn đề, do chỉ có một số khu vực được lắp giáp phức hợp đời cũ, diện tích còn lại chỉ bọc giáp thép đơn thuần. "Không khó để đối phó UAV FPV. Lực lượng Ukraine đã nâng cấp giáp cho nhiều xe tăng phương Tây trong biên chế để khắc phục điểm yếu ở vỏ giáp của chúng", Silveria nói.
Xe tăng chủ lực Challenger 2 do Anh viện trợ được binh sĩ lắp giáp tự chế, gồm lưới thép trên nóc tháp pháo, lồng thép dọc sườn xe và một tấm thép ở trước mũi xe. Những chiếc Leopard 2A4 và 1A5 cũng được lắp nhiều khối giáp phản ứng nổ (ERA) Kontakt-1 từ thời Liên Xô để tăng khả năng phòng vệ trước đầu nổ lõm chống tăng.
"Phương án nhanh nhất là hàn các tấm lồng thép vào nóc tháp pháo và sườn xe, nhằm kích nổ đầu đạn nổ lõm ở ngoài tầm sát thương hiệu quả. Ukraine ít khả năng lắp ERA cho xe tăng Abrams trong tương lai gần, do loại giáp này làm tăng đáng kể khối lượng xe, có thể khiến nó sa lầy khi chiến đấu trong giai đoạn cuối đông và đầu xuân", Silveria nói.
Xe tăng Leopard 2A4 trang bị ERA của Ukraine bị bắn hỏng hồi tháng 9/2023. Ảnh:
Army Recognition
Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo những biện pháp bổ sung vỏ giáp cũng không bảo đảm được khả năng sống sót của xe tăng Abrams trên chiến trường Ukraine.
"Chắc chắn
Ukraine sẽ mất ít nhất một vài chiếc Abrams khi triển khai chúng ra chiến trường. Phiên bản M1A1SA ra đời từ thập niên 2000 và là một trong những loại xe tăng được bảo vệ tốt nhất thế giới, nhưng chúng không phải vũ khí bất khả xâm phạm", cây bút Axe nêu quan điểm.
Giới chuyên gia cho rằng xe tăng Abrams Mỹ chuyển cho Ukraine chưa ra trận nhưng đã tồn tại nhiều điểm yếu và cần bổ sung giáp để đối phó UAV tự sát Nga.
vnexpress.net
Ukraine chỉ còn vài xe tăng Leopard hiện đại nhất trên tiền tuyến
Quan chức Đức cho biết phần lớn xe tăng Leopard 2A6 Đức chuyển giao cho Ukraine không còn hoạt động, hiện mắc kẹt tại nhà máy sửa chữa do thiếu linh kiện thay thế.
"Rất tiếc phải nói rằng chỉ còn số lượng rất nhỏ xe tăng chiến đấu chuyển giao cho Ukraine còn có thể được sử dụng", Sebastian Schafer, nghị sĩ đảng Xanh và là một trong các quan chức phụ trách vấn đề chi tiêu quốc phòng của quốc hội Đức, hồi đầu tuần cho biết trong bức thư gửi hai tập đoàn quốc phòng Rheinmetall và Krauss-Maffei Wegmann (KMW) của nước này.
Ông Schafer đề cập đến mẫu xe tăng Leopard 2A6, biến thể hiện đại nhất của dòng xe tăng chủ lực Leopard do Đức sản xuất, sử dụng giáp phức hợp thế hệ mới và bổ sung mô-đun giáp phản ứng nổ giúp xe tăng chống chịu tốt hơn trước vũ khí chống tăng. Mặt trước tháp pháo cũng được lắp giáp hộp hình nêm để đối phó đạn thanh xuyên động năng của đối phương.
Xe tăng Leopard 2A6 của Ukraine triển khai ở tỉnh Zaporizhzhia hôm 15/6/2023. Ảnh:
Spiegel
Ukraine đã được nhận 21 xe tăng Leopard 2A6 hồi tháng 3 năm ngoái, trong đó 18 chiếc do Đức cung cấp, còn lại là Bồ Đào Nha.
Theo nghị sĩ Schafer, phần lớn xe tăng Leopard 2A6 Berlin chuyển giao cho Kiev đang nằm trong nhà máy sửa chữa ở Litva, nơi mà ông và Bộ trưởng Quốc phòng Đức tới thăm cuối tháng 12/2022, do bị hư hỏng hoặc hao mòn sau các cuộc giao tranh. Ông cho biết chúng chưa thể được phục hồi và đưa trở lại chiến trường vì thiếu linh kiện thay thế.
Nghị sĩ Đức kêu gọi Rheinmetall và Krauss-Maffei Wegmann có "hành động khẩn cấp" để bổ sung linh kiện cho nhà máy ở Litva. Ông cũng cho biết một số xe tăng bị hỏng nặng hơn sau khi lực lượng Ukraine cố gắng tự sửa chữa chúng, nên cần phải có giải pháp đào tạo, hướng dẫn tốt hơn cho binh sĩ Ukraine để tránh lặp lại tình trạng này.
Ông cũng đề cập khả năng mở xưởng sửa chữa xe tăng Leopard 2A6 tại Ukraine nhằm đẩy nhanh tốc độ đưa chúng trở lại tiền tuyến.
Bộ Quốc phòng Ukraine chưa đưa ra bình luận.
Thông tin xuất hiện trong bối cảnh Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 47 Ukraine, đơn vị được biên chế hầu hết xe tăng Leopard 2A6, gần đây hứng chịu thiệt hại lớn trong nỗ lực phòng thủ Avdeevka, thành phố chiến lược ở tỉnh Donetsk. Nga hồi tháng 10 đã điều lực lượng gồm ba lữ đoàn tấn công đô thị này và đang bao vây thành phố ở ba mặt bắc, nam và đông, khiến Ukraine chỉ còn duy trì được tiếp tế từ phía tây.
Lữ đoàn 47 trước đó cũng đã hứng chịu tổn thất nặng khi tham chiến ở mặt trận Zaporizhzhia hồi tháng 6-8 năm ngoái, buộc phải lui về hậu phương để củng cố đội hình trước khi chuyển tới hỗ trợ phòng thủ ở Avdeevka tháng 10 cùng năm.
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa:
RYV
Ông Schafer không nêu cụ thể số lượng xe tăng Leopard 2A6 đã phải rút khỏi chiến trường, song theo báo cáo của Oryx, trang phân tích thông tin chiến sự có trụ sở tại Hà Lan, ít nhất 12 xe Leopard 2A6 đã bị phá hủy hoặc hư hỏng kể từ đầu chiến sự. Con số thực tế có thể lớn hơn do Oryx chỉ tổng hợp thông tin từ các nguồn mở.
Ngoài xe tăng Leopard 2A6, Đức và một số quốc gia cũng đã viện trợ cho Ukraine khoảng 90 biến thể Leopard 2A4 và hơn 100 mẫu Leopard 1A5 đời cũ hơn. Không ít trong số đó đã bị Nga phá hủy bằng tên lửa chống tăng hoặc máy bay không người lái (UAV) tự sát. Lực lượng Nga cũng đã tịch thu ít nhất hai xe tăng Leopard 2 kể từ đầu chiến sự, theo các video do nước này đăng tải.
Quan chức Đức cho biết phần lớn xe tăng Leopard 2A6 Đức chuyển giao cho Ukraine không còn hoạt động, hiện mắc kẹt tại nhà máy sửa chữa do thiếu linh kiện thay thế.
vnexpress.net