Cụ có ý tưởng sáng tạo nhưng có lẽ nên bỏ chữ thiền đi cho khỏi bị hiểu nhầm
- Nên có một tinh thần (concept) cho quán. Ví dụ "Cafe ngon & một chút thư giãn" hay đại loại thế. Nếu lấy đó làm tinh thần cho quán thì nên bằng mọi cách để cho khách hàng có thể biết được điều đó như in lên phiếu thanh toán, thực đơn hay dòng chữ nhỏ dưới tên hiệu của quán.
- Nếu đã chọn tinh thần cho quán như vậy thì phải bám sát & xuyên suốt trong vận hành quán. Khách đến đi xe máy thì nhẹ nhàng nói anh chị tắt máy dùm & cho nhân viên dắt xe cho khách. Khi lấy yêu cầu đồ uống của khách cũng nhẹ nhàng nói với khách luôn vì quán coi trọng sự thư giãn nên cảm phiền anh chị không nói chuyện to để mọi người cùng được thư thái. Bàn nào khách ồn ào thì thẳng thắn đến nhắc nhở anh chị nói nhỏ giúp, nếu khách không hài lòng & phản ứng thì sẵn sàng miễn phí luôn & tiễn khách kèm theo lời nói khiêm nhường mong anh chị thông cảm vì tinh thần của quán như vậy.
- Địa điểm phải xa mặt đường, giảm tiếng ồn cơ học (xe cộ giao thông) càng nhiều càng tốt.
- Đảm bảo phải cực kỳ sạch, sạch hơn bệnh viện. Nên hiểu sạch không có nghĩa là chỉ quét lau nhà mà sạch là mọi thứ đều sạch. Bước chân vào một nơi sạch sẽ cái "mùi sạch" nó khác rất nhiều những cái mùi giả tạo do tinh dầu, nước hoa xịt phòng mang lại. Giống như đi lên tây bắc, đứng ở góc núi / rừng sau cơn mưa sẽ cảm nhận cái không khí, cái mùi sạch nó như thế nào.
- Đừng tham lam hổ lốn phục vụ lẫn lộn cả cơm văn phòng, phở bún cháo, mỳ ăn liền. Cafe hợp với đồ tây nhiều hơn. Nếu ở HN thì có thể đối tác với một cơ sở bánh ngọt nào đó có tiếng như Nguyễn Sơn Bakery, chỉ bán kèm bánh ngọt hay bánh mỳ dạng ngọt croissant (mình hay gọi bánh sừng bò...) vừa nhàn mà lại giữ được lâu. Những thứ như cơm rang mỳ xào ngoài việc không hợp với cafe nó còn gây ám mùi không gian sạch trong quá trình chế biến.
- Có thể hợp tác với một sinh viên trường họa thuê làm việc bán thời gian mỗi ngày ở quán chẳng hạn 4 tiếng. Có thể xin phép khách cứ thưởng thức đồ uống & cho phép nhân viên vẽ bức chân dung ký họa (vì khách đến tìm sự thư giãn thảnh thơi nên chắc cũng không thấy phiền). Không nhất thiết phải vẽ khổ lớn, có thể khổ A5 (bằng 1/2 khổ A4) rồi xin khách ký tặng. Sau đó ép plastic để đảm bảo giữ được lâu, khi đã có một số lượng rồi thì dán lên tường. Ngày qua ngày các bức tranh dán kín mặt tường chắc khách quay lại nhìn thấy hình mình sẽ có cảm giác thú vị & cũng có thể là điểm khác biệt cho quán. (Nếu tận dụng cơ hội mà xin được tên khách & ngày sinh nhật thì tốt, phục vụ mục đích lâu dài).
- Khách quen, khách thường xuyên đến ủng hộ -> tìm cách biết tên. Liên kết với một nhà sản xuất đồ sứ Bát Tràng, đặt riêng một bộ ly tách có ghi tên của khách. Mỗi khi khách đến thì lấy bộ ly tách đó ra phục vụ khách, không dùng cho người khác. Khi khách không đến thì xếp lên kệ giá nơi mà nhiều người có thể thấy được. (Giống như rượu gửi ở các quán bar nhưng cách làm sáng tạo một chút).
