Em lại xin pots một bài viết của bác Cao sơn về tiểu sử chinh chiến của cụ VX 84 cho vui một chút nhé . Xin phép bác Thắng, nếu bác không thích nhắn em xóa đi ạ !
Lão Thắng nhập ngũ tháng 3 năm 1983, làm y tá trung đoàn 153 sư đoàn 356. Trong chiến dịch MB 84, lão Thắng được tăng cường cho trung đoàn 876 tấn công điểm cao 772.
Cũng như bất kì một nguời lính nào lần đầu tiên xung trận, lão Thắng mang rất nhiều đạn. Đói một hai hôm không thể chết, nhưng đang đánh nhau hết đạn là chết. Những nắm cơm được vứt lại, nhường chỗ cho những viên đạn đồng đỏ au. Ngoài trang bị của một người lính bộ binh thông thường, vì là y tá nên lão ta còn phải vác theo đôi nẹp tre và túi thuốc.
Hành quân suốt đêm, đến 3 giờ sáng thì đại đội lão tiếp cận được trận địa. Pháo địch bắt đầu khai hoả, bắn vu vơ thăm dò vị trí trú quân của bộ đội ta. Lão Thắng lom khom nấp dưới hào xâm xấp nước, đợi giờ nổ súng tấn công.
Năm giờ sáng pháo ta vào trận. Đạn pháo từ tuyến dưới ù ù lao qua đầu, nổ ầm ầm phía tiền duyên. Trời vẫn chưa sáng, bộ đội chưa được lệnh nổ súng.
Pháo bắn đúng hai tiếng thì…hết đạn. Bộ binh lúc ấy mới tấn công. Trời vẫn mù mịt mây, không nhìn thấy mục tiêu.
Mất mười phút đầu lão Thắng mặt cắt không còn hột máu, chạy đi chạy lại trong hào tìm chỗ nấp mà vẫn chưa bắn được phát súng nào. Đạn nhọn của địch giăng kín, cắm phầm phập xuống đất. Mảnh pháo cắt rào rào những tán cây còn sót lại.
Bộ đội bắt đầu vận động tấn công, vừa bắn vừa bò lên. Chỉ leo lên khỏi hào vài mét là tiếng súng đã tắt lịm. Vì là y tá nên lão Thắng buộc phải lên xem bộ đội thương vong thế nào. Lão vừa bò, vừa cầu trời khấn phật phù hộ độ trì cho đạn chừa lão ra. Có lẽ ở hiền gặp lành nên lời khấn linh nghiệm, đạn đang bắn rát chỗ ấy lại chuyển làn đi đâu mất để lão còn có chuyện kể về sau.
Mấy lần bộ đội tổ chức tấn công nhưng đều không thành công vì hoả lực của địch quá mạnh. Tiếng súng của trung đội cửa mở nằm phía trên cũng không còn nổ giòn giã. Một số đã hi sinh, số còn lại đợi mãi không thấy bộ binh lên thì bắt đầu rút xuống. Đánh lên không được thì nguy cơ địch tràn xuống chiến hào là điều dễ xảy ra.
Đại đội phó ra lệnh: “Thắng, lên tăng cường cho đầu chiến hào, trên ấy im ắng quá”. Lão Thắng vận động lên phía đầu chiến hào. Hoà bị sạt từng đoạn dài, anh em hi sinh nằm la liệt dọc lối đi. Ở góc đó, chỉ còn một cậu lính mặt mày xám ngoét run rẩy rúc đầu vào hàm ếch tránh đạn. Lúc này tai đã ù, cơn sợ hãi ban đầu đã qua, lão Thắng bắt đầu say mùi khói súng. Thắng hỏi: “Trên này thế nào? Chúng nó bắn kinh quá nhỉ”. Cậu lính kia lắp bắp: “Anh em hi sinh cả, chúng nó sắp tràn xuống”.
Lão Thắng kê súng lên thành hào vào bắt đầu điểm xạ điêu luyện như trong huấn luyện. Đây là phát súng đầu tiên kể từ lúc trận đánh xảy ra. Mây mù che kín mục tiêu, lão cứ rê súng theo hướng có tiếng nổ hay ánh lửa rồi bóp cò.
Bỗng nhiên lão thấy có bóng áo xanh xanh đang vận động hướng về phía ta. Địch rồi, chúng nó bắt đầu tràn xuống rồi. Lão Thắng hét lên báo động cho đồng đội và nhằm vào bóng áo xanh nổ súng. Cái bóng đổ ập xuống vẫn kịp thét lên một tiếng đầy đau đớn. Ngay sau đó lão Thắng cảm giác như địch ở khắp nơi, lão rê súng bắn theo trí tưởng tượng của mình nốt băng đạn ấy.
Vừa lắp xong băng đạn thứ hai thì có lệnh rút lui. Lúc ấy khoảng 10 giờ sáng. Bất chấp đạn bắn chiu chíu trên đầu, lính ta cứ thế trượt rầm rầm xuống triền núi. Vì lão Thắng chốt ở đoạn đầu chiến hào, thành ra phải rút sau cùng với đại đội phó, phòng địch truy kích.
Đại đội lão xuống được dưới chân điểm cao thì trốn tạm trong một khe đá. Một lúc sau, mấy chiến sỹ ở đơn vị khác cũng chạy về đến đấy. Có một cậu bị thương nhẹ ở chân vẫn tập tễnh đi được, la ồ ồ đòi uống nước. Sợ lộ vị trí ẩn nấp, lão Thắng tiêm cho một mũi giảm đau rồi cho uống cả…bình tông nước.
Đêm hôm ấy, nhờ pháo sáng của địch, họ nhằm hướng Nam mà tiến. Lão Thắng vứt hết đạn, cả đôi nẹp tre lẫn túi thuốc cho nhẹ, đến gần sáng thì về được lèn đá 468.
Mấy ngày sau, đơn vị lão được rút xuống Ngọc đường củng cố lực lượng chiến đấu. Đây là thời gian sung sướng nhất của lão, cuộc đời lại rượu ngon và gái đẹp cho đến khi lão quay lại hang Làng lò đợt hai.
Sau trận đánh ấy, đơn vị được năm tấm huân chuơng chiến công. Đại đội bình bầu chia chác xong xuôi vẫn thừa một chiếc. Phàm là thằng lính trận, có tấm huân chương phụ hoạ cho những câu chuyện xương máu vẫn hơn là nói mồm xuông. Thế là lão đề nghị: “Cho em xin cái đấy”.
Đại đội ngẫm nghĩ: thưởng huân chương cho lão cũng đúng. Lão anh dũng chốt chặn chiến hào không cho địch tràn xuống. Lại còn đưa được một thương binh về nơi an toàn. Xứng đáng được tấn huân chương chiến công hạng ba.
* * *
Lão Thắng đã kể xong câu chuyện, đôi mắt lão Thắng xa xăm buồn u uất. Tôi và lão Đoành an ủi: “Bác thế là dũng cảm lắm, xứng đáng phong anh hùng chứ huân chương hạng ba là quá bèo bọt”. Lão Thắng ngậm ngùi: “Nhưng tao vẫn bị ám ảnh tiếng thét lúc tao bắn trúng thằng Trung quốc. Nó kêu: Ối giời ơi”.