Vẫn câu chuyện NGÃ BA hay NGÃ ... GÌ mà ông TÒA ÁN cũng phải pó tay ợ! :77::77::77:
http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Nga-ba-hay-nga-gi--toa-cung-bo-tay/58722
Công dân thua kiện cảnh sát giao thông ở Hà Nội:
Ngã ba hay ngã gì - toà cũng bó tay?
Thứ Bảy, 17.9.2011 | 08:41 (GMT + 7)
Ngày 13.9, Hội đồng xét xử toà phúc thẩm TAND TP.Hà Nội đã tuyên án bác đơn kháng nghị bản án sơ thẩm của công dân Nguyễn Đức Đông kiện Công an quận Cầu Giấy đã ra quyết định xử phạt hành chính không có căn cứ.
Hai cấp xét xử vụ công dân kiện cảnh sát vẫn chưa thuyết phục
Anh Đông (áo trắng) và đại diện bị đơn tại phiên xét xử.
Đây là phiên toà xét xử vụ kiện hành chính về vụ việc được xác định là “rất nhỏ”, nhưng lại được sự quan tâm của đông đảo người dân. Vụ kiện được xét xử vào đúng “Tháng an toàn giao thông”.
Kết luận của toà án không được nguyên đơn cũng như người dân tâm phục khẩu phục, bởi chính toà án cũng không xác định được ngã ba hay là ngã gì? Toà soạn nhận được phản hồi của bạn đọc, bày tỏ không đồng tình bởi sự thiếu trách nhiệm của cơ quan cắm biển báo đã thành cái “bẫy” người dân vi phạm.
Không phải ngã ba thì là ngã gì?
Tóm tắt vụ kiện: Ngày 15.11.2010, ông Nguyễn Đức Đông (Từ Liêm, Hà Nội) lái xe ôtô đi từ đường Phan Văn Trường đến điểm giao (ngã ba) với đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) đã rẽ phải (đường Xuân Thủy hai chiều nhưng có dải phân cách), đến số nhà 61-63 Xuân Thủy là trụ sở ngân hàng, không thấy có biển báo cấm đỗ xe ở ngã ba nên ông Đông đã đỗ xe ôtô dưới lòng đường để vào ngân hàng giao dịch.
CSGT quận Cầu Giấy đã phạt ông Đông 800.000 đồng vì đỗ xe dưới lòng đường và đây là tuyến đường cấm đỗ ôtô và giữ giấy tờ trong vòng 30 ngày. Ông Đông không đồng tình với quyết định xử phạt này và khởi kiện tại TAND quận Cầu Giấy. Phiên toà sơ thẩm đã khẳng định việc CA quận Cầu Giấy xử phạt ông Đông là đúng, đồng thời ông Đông có hộ khẩu tại TP.Hà Nội thì ngoài việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ còn phải tuân thủ các quy định của UBND TP.Hà Nội về việc cấm đỗ xe dưới lòng đường tại các tuyến phố văn minh, thương mại.
Không đồng tình với phán quyết của phiên toà sơ thẩm, ông Đông đã có đơn kháng nghị bản án. Hội đồng xét xử phiên toà phúc thẩm ngày 13.9 đã bác đơn kháng nghị của nguyên đơn - công dân Nguyễn Đức Đông.
Ông Nguyễn Quang Đăng (Cầu Giấy, Hà Nội) là người đã tham dự cả hai phiên toà bày tỏ: Tôi là người chứng kiến vụ CSGT quận Cầu Giấy xử phạt ông Đông. Không đồng tình với lý lẽ của CSGT nên tôi đã xin điện thoại của ông Đông. Khi được ông Đông thông báo về ngày mở phiên toà sơ thẩm, tôi đã đến dự.
Tại phiên toà sơ thẩm, ông Đông viện dẫn Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, trên đoạn đường cấm đỗ xe thì tại ngã ba, ngã tư phải có biển báo nhắc lại, nhưng ông Đông quan sát không hề thấy biển cấm nên đã đỗ xe ôtô. Phản bác lại nguyên đơn, bị đơn - đại diện CA quận Cầu Giấy - nói rằng ở hai đầu đường Xuân Thủy đã có cắm biển báo cấm đỗ xe, người tham gia giao thông phải chấp hành. Nguyên đơn đề nghị làm rõ điểm giao của đường Phan Văn Trường với đường Xuân Thủy có phải là ngã ba hay không, nếu là ngã ba thì theo luật phải có biển báo. Bị đơn lại viện rằng: Ngã ba thì phải cắm biển báo, nếu không cắm biển báo thì không phải là ngã ba.
Vậy, theo cách giải thích của bị đơn - CA quận Cầu Giấy - thì điểm giao của đường Phan Văn Trường với đường Xuân Thủy không phải là ngã ba. Tôi thật bất ngờ với cách lý giải của CA quận Cầu Giấy. Đường Phan Văn Trường không phải là ngõ mà là đường, đã là đường thì điểm giao của đường Phan Văn Trường với đường Xuân Thủy phải là ngã ba.
