Ông giải thích rất ngắn gọn rõ ràng. Kính ông. Nhân đây tôi có một vài câu hỏi, các ông nghĩ thế nào, có gì mong các ông đại xá:
1. Trạng thái Niết Bàn là gì? Trạng thái chứng quả A La Hán là gì? Tôi nghĩ ai chứng quả thì chỉ người ấy biết, ở đây là Phật tự biết. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là trạng thái giác ngộ trong tâm đến một cấp độ sâu thẳm nào đó (mà ta là người thường tăm tối không thể hiểu được), chứ còn trạng thái ấy không dẫn đến / nâng cấp lên 1 địa điểm vật lý cụ thể nào.
2. Khái niệm luân hồi / kết thúc vòng luân hồi / ra khỏi vòng sinh tử, chỉ là biện luận câu chữ trong thời Đức Phật chưa có khoa học. Chứ còn tôi cho rằng kết thúc là chấm hết, chả có luân hồi hay không luân hồi gì cả. Nếu có luân hồi thì chỉ là vật chất da thịt biến thành cát bụi rồi lại vào sông suối vào cây mà tái sinh thành cây cối abc mà thôi. Cái ấy có lẽ không phải luân hồi mà là vòng luân chuyển của vật chất.
Mình chưa bao giờ thể nghiệm được Niết Bàn, nên mình chỉ dám bàn về nó theo ý hiểu của mình đúc kết bằng việc đọc trong kinh, sách. Và tới thời điểm này thì mình chấp nhận cách hiểu này.
1. Niết Bàn là sự thể nghiệm của Tâm về một trạng thái, và trạng thái này siêu việt các trạng thái mà người thường có thể cảm nhận. Bạn nói đúng rằng Niết Bàn không phải là một địa điểm vật lý cụ thể, mà nó là một trạng thái mà nếu thể nghiệm được trạng thái này thì con người ta sẽ đạt được chứng ngộ, tạm gọi là tỉnh thức, xua tan u mê (tất cả người phàm chúng ta được coi là đang u mê), nhìn nhận rõ thực tướng của vạn pháp, nhìn rõ thật giả, từ đó không còn u mê coi cái giả là thật, coi cái thật là giả, và từ đó không còn dính chấp.
Tôi lấy ví dụ, chỉ là ví von thôi, nhưng để tạm hiểu về trạng thái này: Một màn ảo thuật gây cho ta sự ngạc nhiên, thích thú, sướng quá, làm sao có thể làm như vậy, ta háo hức và hưng phấn khi theo dõi màn ảo thuật đó. Rồi một ngày, vì một cơ duyên nào đó (có người chỉ cho ta, hoặc ta tự khám phá ra) ta biết được thủ thuật của màn ảo thuật đó, lúc này xem lại cái màn ảo thuật đó ta không còn thích thú, háo hức nữa. ta biết rõ đó là giả, là thủ thuật và hiểu rõ cách thức màn ảo thuật đó diễn ra. Từ đó, tâm ta không còn dính mắc vào trạng thái sung sướng, háo hức của màn ảo thuật nữa. Cái này ví von tạm coi là ta đã "giác ngộ" về cái giả tướng của màn ảo thuật, từ đó nhìn nó với con mắt như nó là, không dính mắc vào nó.
2. Luân hồi trong Phật giáo (thực ra nhiều tôn giáo khác cũng bàn về luân hồi, trước cả Phật giáo), là trạng thái tiếp nối, kế thừa từ đời sống vật lý - và cả phi vật lý như đời sống cõi khác - trước đó. Sự kế thừa này sở dĩ diễn ra được là do chủ thể của đời sống đó còn bám chấp, dính mắc, nên khi chết đi, trạng thái dính mắc này sẽ tiếp tục chi phối đời sống sau đó, theo nguyên tắc luật nhân quả, rất là phức tạp và chi li mà chúng ta không thể tường tận. Một khi hết dính mắc (đạt tới trí tuệ Niết Bàn) thì trạng thái tái sinh không còn chỗ nào bấu víu, tự khắc được giải thoát. Còn da thịt, máu xương chỉ là một biểu hiện trong thế giới vật lý, là hình tướng, là cái áo khoác trong thế giới vật lý, áo thì có thể thay, có thể bỏ, chỉ có trạng thái bám chấp sẽ luân chuyển giữa các thế giới (là Nghiệp), theo Phật giáo sẽ cón các thế giới khác phi vật lý mà trong đó trạng thái bám chấp vẫn được tái sinh, luân chuyển giữa các thế giới.