Cụ chuẩn rồi!
Về chuyện chấm giải cho Văn và Thơ thì khó có thể có chuyện rạch ròi từng tiêu chí như kiểu chấm điểm Toán được nên cứ được Hội đồng chấm thi "ưng" là có giải.
Cá nhân em thấy bài này ổn mà, mới đọc một lần thì chưa "cảm" được, đọc lại lần nữa thấy khác đấy.
Nói chung chấm thơ mà nói chuyện nhất/bét là luôn có sự không đồng thuận. Người nói hay, kẻ bảo dở là bình thường ạ!
Anh Trần Đăng Khoa, thành viên Ban GK có ý kiến:
VỀ BÀI THƠ ĐƯỢC GIẢI BÁO VĂN NGHỆ
“Sáng 9/4, báo Văn nghệ có trao giải cho cuộc thi thơ. Tôi tiếc là vì bận việc gia đình nên đã không có mặt để chúc mừng các tác giả đoạt giải. Sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện những ý kiến trái chiều, nói giải thơ quá tệ.
Nhân cớ đó có người lại chửi cả ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi rất ngạc nhiên, vì ông Nguyễn Quang Thiều không liên quan đến giải thưởng này. Ông không ở trong Ban Tổ chức, cũng không làm giám khảo. Chủ tịch Hội đồng Giám khảo là nhà thơ Hữu Thỉnh. Tham gia trong Hội đồng có nhà thơ Nguyễn Bình Phương, tôi và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, thay mặt cho ban Sơ khảo.
Quả thật mà nói, giải này chưa phải đắc địa. Chính tôi là người đề nghị không có giải A, cũng không có giải B, chỉ có giải C và giải khuyến khích thôi. Nhưng rồi bàn luận kỹ lưỡngtôi đồng ý với hội đồng giám khảo. Không có quả. Thì thôi có Hoa ta mừng hoa, có Nụ ta mừng Nụ. Đây chỉ là kết quả cuộc thi thơ của một tờ báo. Nó cũng phản ánh đúng tình trạng văn chương của chúng ta hiện nay.
Rõ ràng là cuộc thi chưa được như mình mong đợi nhưng nó có quá tồi tệ như dư luận phản đối không? Tôi thấy không phải. Chúng ta quá cực đoan nên có những lời thoá mạ nặng nề. Thực chất cũng không đến mức như thế.
Bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” có tứ rất hay. Xưa nay, việc bị mất trộm ở thôn quê xảy ra như cơm bữa. Ngay ở làng quê tôi việc mất trộm gà, trứng gà, xảy ra như cơm bữa. Cứ vài ngày lại nghe người chửi trộm gà. Ngay trong cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan, “Bước đường cùng”, ở phần đầu sách, ông cũng dẫn nguyên lời chửi mất gà. Lời chửi trộm ở đâu cũng thường rất cay độc: “Con gà ở nhà tao nó là con gà, con gà về nhà mày nó là con thành đanh đỏ mỏ, nó mổ mắt bố mẹ mày, mổ mắt con cháu mày, mổ mắt cả họ hàng nhà mày…” v.v…
Nhưng bà mẹ chửi trộm ở đây rất đặc biệt :
- Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường
Tác giả còn thật thà kể:
Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
- Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé!
Ta thấy bà chửi trộm hiện lên rất đẹp, rất nhân văn. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói rất đúng “Lấy ân trả oán thì cái oán sẽ bới đi. Lấy oán trả oán thì oán càng chồng chất”. Bà “Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả/ Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa”. chính vì có bà mẹ nhân ái như thế mà rồi con gái của bà: “Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường/Nhan sắc không bằng đám bạn/ Khéo léo không bằng người ta/ Thế mà có hẳn bốn nhà/Muốn được tôi làm con dâu của họ.”. Vì sao người ta chỉ mong có cô con dâu là con gái bà? Vì đó là con nhà tử tế. Là người có đạo đức. Tứ hay. Rất nhân văn. Cách viết mộc, thật thà. Đúng là cách nghĩ cách nói của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, về nghệ thuật bài thơ không có gì. Nhưng để mộc thế này lại hiệu quả. Để viết có vần có ngôn ngữ bóng bẩy chả khó gì. Nhưng như thế sẽ mất đi sự chân phác, đúng là người dân tộc. Cách viết như tác giả là hợp lý. Bài thơ không vần điệu, ngôn ngữ không đặc biệt nhưng thật thà. Cái hay của bài thơ cũng là ở chỗ đó. Tôi cho rằng, đó là bài thơ hay! Nhưng không toàn bích, nếu toàn bích nó đã giải nhất rồi.”