Một dinh thự của dòng họ Lê Công ở Châu Đốc gọi là Lê Công Phủ được xây từ năm 1908-1912.
Dòng họ Lê Công là một dòng họ nổi tiếng và có công lớn ơ vùng này. Ông tổ của dòng họ Lê Công là ông Lê Công Thoàn có gốc tích ở Thanh Hóa, do loạn lạc và mùa màng thất bát, cuộc sống khó khăn nên ông Lê Công Thoàn dẫn dắt bầu đoàn thê tử di cư vào Nam tìm đất khẩn hoang lập nghiệp trong những năm đầu thế kỷ XVIII.
Theo các tư liệu còn ghi chép thì lúc đầu ông Lê Công Thoàn và gia quyến lưu lạc đến lập nghiệp ở đất Long Hồ (thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay), sau đó không hiểu vì lý do gì họ lại rời bỏ vùng đất quanh năm cây lành trái ngọt ở Long Hồ để đưa nhau đi ngược sông Tiền, trôi dạt qua sông Hậu và đến định cư, khai hoang lập ấp ở vùng Châu Đốc ngày nay.
Thời dòng tộc Lê Công đến vùng Châu Đốc, vùng đất này còn hoang sơ, rừng rú rậm rạp “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.
Qua nhiều đời con cháu tiếp nối nhau khai khẩn Châu Đốc, dòng tộc Lê Công trở thành một họ lớn ở miền biên viễn, nổi tiếng vì đã có nhiều công lao trong việc xây dựng vùng đất này trở nên trù phú, hiến đất xây dựng trường học, chợ búa và nhà thương từ khi còn là trấn Châu Đốc của nhà Nguyễn cho đến thời Pháp thuộc.
Cũng có chuyện kể rằng, dòng họ Lê Công thuộc dòng dõi của Lê Lai, người đã liều mình đổi Long bào của Vua Lê Lợi để hy sinh cứu Vua Lê thoát khỏi vòng vây của quân Minh. Đến khi nhà Nguyễn cầm quyền, dòng họ Lê Công có một người thân làm quan đến chức thượng thư trong triều đình Huế.
Khoảng năm 1734-1735, ông thượng thư họ Lê Công được triều đình cử đi kinh lược xứ Nam Kỳ, có dẫn theo một số người thân trong dòng học, trong đó có ông Lê Công Thoàn.
Khi đoàn quân binh của quan thượng thư đi đến vùng biên giới Châu Đốc, ông Lê Công Thoàn thấy vùng này tuy hoang vu nhưng tôm cá, sản vật dồi dào, đất đai màu mỡ nên đã ở lại và sau đó đưa thân nhân từ miền ngoài vào hợp lực khai phá đất đai, khẩn hoang lập ấp.
Những câu chuyện còn ghi lại của dòng họ Lê Công và những giai thoại dân gian vùng Châu Đốc kể rằng, trong dòng họ Lê, ngoài ông tổ Lê Công Thoàn có nhiều công lao khai khẩn vùng biên được triều đình nhà Nguyễn ghi nhận công đức và ban chiếu sắc phong chức “Tiền hiền” làng Châu Phú, ông Lê Công Bích là người được triều đình phong chức vụ “Tổng binh” nắm binh quyền, lo việc giữ yên bờ cõi. Dù nắm chức Tổng binh nhưng ông Lê Công Bích là một người nổi tiếng thương dân.
Do lập được nhiều công lao trong việc giữ yên biên cương phía Tây Nam của Tổ quốc nên sau khi mất, ông Lê Công Bích được triều đình nhà Nguyễn phong là "Hậu hiền" làng Châu Phú (sưu tầm)
Bên trong dinh thự Lê Công
Và đây là hình ảnh hiện nay về dinh thự này. Nhà thờ họ Lê Công.
Gian thờ và đồ thờ vẫn còn nguyên từ khi xây dựng. Đều bằng đồ gỗ quí khảm trai rất đẹp.