Đồng Mồ Mả, 1867.
Đồng Mồ Mả hay còn gọi là Mả Ngụy, tên khác là Mả Biền Tru, là cái tên, dấu vết khó xóa nhòa đã tồn tại rất nhiều năm qua ở Sài Gòn. Cho đến nay, vị trí cụ thể ở đâu vẫn còn là tranh cãi.
Gọi là "Mô súng" vì nơi đây có các mô đất cao đặt các khẩu súng đại bác để phục vụ cho công tác huấn luyện của quân đội nhà Nguyễn, [ có thông tin cho rằng] vị trí các "mô súng ở gần Mả ngụy", tức ở khu vực Ngã Sáu [Công trường Dân Chủ] ngày nay.
Gọi là "Mả Ngụy" [hay:Mả Biền Tru] vì nơi đây có một ngôi mộ chung chứa 1.831 xác người gồm già trẻ trai gái ngay sau khi cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi bị quân đội nhà Nguyễn đánh dẹp vào tháng 7 năm Ất Mùi [1835]
Trong các bản đồ Pháp vẽ thời cuối thế kỷ 19, có thể thấy cái tên “plaine des tombeaux”, nghĩa là “cánh đồng mồ mả” nằm ở hướng Tây Nam của Sài Gòn, nơi từng là Đồng Tập Trận của nhà Nguyễn.
Mả Ngụy năm xưa nằm tập trung trong các tổng Bình Trị Thượng và Bình Trị Trung thời Minh Mạng, vốn là một vùng đất hoang. Vùng đất này từng được Tổng Trấn Gia Định Thành là Lê Văn Duyệt cho duyệt binh trong những ngày lễ Tết, nên người dân gọi là Đồng Tập Trận.
Học giả Trương Vĩnh Ký trong bài "Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận", kể:
"Hàng năm, sau Tết ít lâu, ông [chỉ Lê Văn Duyệt] tổ chức diễn tập quân đội của lục tỉnh nơi đồng Tập trận [trong cánh đồng Mồ mả nay có các cột dây thép gió. Cuộc thao diễn ấy được quan niệm dưới hai khía cạnh vừa chính trị vừa tôn giáo, đúng hơn là mê tín. Cuộc thao diễn có mục đích khoa trương lực lượng sẵn sàng đàn áp mọi cuộc gây rối, đồng thời để xua đuổi ma quỷ xấu xa. Lễ ra quân đó tiến hành như sau:
"Trước ngày 16 tháng giêng năm mới, sau khi giữ chay tịnh, quan Tổng trấn vận phẩm phục đại trào vào hoàng cung bái vọng đức vua, rồi ba phát pháo lệnh thần công, ông lên cáng giữa đoàn quân tiền hô hậu ủng. Ông đi rước như vậy, hoặc qua cửa Gia Định môn hoặc qua cửa Phiên An môn, rẽ hướng Chợ Vải và đi thẳng lên đường Mac Mahon để tới Mô Súng. Tại đây, người ta bắn súng đại pháo, duyệt binh, con voi tập trận. Sau đó ông Tổng trấn đi vòng ra phía sau thành tới Xưởng thủy để xem một trận chiến giả, rồi trở về thành. Trong suốt cuộc rước binh đó, dân chúng gây tiếng động trong nhà, như đốt pháo xua đuổi tà thần có thể ếm hại gia đình...
Sau khi Lê Văn Duyệt chết, Minh Mạng vốn căm ghét ông từ trước, liền cho bãi chức tổng trấn thành Gia Định, chia vùng đất miền Nam do ông cai quản ra làm 6 tỉnh (Nam Kỳ lục tỉnh), cắt đặt quan lại vào thay và dựng lên vụ án Lê Văn Duyệt...
Nguyên là, khi Nguyễn Ánh hỏi Lê Văn Duyệt về chuyện nối nghiệp, tỏ ý muốn đưa thái tử Đảm [ tức Minh Mạng] lên ngôi, Duyệt nói:
- Thế tử nhìn không lương [ thiện], bài bác người Tây Dương, bàn chuyện quốc sự thì phi Nghiêu Thuấn lại Hạ Thương Chu, chuyện mấy nghìn năm nay cứ áp cho đời nay...
Nguyễn Ánh bèn đem những lời Duyệt nói nói lại cho Minh Mạng, Minh Mạng tím mặt căm thù.
Duyệt được Gia Long ban cho lệ Nhập Triều Bất Bái, nghĩa là không phải quỳ lạy, Minh Mạng căm lắm, ngày đêm cùng các quan bàn mưu sâu kế hiểm để khử Duyệt, nhưng uy quyền Duyệt còn lớn, nên các quan chưa dám ra tay, lại nghe nói Duyệt có nhiều của cải, một số quan thèm ....
Trong những quan lại ấy có Nguyễn Văn Quế làm Tổng đốc, Bạch Xuân Nguyên làm Bố chính, Nguyễn Chương Đạt làm Án sát. Và, vốn là người tham lam, tàn ác; nên khi đến làm bố chính ở Phiên An, Bạch Xuân Nguyên nói rằng phụng mật chỉ truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, rồi đòi hỏi chứng cớ, trị tội bọn tôi tớ của ông Duyệt ngày trước [trong số đó có Lê Văn Khôi bị cầm tù]
Minh Mạng cho truy xét và lệnh chu di Cửu Tộc nhà Duyệt, nhưng Duyệt là hoạn quan, không có con cái, chỉ có một người con nuôi là Bế Văn Khôi, quê gốc Lạng Sơn hoặc Cao Bằng, Duyệt nhận nuôi vì quý mến khi quân Nguyễn bắt được Khôi, định chém thì Duyệt xin tha.
