Bàn về cái này thì cần phải hiểu được cách thức NASA hoạt động. Từ trước đến giờ NASA luôn luôn phối hợp với các công ty tư nhân trong hoạt động của mình chứ họ không phải là cơ quan độc quyền trong ngành. NASA giống như là khách hàng trùm cuối, đưa ra đề bài, tham gia thiết kế, thử nghiệm, và giao quyền thực hiện các dự án của mình dưới dạng hợp đồng chế tạo cho các nhà thầu tư nhân lớn (các nhà thầu chính này lại có tiếp các thầu phụ tầng thứ 2, thứ 3...), chứ bản thân NASA hầu như không tự đứng ra sản xuất cái gì cả. Bằng cách đó, NASA lấy tiền ngân sách tạo hiệu ứng lan tỏa để thúc đẩy toàn bộ nền công nghiệp vũ trụ Mỹ, trong khi vẫn giữ được toàn bộ bản quyền tri thức công nghệ.
Vì mục đích và cách thức hoạt động như vậy nên việc NASA hỗ trợ các công ty tư nhân Mỹ trong ngành vũ trụ là chuyện tất nhiên và phổ biến, chả có gì lạ cả. Tất cả công ty nào đang có hợp đồng với NASA đều là nhận tiền ngân sách và được hỗ trợ kỹ thuật rất lớn khi NASA tham gia cùng các công ty này từ khâu ra đề, thiết kế, kiểm soát, thẩm duyệt, nghiệm thu... Đấy là cách mà Mỹ dùng tiền ngân sách để thúc đẩy và duy trì lợi thế trong công nghệ, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật không gian.
Ví dụ như tàu con thoi, NASA cùng với không quân Mỹ làm chủ toàn bộ dự án, nhưng sản xuất thân tàu là công ty Rockwell, sản xuất động cơ đẩy chính RS-25 là Rocketdyne, sản xuất động cơ đẩy nhiên liệu rắn (2 cái ống nhỏ 2 bên) là Thiokol, sản xuất bình chứa nhiên liệu bên ngoài (cục to nhất màu cam) là Lockheed Martin... Ở đây NASA là ông chủ, thuê các nhà thầu gia công sản xuất các hệ thống cấu thành tàu. Trong các hợp đồng này, các nhà thầu gia công được trả tiền theo công thức cost plus, tức là nhà thầu sản xuất hết bao nhiêu tiền thì NASA trả đủ bấy nhiêu, cộng thêm một khoản lãi nữa.
Còn hợp đồng giữa SpaceX và NASA có sự khác biệt với các hợp đồng nói trên. Hợp đồng đầu tiên giữa 2 bên, hợp đồng phát triển tên lửa Falcon 9, là 1 hợp đồng trong chương trình Commercial Orbital Transportation Services (COTS) năm 2008, trong đó NASA chi tiền mua các chuyến bay thử nghiệm của Falcon 9. Trong hợp đồng này NASA chỉ chi tiền và nhận kết quả (các chuyến bay thử nghiệm thành công chứng minh tính khả thi của việc đưa hàng hóa con người lên trạm ISS), còn toàn bộ việc thiết kế chế tạo do SpaceX tự lo, NASA không tham gia vào. Về bản chất, NASA bỏ tiền R&D phát triển Falcon 9 cho SpaceX với giá cố định, SpaceX làm được thành công dưới giá đó thì có lãi, trên giá đó thì lỗ, còn nếu không làm được thì không có tiền (vì tiền chỉ được trả sau khi đã thành công, đạt KPI).
Có thể thấy, làm theo cách giá cố định này SpaceX chịu sức ép lớn hơn nhiều so với cách cost plus. Cách cost plus trách nhiệm chính của NASA, thành hay bại là do NASA, nhà thầu kiểu gì cũng có tiền. Còn cách giá cố định kia SpaceX được ăn cả ngã về không. Tất nhiên đây vẫn là sự hỗ trợ về tài chính rất lớn cho SpaceX, nhất là ở giai đoạn phát triển tên lửa Falcon 9 ngốn rất nhiều tiền trong khi SpaceX chưa có nguồn thu nào đáng kể. Sự hỗ trợ về kỹ thuật từ NASA là có, nhưng không nhiều như là các hợp đồng cost plus. Falcon 9 vẫn là tài sản trí tuệ của SpaceX, nhưng tàu con thoi lại là tài sản trí tuệ của NASA.