Vừa đến bậc cửa nhà ông Quyết, ông Định đã kêu:
- Ông chủ nhà đâu rồi? Có đi đám ma không?
Ông Quyết từ tầng hai bước xuống cầu thang:
- Ông hẵng vào đây đã. Tôi có mấy lời.
Pha xong ấm trà, ông Quyết lắc đầu:
- Tôi không đến đám ông Ang đâu.
- Sao lại thế? - Ông Định ngạc nhiên.
Ông Quyết thủng thẳng:
- Ông có để ý không, ông Ang bao năm nay chẳng đến đám ma nhà ai, kể cả khi bố tôi mất dẫu tôi với ông ấy học cùng lớp với nhau suốt 7 năm trời. Ấy là điều thứ nhất. Điều thứ hai, hẳn cả làng ta đều biết, hồi còn công tác thời bao cấp, cậy làm ở bên phòng thuế rồi trưởng cửa hàng bách hóa tổng hợp ban phát hàng hóa coi khinh mọi người, đã từng tuyên bố: “Thằng này ốm đau hay chết cũng không thèm nhờ dân làng, đã có cơ quan lo hết”. Hồi bố ông ấy chết, trừ cơ quan đến viếng và anh em họ hàng lo liệu, không một ai trong làng tới tiễn đưa. Ông bố đã thế mà ông con vẫn còn nói vậy. Người làng ta từ xưa tới nay yêu, ghét rất rõ ràng.
Chăm chú nghe lời ông bạn đồng niên, ông Định chậm rãi, khẽ khàng:
- Tôi đồng ý với câu cuối của ông. Người xưa đã có câu: Những người phụ nghĩa quên công/ Dẫu đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm. Đúng là ông Ang rất tệ. Lúc sống, ông không chơi bời với ai, đã vậy cậy mình giàu có hơn người, có mấy bằng đại học, lại có người nhà làm ông nọ, ông kia ở Trung ương và tỉnh nên tự phụ, coi rẻ bạn bè, người làng. Nhưng thôi ông Quyết ơi, chết là hết chuyện và nghĩa tử là nghĩa tận. Mình đến đám chẳng những làm đẹp cho dân làng mà còn làm đẹp cho mình. Mình chấp người ta hóa ra mình cũng tầm thường ư? Ông nghe tôi, ta đến viếng người đã khuất, thắp một nén nhang. Tôi không tin có một thế giới siêu hình, thế giới âm phủ nhưng ví thử có, ông Ang hẳn sẽ sám hối siêu thoát.
Ông Quyết ngồi im lặng khá lâu, chầm chậm uống chén nước trà đã nguội. Giữa lúc ông Định toan đứng dậy, ông Quyết vội nhổm dậy:
- Tôi nghe ông. Đúng là nghĩa tử là nghĩa tận.
Nguồn:
http://m.baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/188892/nghia-tu-la-nghia-tan.html#ui=mobile