"Trường ĐH Ngoại Thương nên đưa môn khiêm tốn vào giảng dạy sinh viên"
Thứ ba 26/06/2012 07:28
(GDVN) - "Người xưa vẫn có câu: "Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một tí đã là thừa". Các bạn sinh viên trường ĐH Ngoại thương có quyền tự hào với thành tích của mình nhưng đi đôi với đó phải là sự khiêm tốn, vì ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác rộng hơn...", độc giả Nguyễn Thanh Nam (Hà Nội) bày tỏ.
Tư vấn Du học VIP miễn phí dịch vụ, hiệu quả, nhiều học bổng khuyến học nhất
Xung quanh các vụ việc "lình xình" liên quan đến Trường ĐH Ngoại thương trong thời gian vừa qua và gần đây nhất là scandal "chảnh" của sinh viên Ngoại thương cùng đoạn video bị gắn vào bộ phim đề cử giải Oscar gây xôn xao dư luận, tòa soạn đã nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều của bạn đọc gửi về.
Một trong những ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Thanh Nam (Hà Nội) với nội dung mong muốn Trường ĐH Ngoại thương nên đưa môn học khiêm tốn vào giảng dạy cho sinh viên. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được đăng tải nguyên văn bài viết này. Mời bạn đọc theo dõi:
Thời gian vừa qua, hàng loạt những vụ việc xảy ra liên quan đến sinh viên trường ĐH Ngoại thương đã thu hút sự chú ý của dư luận xã hội, trong đó có cá nhân tôi.
Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội (Ảnh: Internet).
Còn nhớ vào tháng 9/2011, một vài sinh viên Ngoại thương lên mạng có tuyên bố “Lương dưới 1.000 USD không làm”, tuyên bố này ngay sau đó nhận được nhiều phản hồi từ cộng đồng và trực tiếp là các sinh viên trường khác. Sự việc khi ấy đã rất “nóng” khi các diễn đàn liên tục tranh luận về mức lương của sinh viên Ngoại thương. Và sau đó, chính sinh viên T.D.T, người đã đưa ra tuyên bố này đã phải gửi lời xin lỗi tới tất cả mọi người.
Và mới đây nhất, câu chuyện về việc một nhà tuyển dụng đã quyết định không nhận những ứng viên tốt nghiệp trường này, với lý do sinh viên Ngoại thương "chảnh" đã tiếp tục dấy lên một vấn đề là thầy và trò của ngôi trường được coi nằm trong top trên này cần phải xem xét lại chính bản thân mình.
Từ việc thường xuyên được tiếp xúc nhiều với sinh viên trường Ngoại thương, tôi xin được phép đưa ra vài lời suy nghĩ của riêng cá nhân xung quanh cái sự được gọi là "chảnh" của sinh viên trường Ngoại thương.
Trước hết, tôi cũng xin được khẳng định ngay là sinh viên ngoại thương có "chảnh", thậm chí là "rất chảnh", bởi thực tế, tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều những bạn này, có bạn thì thực sự phải nói là giỏi, có năng lực nhưng có bạn thì ngược lại, chỉ ở mức tầm tầm, không lấy gì làm nổi trội.
Và dù tôi là người biết khâm phục người khác khi người ta có tài năng thực sự nhưng quả thực thái độ làm việc mới chính là cái quyết định của tất cả. Sự thiếu thoải mái chính là những gì mà tôi cảm nhận rõ nhất từ các bạn.
Quay ngược lại một chút, cá nhân tôi cũng từng là một cậu học sinh ở quê lên thành phố học tập và tôi đã thi đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Từ một cậu học trò ở miền quê nghèo, người dân quanh năm chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho giời", bằng sự cần mẫn, chăm chỉ, biết tự mình vươn lên trong học tập, tôi đã thi đỗ đại học. Và cũng chính nhờ sự tự ý thức được những gì mình đang có và cần phải có, tôi đã cố gắng luyện rèn để ra trường có được tấm bằng kỹ sư.
Được nhận vào một công ty có tiếng làm việc, cũng như những suy nghĩ đã đeo đuổi trong suốt những năm học phổ thông và đại học là sự tự ý thức, phấn đấu, vươn lên, giờ đây, tôi đã cố gắng là việc và học hỏi để giờ đây trở thành một kỹ sư giỏi, có đủ tay nghề để được nhận một mức lương đảm bảo rất tốt cho việc nuôi sống bản thân và gia đình.