Minh Mạng cũng lại ghét dân Bắc Kỳ, lính Bắc Kỳ bị phân biệt, thường dưới lính Nam Kỳ một bậc, ăn uống cũng khẩu phần khác,hết hạn lính, còn bị bắt ở lại Nam Kỳ xung làm không công ở các vùng đất mới khai khẩn, lại bị gọi là lính Hồi Lương [ về với lương thiện]. Lê Văn Khôi bèn liên kết với lính Bắc Kỳ.
Đến đêm ngày 18 tháng 5 năm Quý Tỵ [tức 5 tháng 7 năm 1833], Lê Văn Khôi cùng với 27 người lính hồi lương [ lính người Bắc] vào dinh quan bố, giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên, người trực tiếp lo vụ án Lê Văn Duyệt. Nguyễn Văn Quế đem người đến cứu, cũng bị giết nốt. Còn quan án Đạt thì chạy thoát được. Phó lãnh binh Phiên An là Giả Tiến Chiêm đem hơn 400 lính chống lại nhưng bị thua phải bỏ chạy. Sau đó, Lê Văn Khôi cho mở cửa tù, thả hết phạm nhân và phát khí giới cho họ. Ông tự xưng là Đại nguyên soái, phong quan tước cho thuộc hạ, rồi cùng lập một triều đình riêng.
Chiếm được thành Phiên An, Lê Văn Khôi sai Thái Công Triều đem quân đi lấy các tỉnh thành. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, sáu tỉnh Nam Kỳ đều thuộc về quân nổi dậy.
Hay tin, vua Minh Mạng liền cử Tống Phúc Lương, Nguyễn Xuân, Phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng và Trần Văn Năng đem thủy bộ binh tượng vào đánh Lê Văn Khôi.
Địa chủ, phú hào các nơi dao động, không dám ủng hộ ông nữa. Tiếp đó, một tướng giỏi của ông là Thái Công Triều [quê Thừa Thiên, nguyên là vệ úy coi vệ biền binh ở Phiên An và là người được Khôi giao quản lĩnh phân nửa Nam Kỳ] cũng bất ngờ đầu hàng triều đình, khiến lực lượng nổi dậy suy yếu nhanh chóng. Nhân cơ hội này, các tướng nhà Nguyễn nhanh chóng thu phục lại các tỉnh đã mất. Lê Văn Khôi phải rút vào thành Phiên An cố thủ, rồi nhờ các giáo sĩ phương Tây sang Xiêm cầu viện. Vua Xiêm nhân muốn lấn đất Đại Nam nên điều quân sang giúp.
Đầu năm 1834, Lê Văn Khôi bị bệnh phù thũng, chết ở trong thành, không rõ bao nhiêu tuổi. Con trai ông là Lê Văn Cù mới 8 tuổi được cử lên thay. Tiền quân Nguyễn Văn Trắm được lĩnh nhiệm vụ chỉ huy quân lính trong thành.
Thành Phiên An cố thủ được tới ngày 16 tháng 7 năm Ất Mùi [tức 8 tháng 9 năm 1835], thì bị quân triều đình chia làm 8 mũi, tấn công ồ ạt vào thành. Quân nổi dậy chống cự không nổi, thành thất thủ.
Ngay sau khi đánh hạ được thành Phiên An [tháng 7 năm Ất Mùi, 1835], Minh Mạng đã ra lệnh hạ sát "già trẻ trai gái, cộng chung là 1.831 người" có liên quan đến cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, rồi vùi thây trên cánh đồng này.
[ theo Đại Nam chính biên liệt truyện]:
Tra xét nơi chôn thây tên nghịch Khôi, đào lấy xương đâm nát chia ném vào hố xí ở 6 tỉnh [Nam Kỳ] và cắt chia từng miếng thịt cho chó, đầu lâu thì đóng hòm đưa về kinh rồi cùng đầu lâu những tên phạm khác bêu treo khắp chợ búa nam bắc, xong vất xuống sông. Còn bè đảng a dua không cứ già trẻ trai gái đều ở vài dặm ngoài thành chém ngay, rồi đào một hố to vất thây lấp đất, chồng đá làm gò dựng bia khắc: nơi bọn nghịch tặc bị giết, để tỏ quốc pháp..
..Bè đảng a dua, không cứ già trẻ trai gái, ở trong và ở vài dặm ngoài thành (đều) chém ngay, rồi đào một hố to vất thây lấp đất, chồng đá làm gò dựng bia khắc đây là "nơi bọn nghịch tặc bị giết, để tỏ quốc pháp"
Vị trí nấm mộ đó, tuy ý kiến của các nghiên cứu vẫn còn có chút khác biệt, nhưng tựu trung cũng chỉ quanh quẩn ở khu vực Ngã Sáu Công trường Dân Chủ.