........
Thôi thì cơ man nào cá. Cá trôi, cá trắm, cá lóc, cá bông. Cá hô, cá thác lác, cá trèn, cá ngạnh… Muôn ngàn sóng cá lấp lánh vẩy bạc, ánh dưới trăng vàng tựa như sao sa rực cả một vùng sông nước. Những chiếc ca nô ì ạch nặng nề chở cá tấp dạt vào bờ. Họ nhanh chóng phân loại. Những loại cá sống dai, có giá trị kinh tế như cá lóc, cá bông, cá tra, cá trắm… được chọn đổ vào bè cá nuôi sống để chở về bán ở Thủ đô. Cá chèn, cá thác lác nhỏ được lọc đem hun khói bán dần. Còn muôn loài cá linh, cá trôi, cá rô, cá diếc…được đổ lên xe tải F9 chạy về đổ tại sân bay phơi khô, làm mắm… Đêm đêm, “ chiến dịch “ chở cá cứ rầm rập như những cuộc hành binh. Lũ chúng tôi thằng ghi thằng chép, thằng áp tải, thằng cân… chạy đi chạy lại giữa thị xã và sân bay mà vui như tết. Đi một hồi thấy mệt, thằng nào đói lại xà vào những nồi cháo cá đặc sánh thơm lừng mà thằng trực nhật đã nấu sẵn húp nhanh vài bát. Tại sân bay, mấy chiếc bể to lừng lững như những gian nhà được xây sẵn dùng làm bể chạp cá làm nước mắm. Dưới sự chỉ đạo của người thượng sỹ già tên Mật, cứ lớp cá, lớp muối cái bể chứa mấy chục tấn cá chỉ vài đêm là đầy. Điện thoại trực đêm í ới gọi các đơn vị về nhận cá. Xe này giao D27, xe kia cho 26 thông tin và kia nữa cho về “ thằng “ trinh sát.. Tham mưu, chính trị, hậu cần…những bữa ăn với toàn là cá. Riêng bếp Hậu cần được chúng tôi ưu tiên chỉ xách những con cá to nhất, ngon nhất mà thôi.
Bây giờ đi chợ Bic C với cùng bà xã, tôi chỉ thấy những con cá thác lác to bằng bàn tay nhưng hồi ấy, những con cá thác lác rộng chừng ba chục phân, thân dài cả mét không phải là của hiếm. Chúng tôi đem về quăng ở ngoài sân, chờ cho cá trương căng lên mới mang ra lọc thịt. Dùng sống dao dần kỹ dọc thăn thịt lưng, dao sắc đưa xẻ một đường dọc sống lưng, lật ra lấy cái muỗng nhôm cạo nhẹ xuôi theo chiều xương cá. Chẳng mấy chốc mà đã lưng nửa chậu chia cơm. Nước mắm ngon, hạt tiêu, hành lá ( ngày ấy kiếm không ra chút thìa là cánh nhỏ ), chút bột ngọt nêm vào… Nắm dẹt từng miếng như chiếc phồng tôm thả vào chảo mỡ. Nó nhanh chóng nở phồng lên thơm ngạt ngào, quyến rũ. Xít xoa cắn ngập chân răng. Thằng trực nhật vừa rán xong thì cũng coi như …vừa hết! Loại chả này phải ăn từ bếp nó mới ngon. Cứ bày ra bàn kể như là vứt! Còn cái riềm bụng cá thác lác cắt miếng nhỏ bằng ba ngón tay cho vào nấu với lá giang. Nồi canh chua thơm béo nhóng nhánh váng mỡ mà chẳng thu hút được ai.
