Sớm ngày mồng 9 [ ngày 25 tháng 3 năm 1836], có các Nho sĩ Trần Như Sâm 陳如琛, Trần Huy Quang 陳輝光, Hoàng Bích Quang 黃壁光 (đều là người Quảng Châu 廣州, Quảng Đông) đến chơi cùng làm thơ phú; bảo rằng Đông Kinh đất rộng, giàu có, thành trì kiên cố, dân tập trung đông, thị tứ phồn hoa, nguồn lợi trân quí đứng vào hàng đầu Việt Nam, lại nhiều bậc trí thức và thắng cảnh; không thể không chiêm ngưỡng một lần trong đời. Rồi mời vào thành, xem cung điện cũ thời nhà Lê 黎氏故宮; kìa là những bức vẽ trên cột, những nét khắc trên lầu son, cung điện cao, lầu gác san sát, phô bày rành rành trên thảm cỏ đượm hơi sương. Qua khu thị tứ, chợ búa thấy tiền bạc, hàng hóa chất đầy thành đống, kiểu cách mắt tôi chưa từng thấy. Vượt sông Nhị Hà 珥河江 (xưa gọi là Phú Lương富良江), xem sứ quán 使館 thiên triều [ nay là xã Gia Quất, huyện Gia Lâm], tại phía bên trái sông Nhị Hà, bia lớn sừng sững, khí tượng hiên ngang. Lại đến xã Đồng Nhân 同仁社 [nay là đền Đồng Nhân, Hà Nội ] xem miếu thờ Hai Bà 二女廟 (thời Vua Quang Vũ 光武 nhà Đông Hán東漢, hai bà Trưng Trắc 徵側, Trưng Nhị 徵貳làm phản, Mã Viện 馬援 đến bình [định]; hai bà chết tại sông Nguyệt Đức月德江 [sông Cà Lồ], thây trôi về sông Phú Lương 富良江, người trong xã bèn lập miếu thờ). Lúc trở về, trú tại nhà ông Sâm 琛園 [viên ngoại] qua đêm; niềm cảm khái tràn dâng, tôi ngâm vịnh suốt đêm, hiểu rằng những hình ảnh được thưởng lãm đã ghi sâu vào ký ức.