Tuy nhiên, tôi càng bất ngờ hơn khi thấy bị nguyên đơn truy hỏi, “đuối lý” nên bị đơn - CA quận Cầu Giấy - lại lập luận rằng, người tham gia giao thông ngoài việc phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ còn phải chấp hành các quy định khác, đó là quyết định của UBND TP.Hà Nội về việc cấm đỗ xe tại 56 tuyến phố văn minh, thương mại. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn công bố trước toà 56 tuyến phố bị cấm đỗ xe đó là những tuyến phố nào? Bị đơn lúng túng. Toà cứu nguy bị đơn bằng cách nhắc nhở nguyên đơn rằng không được đi quá xa nội dung tranh luận.
Tại phiên toà phúc thẩm, chủ tọa phiên toà cho biết đã đến điểm giao của đường Phan Văn Trường và đường Xuân Thủy để thực địa, khẳng định cũng không thấy có biển báo cấm nào. Phía bị đơn lập luận không cần biết ông Đông đi từ hướng nào, nhưng đã đỗ xe trên đường cấm đỗ xe là phạt.
Trong khi đó, chiều ngược lại của đường Xuân Thủy (có dải phân cách) tại các ngã ba đều có cắm biển báo thì lại được đại diện CA quận Cầu Giấy xác định đúng là ngã ba vì theo đúng quy định của luật. Theo lý giải của bị đơn, tôi hiểu rằng nếu có cắm biển báo thì mới xác định đó là ngã ba, nếu không có biển báo thì không phải là ngã ba.
Uẩn khúc chính là điểm giao của đường Phan Văn Trường và đường Xuân Thủy có phải là ngã ba không? Toà hỏi, một lần nữa bị đơn vẫn khẳng định đó không phải là ngã ba. Vậy điểm giao của đường Phan Văn Trường và đường Xuân Thủy gọi là gì? - toà hỏi - bị đơn vẫn: “Đó không phải là ngã ba, gọi là gì tôi không biết, nếu là ngã ba thì Sở GTVT phải cắm biển báo. Và cuối cùng toà cũng nhận định rằng, nguyên đơn đã nhầm lẫn khi nhận thức điểm giao của đường Phan Văn Trường và đường Xuân Thủy là ngã ba.
Là người dân, tôi thực sự hoang mang vì lẽ, người dân thì xác định rằng điểm giao của hai đường thì được gọi là ngã ba hoặc ngã tư (nếu giao cắt), chỉ vì Sở GTVT Hà Nội không cắm biển báo nên cả bị đơn - CA quận Cầu Giấy - cơ quan thực thi pháp luật lẫn cơ quan tư pháp (toà án) đều khẳng định điểm giao của đường Phan Văn Trường và đường Xuân Thủy không phải là ngã ba. Để khẳng định đó có phải là ngã ba hay không thì cơ quan có trách nhiệm trả lời đó chính là Sở GTVT Hà Nội.
Quyết định cao hơn luật
Ông Nguyễn Quang Đăng bày tỏ quan điểm không đồng tình khi phía bị đơn và HĐXX phiên toà sơ thẩm buộc người tham gia giao thông phải thuộc cả 56 tuyến phố văn minh, thương mại đã được “nêu” tên tại QĐ số 2053 của UBND TP.Hà Nội năm 2008, đặc biệt nguyên đơn là người có hộ khẩu tại Hà Nội. Chính bị đơn cũng lúng túng khi nguyên đơn yêu cầu bị đơn công bố tên 56 tuyến phố. Tôi tin rằng, nếu phỏng vấn nhanh các quan chức của UBND TP.Hà Nội chắc chẳng ai có thể đọc thuộc lòng tên 56 tuyến phố đó, nói chi người dân.
Nếu theo viện dẫn của bị đơn - cơ quan thực thi pháp luật và toà án - cơ quan tư pháp, tôi hiểu rằng trong vụ kiện này họ đã đặt QĐ của UBND TP.Hà Nội cao hơn cả Luật Giao thông đường bộ.
Như thế là đã rõ, chỉ vì sự thiếu trách nhiệm trong việc cắm biển báo của Sở GTVT Hà Nội đã trở thành cái “bẫy” đối với người dân khi tham gia giao thông. Báo chí cũng đã từng lên tiếng nhiều biển báo nằm ở tầm khuất khiến người tham gia giao thông rất khó quan sát trên nhiều tuyến đường Hà Nội.
Để người dân hiểu và có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, tôi thiết nghĩ cơ quan thực thi luật pháp cũng phải cân nhắc một cách thấu đáo khi người tham gia giao thông phạm lỗi có yếu tố khách quan như trường hợp của ông Đông (không có cắm biển báo). Tại phiên toà phúc thẩm, chính đại diện Viện KSND cũng thừa nhận quyết định xử phạt hành chính của CA quận Cầu Giấy đối với vi phạm của ông Đông chưa đầy đủ, viện dẫn pháp luật còn thiếu.
Vấn đề không phải vì cần “đòi” lại 800.000 đồng đã nộp phạt mà ông Nguyễn Đức Đông đã khởi kiện vụ án hành chính, mấu chốt chính là đã là luật pháp thì mọi người dân đều được công bằng trước pháp luật.
Lê Huân ghi