Nhiều cá đâm ra hoang phí. Chúng tôi đào hẳn một hố sâu, đổ cá xuống ngâm thối để dùng tưới rau tăng gia. Đỗ, rau muống, rau cải … được tưới bằng thứ nước ấy cứ tốt ù ù. Rồi nuôi lợn tăng gia cũng bằng cám – cá. Cám lấy từ kho sát lúa trên chân núi do tụi thằng Thảo, ông Hai Thí phụ trách. Cá thì tụi tôi hết buổi xách về… Lợn béo múp míp lớn lên trông thấy. Chẳng phải riêng chúng tôi làm thế. Quân nhu, kế hoạch, xăng dầu, doanh trại…Tất cả cùng một duộc như nhau
Nói như thế nhưng cũng phải thấy một điều rằng các đơn vị tác chiến xa sư đoàn như E1, E2 thì chúng tôi chỉ có thể cung cấp cá khô thôi chứ không như E3 và các đơn vị trực thuộc ở gần. Đường xa địch phục liên miên, anh em được bữa cá tươi mà đổi vài mạng lính chúng tôi chắc anh em không nỡ, có phải không nào? Lính chốt, lính trực tại phòng Hậu cần thay quân liên tục. Chốt có cái khổ, cái sướng ở chốt. Phòng có cái khổ, cái sướng ở phòng. Ở phòng điện đóm, nước non đôi phần dễ chịu. Nơi ăn chốn ở cũng có đàng hoàng nhưng đổi lại là những chuyến đi xuống các đơn vị xa xôi. Lộ 27 từ Congpongchnang xuống Romeas ( E1 ) là con đường “ chết “. Con đường từ sân bay đi Bamnak ( E2 ) cũng là con đưởng “ tử “. Buổi sáng nhận kế hoạch đi lấy tử sỹ dưới đơn vị là thằng nào mà chẳng “ tim đập – chân run “. Ở chốt nằm ngoài sông thì lại khổ vì mưa, vì nắng. Suốt ngày mình trần, đóng khố như thủa …hồng hoang. Nước thì nước sông tanh nồng mùi cá, đêm nằm nghe muỗi thổi sáo vi vu mà lòng thoáng lo đêm nay địch đánh. Nhưng lại sướng bởi sự tự do, chẳng thằng nào lo vì chưa nghiêm …điều lệnh. Mái tóc dài mấy tháng chưa cắt chải, quần áo rách tươm trông thật giống lũ …phỉ ngày xưa. Nhưng đầu sạp thằng nào cũng thùng nhỏ, thùng to…Nào mật ong rừng, nào Sa Mit, ốt pho vải Thái… Tiền tiêu rủng rỉnh vì “ bảo lãnh “ Việt kiều vào lãnh địa của mình đánh cá.
Cả ngày chẳng phải làm gì cứ nghêu ngao ca hát. Thằng viết thư, thằng ngồi nghe radio ca nhạc. Muốn ăn cá ( quá dễ ) thì chỉ cần gọi mấy người dân, dặn hôm nay cho mấy con kha khá. Thế là có ngay vài con cá để nấu món nọ, món kia. Hết gạo thì cũng ới dân mua hộ, không thèm ăn mấy bao gạo vừa hôi vừa mốc lĩnh của sư đoàn.
Chưa hết! dân buôn lậu từ Siêm riệp, Battambong xuôi dòng về Phnompenh thì “ nhờ “ họ mua vài tút thuốc, mấy mảnh tê tơ rông, dăm ba gói kẹo. Thứ mang ăn, thứ gửi về làm quà…..em gái hậu phương. Thằng Thanh với vẻ mặt đần thối ngẩn ngơ nghe chương trình “ khắp nơi ca hát “ phát sáng chủ nhật hàng tuần. Chợt nghe “…em Nguyễn Thu Hương – sinh viên khóa K mười mấy..Trường Đại học sư phạm Vinh… “ liền toét miệng nhờ tôi viết thư gửi tới làm quen. Thư đi tin lại rồi cũng đến hồi…gửi ảnh. Nhận ảnh em chắc thấy khó nhằn, hắn bèn lấy vỏ bao thuốc đánh răng HYNOS cắt hình cậu Tây đen với hàm răng trắng ởn. Thế là tan biến cho một mối tình..chưa kịp nở hoa kết trái! Đời lính tráng cứ vậy với bao câu chuyện vui buồn mà vẫn sống nhăn. Nào ai biết sau vài năm về lại cố hương, chàng lính ấy lại ra đi bất ngờ bởi tai nạn giao thông trong đêm tối mà chẳng ai chứng kiến.
Đêm trên chốt ù ù gió thổi. Mặt sông sóng vỗ ầm ào… Nếu không có thuyền dân Việt kiều vào đánh cá thì chỉ còn trơ nhõn… ba thằng. Mùng buông từ lúc xế chiều, cơm nước xong là chui vào tránh muỗi. Thôi thì chuyện nhỏ chuyện to, chuyện buôn chè từ Thái nguyên về, chuyện tình yêu đôi lứa…ngày xưa. Có thằng chưa hề cầm nắm tay ai nhưng bịa chuyện tình yêu cứ như ông… cụ tổ. Cái nội quy mỗi thằng mỗi chuyện, nếu không có thì cho muỗi đốt… cả đêm trở nên hiệu nghiệm.
Trời mưa gió tạt ướt lướt thướt, mấy anh em đành nấu cơm luôn ở trong lều. Không bày biện nhiều làm gì cho rách việc. Nồi cơm thơm nóng, con tra khô thơm nướng mỡ chảy xèo xèo. Thôi cũng đành dằn bụng vài ba bát cho thêm phần ấm dạ.
Thấm thoát đã mấy chục năm, nhớ lại một vùng nước năm xưa đầy tràn ký ức!