Nói điều này ra, không phải là để khoe khoang mà tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng, chúng ta không nên cho rằng học trường nào hơn trường nào mà thực chất ra là phải xem xét chính thái độ, ý thức vươn lên, phấn đấu của người học.
Anh dù có học trường top trên nhưng anh không học, không phấn đấu thì tôi dám khẳng định, anh ra đời sẽ không bao giờ bằng được một anh chỉ học trường top thường nhưng có được sự tự ý thức, phấn đấu cho riêng bản thân mình.
Cũng như vậy, đâu cứ phải học trường Ngoại thương thì mới có thể làm việc tốt mà sinh viên nhiều trường khác cũng vẫn làm việc tốt được nếu biết vươn lên, biết phấn đấu. Và đâu có phải cứ học trường Ngoại Thương là sẽ thành những ông nọ, bà kia, giàu có trong xã hội...?
Như tôi cũng đã nói ở trên, dù trong bất cứ công việc, hoàn cảnh nào đi chăng nữa, thì thái độ làm việc mới là sự quyết định tất cả, bạn sẽ chẳng bao giờ được coi trọng thực sự, được đánh giá cao ở một nơi nào đó nếu bản thân bạn chỉ thể hiện theo kiểu "năng lực thì có hạn nhưng tự tin thì có thừa".
Và trong quá trình học, làm việc tôi luôn tâm niệm như các bậc tiền nhân thời xưa đã nói "Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một tý đã là thừa...". Các bạn sinh viên trường ĐH Ngoại thương có quyền tự hào với thành tích của trường, của chính các bạn đã đạt được nhưng đi đôi với đó phải là sự khiêm tốn, ham học hỏi, biết mình biết ta, bởi lẽ ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác rộng hơn nhiều lần...
Tôi cũng thực sự tâm đắc với câu nói của một người thầy đã dành và dặn tôi phải nhớ kỹ rằng: "Ở trên đời này, vốn dĩ giỏi mà kiêu căng thì đều bị ghét nhưng đã dốt mà nghĩ mình là giỏi và kiêu căng thì càng bị ghét hơn".
Mẩu ghi chú không nhận sinh viên tốt nghiệp Đại học Ngoại thương của công ty xuất nhập khẩu. Ảnh chụp màn hình.
Ở đây, cũng vậy thôi, những con người giỏi mà kiêu, hay dốt nhưng nghĩ mình giỏi và kiêu căng thì dù là sinh viên Ngoại thương hay sinh viên trường nào thì cũng không thể ưa được.
Cũng từ suốt quá trình phấn đấu của mình và được hầu chuyện nhiều người có danh, có tiếng, tôi nhận thấy rõ ràng rằng, con người ta ai cũng vậy thôi, muốn đạt được sự thành công thì phải biết đi lên từ con số 0, từ sự tự phấn đấu, vươn lên của bản thân, càng trải qua khó khăn thì càng có bản lĩnh, sự kiên cường để đạt thành công.
Ngẫm điều này, vào cái tuyên bố của một vài sinh viên trường Ngoại thương thì đưa ra con số "lương dưới 1.000 đô không làm" làm tôi thấy thật sự thất vọng.
Sự tự kiêu, thỏa mãn về chính bản thân mình sẽ là con đường ngắn nhất đưa ta đến sự né tránh, xa lánh của mọi người và cuối cùng đó sẽ là sự thất bại. Những minh chứng đầu tiên cho điều đó đã được như tôi đã nhắc đến ở trên, khi một giám đốc đốc công ty đã từ chối tuyển các ứng viên trường Ngoại thương vì "chảnh".
Tôi không phải là một nhà giáo dục, càng không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo mà chỉ là một kỹ sư trên lĩnh vực của mình nhưng với tất cả những gì đã trải qua, đã vươn lên và đạt được, tôi thấy rằng, cái thiếu duy nhất cần phải bổ sung cho sinh viên trường Ngoại thương chính là sự khiêm tốn.
Nên chăng, những người thầy, người cô và chính các sinh viên Ngoại thương ở đây, sau những sự việc mà dư luận gọi là scandal này, cần phải tự nhìn lại chính bản thân mình, đồng thời xét xem mình đang ở đâu, mình đang có những gì và đang làm gì.
Và một điều tôi xin được đề xuất và mong muốn các thầy cô nên suy ngẫm đó là rất cần thiết lúc này, có phải chăng là một môn học mang tên khiêm tốn nên được đưa vào giảng đường để dạy cho sinh viên Ngoại thương.