- Làm cho khách cảm thấy mắc nợ thay vì giảm giá. Giảm giá thì cũng mất tiền nhưng thay vì mất khoản tiền giảm giá đó thì bỏ tiền ra mua đồ tặng khách. Tâm lý người Việt mắc nợ thì luôn tìm cách trả nợ, họ sẽ quay lại quán mình. Đồ tặng khách không có nghĩa phải đắt tiền, nên thật mộc mạc đơn giản. Ví dụ khách quen đến, thời điểm nóng mùa hè, cắt một đĩa củ đậu hoặc dưa lê mang ra bàn cho khách, nói hôm qua mẹ em về quê mang lên, em mời các anh chị. Mùa đông có thể mua một gói bánh khúc ngon hay xôi xéo, giữ nóng. Khách đến mang ra nói gần nhà em có hàng xôi rất ngon, em mua mời anh chị. Nhẹ nhàng như thế chắc chẳng ai từ chối, giá trị nhỏ như thế chắc chẳng ai thấy khó xử khi nhận nhưng đảm bảo họ sẽ nhớ quán mình.
- Không thể bỏ qua thời cuộc. Cuộc sống bây giờ là kết nối, là thiết bị thông minh. Với mô hình quán như vậy chắc không đủ đầu tư những ipad xịn. Vậy chọn lấy vài cái tablet của tầu, giá rẻ mà vẫn chạy ngon. Hơn nữa đồ công nghệ bây giờ nâng cấp tốc độ khủng, đầu tư không theo kịp. Với những khách đi một mình thì cứ lẳng lặng mang một cái tablet đến để trên bàn khách trước khi lấy yêu cầu đồ uống. Đa số họ cũng không dùng đâu vì ai cũng có smartphone nhưng cái này thể hiện sự quan tâm riêng tới khách. Khách đi hội nhóm có người để nói chuyện rồi thì không cần.
- Muốn có cafe ngon thì nên đầu tư máy pha cafe. Giá cũng tương đối lớn từ 2k - 10k tùy khả năng. Phải hiểu rằng cafe pha nước sôi 100 độ thì không ngon mà chỉ từ 82 đến 86 độ thôi nên các máy pha cafe họ đã cài đặt sẵn rồi. Người pha không thể có chất lượng đồng đều như máy được. Có thể lăn tăn đầu tư như vậy quá lớn nhưng cũng có thể hiểu được máy pha cafe là máy kiếm tiền, cafe chảy ra là tiền thu về, đầu tư thì nên tính lâu dài & kiên định.
- Tri ân / chăm sóc khách hàng không phải là khách đến quán mới ra thỏ thẻ hỏi han mà tri ân chăm sóc khách hàng là phải ở ngoài quán. Ví dụ biết tên & sinh nhật của khách thì trước ngày đó có thể gửi tin nhắn hoặc gửi thiệp mừng sinh nhật đưa tay. (khách nam thì nên cho nhân viên nữ làm, khách nữ thì nên để nhân viên nam làm việc này). Hoặc không thì mua một cân hoa quả đang mùa (táo, cam, thanh long) mang qua chỗ họ thay vì mua cái bánh ít nhất cũng hơn 100k, nói em biếu anh chị nhân ngày sinh nhật. Cũng có thể đơn giản như gặp hôm trời mưa ngập lớn như hôm vừa rồi, nhắn tin hỏi thăm hôm qua anh chị có bị sao không? Xe có bị lội nước không? Cứ đơn giản thật lòng mà làm thì chẳng ai không cảm động.
- Sau cùng nhưng quan trọng là phải làm cho nhân viên hiểu & lĩnh hội được những điều mình muốn làm. Phần lớn kinh doanh chưa thành công là do chủ có ý tưởng rất tốt nhưng không truyền đạt được đầy đủ cho nhân viên khiến nhân viên không thực hiện được như mình mong muốn.
Vài chia sẻ chủ quan với Cụ những điều em nghĩ, Cụ có thể google nhưng không thấy kết quả đâu vì nó chẳng từ giáo trình hay hình mẫu kinh doanh ở đâu cả. Chúc Cụ thành công