Ảnh chụp bên ngoài thành Hải Dương, còn gọi là thành Đông, năm 1894.
Gọi là thành Đông vì thành trấn của xứ Đông [ngược với xứ Đoài].
Thành Hải Dương được xây dựng theo kiến trúc Vauban, phân rõ thành 2 khu thành Nội và thành Ngoại.
Thành Hải Dương gắn liền với nhiều sự kiện liên quan đến toàn bộ xứ Bắc Kỳ thời kỳ hỗn loạn.
1.Ngày 9 tháng 5 năm 1862, tại pháp trường Năm Mẫu ngoại thành Hải Dương, gần bến Đò Hàn gần 200 giáo dân của địa phận Hải Dương bị triều đình Huế chém chết.
2. Năm 1866 [Tự Đức thứ 19], Đông Kiều phố được hình thành [tương ứng với phường Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo ngày nay], nhiều phố nghề ra đời như Hàng Giày [Sơn Hòa ngày nay], Hàng Đồng [Đồng Xuân], Hàng Bạc [Xuân Đài] Hàng Lọng [Tuy An].
3.Ngày 9 tháng 11 năm 1872, lái buôn Jean DuPuis đi tàu tới cửa sông Hồng, neo tại thành tỉnh Hải Dương. Quan đầu tỉnh bấy giờ là Lê Tuấn từ chối cho Dupuis ngược sông, bắt phải chờ hồi âm của triều đình. Dupuis nán lại chờ 15 ngày rồi tự tiện ngược sông lên Hà Nội.
4.Ngày 4 tháng 12 năm 1873, Pháp chiếm thành Đông lần thứ nhất. Đến ngày 31 tháng 12, Pháp buộc phải trao trả Thành Đông trước sự chứng kiến của Nguyễn Văn Tường [đại diện triều đình Huế] và Philastre [đại diện soái phủ Sài Gòn].
5.Ngày 19 tháng 8 năm 1883, Pháp chiếm Thành Đông lần 2. Từ ngày 12 đến 19 tháng 11, quan quân triều đình liên kết với quân Cờ đen bao vây tấn công Pháp ở Thành Đông.
6.Đêm 28 rạng 29 tháng 9 năm 1885, quân Nguyễn Thiện Thuật bao vây và tấn công quân Pháp tại thành Hải Dương.
7.Ngày 23 tháng 7 năm 1889, quân Đốc Tít tấn công thành Hải Dương. Cùng trong năm này, chính quyền Pháp cho phá nhiều đoạn tường thành Hải Dương để lấy mặt bằng
8.Năm 1897, chính quyền Pháp cho phá hầu hết các đoạn tường Thành Đông, lấp hào phía Đông, mở rộng mặt bằng xây dựng Sở rượu.
Ngày nay, dấu tích của thành Hải Dương hầu như không còn nhiều, khu vực Cửa Đông thành Hải Dương trong ảnh chụp nay ở vào khoảng giữa Hồ văn hoá và bưu điện tỉnh.
Ảnh của bác sĩ quân y Pháp C. E. Hocquard.