Viết riêng về trà cụ.
ẤM DÙNG ĐỂ PHA TRÀ
Với người chơi trà thì việc sở hữu những chiếc ấm tử sa cổ thật là một điều đáng tự hào. Đỉnh cao nhất của ấm tử sa chính là ở nghệ nhân làm ấm. Người làm ấm phải là nhà điêu khắc để chiếc ấm đạt kỹ thuật chuẩn mực hoàn hảo, phải là một họa sĩ để thổi hồn cho
những nét vẽ tuyệt đẹp, phải là một nhà thư pháp để nét chữ chạm khắc đầy bút lực và nghệ thuật, và phải là một nhạc sĩ
mà chuyển tải âm thanh của thiên nhiên, đất trời để mỗi chiếc ấm là một vỹ khúc truyền kỳ.
Ấm cổ Việt Nam thời kỳ thăng hoa của nghệ thuật gốm sứ Việt từ triều Lý, Trần, Lê phần lớn là ấm gốm nung nhẹ lửa nên theo thời gian, cốt thai ấm và lớp men ngoài đã yếu, không phù hợp để sử dụng.
Ấm Việt người chơi thường sưu tập ấm Chu Đậu, triều Lê Sơ (thế kỷ XV), ấm đồng triều Nguyễn (thế kỷ XVII), và ấm Lái Thiêu, Biên Hòa xưa thuộc thập niên 40 - 60.
Mỗi dòng ấm mang một hình dáng, chất liệu, kiểu thức khác biệt. Người Trung Hoa luôn tự hào về “Tứ Quốc bảo” của mình là lụa Tô Châu, ấm tử sa, tranh thủy mạc và Kinh kịch. Không phải ngẫu nhiên mà ấm tử sa được đưa vào quốc bảo.
Người chơi ấm tử sa đều biết câu nói “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần” để nói về chất lượng và nghệ nhân (hoặc hiệu lò) tác tạo nên ấm. Ngày nay, việc sở hữu những chiếc ấm đó không hề dễ dàng. Ấm Mạnh Thần tuy xếp thứ ba song lại được nhiều người yêu thích vì ngoài hình dáng, nghệ nhân khi làm ấm thường khắc những tứ thơ thú vị dưới đáy ấm, cạnh triện đề Mạnh Thần như: Xuân đáo, Điểu năng ngôn, Thiên kim bất tác nhân, Tùng phong thủy nguyệt...
Ngoài ra những chiếc ấm quý còn phải kể đến như: bộ ấm tích và ấm trái bần thời Thanh thể hiện cùng một tích truyện Trúc Lâm Thất hiền (bảy người hiền trong vườn trúc), các dáng ấm thời Ung Chính - Nhà Thanh, là hiện vật trong con tàu đắm tại vùng biển Cà Mau, có nguồn gốc từ vùng làm gốm sứ nổi tiếng Cảnh Đức Trấn, Giang Tây, Trung Quốc.