Mỹ thử tên lửa đánh chặn không đầu đạn
Cập nhật lúc :10:44 AM, 13/05/2012
Mỹ vừa thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn thế hệ mới, sử dụng động năng để tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao mà không cần sức công phá của đầu đạn nổ.
Tên lửa SM-3 Block IB được phóng lên từ tàu khu trục USS Lake Erie và tiêu diệt thành công mục tiêu tên lửa tầm ngắn.
(ĐVO) Tổ hợp tên lửa đánh chặn đạn đạo mới nhất của Lầu Năm Góc đã phát hủy thành công một tên lửa trong cuộc thử nghiệm ở ngoài khơi bờ biển Hawaii (hôm 9/5).
Đó là một hệ thống đánh chặn tên lửa nâng cấp mới nhất và đầu tiên của quân đội Mỹ và NATO, hệ thống phòng thủ tên lửa chính để chống lại một cuộc tấn công tên lửa từ Triều Tiên, Iran hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Mỹ, cuộc thử nghiệm gồm mục tiêu là tên lửa tầm ngắn được phóng lên vào lúc 20h (giờ Hawaii) từ căn cứ quân sự Kauai, bên bờ Thái Bình Dương.
Mục tiêu tên lửa tầm ngắn sau đó đã bay trên biển Thái Bình Dương, từ đây, tên lửa được radar AN/SPY-1 của hệ thống chiến đấu Aegis thế hệ thứ hai trên tàu khu trục USS Lake Erie (CG 70) theo dõi và sau đó bị phá hủy bởi một tên lửa đánh chặn.
Theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) của Mỹ, loại tên lửa tầm ngắn được sử dụng làm mục tiêu đánh chặn "tương tự" như Scud mà Triều Tiên và Iran đang sử dụng.
"Vụ đánh chặn được thực hiện bởi duy nhất một cú va chạm "trực tiếp giữa hai tên lửa", Lầu Năm Góc cho hay. Điều đó có nghĩa là vụ thử nghiệm tên lửa đã đạt đến độ chính xác tuyệt đối, hay còn được gọi là "hit to kill" (đánh và giết).
"Đó là một phương tiện tiêu diệt tên lửa đối phương, và diễn tập chống lại những mối đe dọa. Ở đó, mối đe dọa (tên lửa) đã bị phá hủy bởi chính động năng khi va đập, vì vậy, không cần đầu đạn", ông Wes Kremer, Phó Chủ tịch, kiêm phụ trách chương trình Hệ thống Phòng thủ Tên lửa và Không gian của công ty Raytheon nói với tờ Danger Room. "Tên lửa không thể bắn trượt mục tiêu", ông Kremer nói thêm.
Theo nguồn tin, hệ thống tên lửa đánh chặn được giới thiệu là Standard Missile-3 Block IB, phát triển mới nhất sau tên lửa SM-3 Block IA.
Các tàu khu trục trang bị hệ thống chiến đấu Ageis của Hải quân Mỹ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ lá chắn tên lửa AMD ở châu Âu và Đông Á.
Theo các nhà phân tích, Mỹ từng thử tên lửa tương tự hồi tháng 9/2011 nhưng đã thất bại.
Bằng việc thử nghiệm thành công hệ thống đánh chặn tên lửa mới vừa qua, chí ít, Mỹ sẽ có một "cái gì đó" để thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Chicago trong tháng 5/2012.
Dự kiến, hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới, Mỹ sẽ thông báo chính thức hoạt động đầu tiên của hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu.
"Chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng để có thể triển khai hệ thống này bắt đầu vào năm 2015 để đáp ứng các cam kết trước đó", ông Kremer nói thêm.
Sự khác biệt ở thế hệ tên lửa đánh chặn SM-3 Block IB so với "người tiền nhiệm" của nó, tên lửa SM-3 Block IA là việc nó được trang bị một thiết bị tìm kiếm hồng ngoại hai màu (two-color infrared seeker), do vậy mở rộng được phạm vi đánh chặn và giúp tên lửa có thể tìm thấy mục tiêu nhanh hơn.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, tên lửa Block IB cũng có khả năng cơ động tốt hơn loại tên lửa thế hệ trước nó do sử dụng hệ thống kiểm soát bay và một động cơ điều chỉnh hướng linh hoạt.
Mặt khác, tên lửa Block IB không quá phức tạp, đủ để có thể bắn rơi các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Với thành công bước đầu này, hệ thống đánh chặn tên lửa SM-3 Block IB có thể được Mỹ đề cập trong các chương trình đàm phán hạt nhân với Iran trong tương lai.