Đồng ý với cụ. Thời điểm 1947 tình hình đất Ấn Độ thuộc địa quá phức tạp.
Trước khi người Anh đến, Ấn Độ chưa bao giờ là 1 đất nước thống nhất. Vùng đất đó là tập hợp của hàng trăm tiểu quốc lớn nhỏ, với rất nhiều dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo khác nhau. Sự chiếm đóng và cai trị của người Anh, xét trên khía cạnh nào đó, đã mang lại nền móng cho một đất nước Ấn Độ thống nhất sau này. Ví dụ:
- Người Anh đã thiết lập một chính quyền và hệ thống hành chính thống nhất trên hầu khắp diện tích Ấn Độ. Đây rõ ràng là một bước tiến lớn hướng tới một nước Ấn Độ thống nhất nếu so với một nồi lẩu thập cẩm hàng trăm tiểu quốc nhỏ độc lập hoặc bán độc lập trước thuộc địa.
- Người Anh đã xây dựng một mạng lưới hệ thống giao thông rất lớn trên đất Ấn. Đến năm 1947, Ấn Độ thuộc địa có 41 ngàn km đường sắt, 200 ngàn km đường bộ, hàng chục ngàn km kênh đào. Tất nhiên người Anh xây dựng giao thông không phải cho người Ấn mà chủ yếu để phục vụ mục đích cai trị và khai thác tài nguyên, nhưng không thể phủ nhận rằng hệ thống giao thông lớn này cải thiện đáng kể giao thông, thương mại và thông tin liên lạc, góp phần tạo nên cơ sở hạ tầng rất cần thiết cho nước Ấn Độ thống nhất.
- Sự đô hộ của người Anh đã tạo nên một kẻ thù chung của tất cả các dân tộc ở Ấn Độ, vô hình chung kéo gần và phá dỡ bớt rào cản giữa các dân tộc ở Ấn, hướng họ tới một mục đích chung.
Nói người Anh hỗ trợ người Hồi giáo ly khai Ấn Độ là không chính xác. Người Hồi giáo Ấn độ, mà đại diện là tổ chức Liên đoàn Hồi giáo toàn Ấn (AIML) ra đời từ năm 1906, phát triển trên nhu cầu của người Hồi Ấn Độ muốn thoát khỏi sự thống trị của người Hindu. Ban đầu tổ chức này chỉ để tăng trọng lượng tiếng nói của người Hồi giáo, nhưng sau này dưới sự lãnh đạo của Muhammad Ali Jinnah, tổ chức này đã thay đổi mục tiêu, chuyển sang vận động thành lập một nhà nước Hồi giáo riêng. Người Anh, với phương pháp chia để trị của mình, mặc kệ cho AIML phát triển làm đối trọng với tổ chức Đại hội Quốc gia Ấn Độ đại diện cho người Hindu. Sau này khi AIML lớn mạnh, người Anh cảm thấy tổ chức này có thể gây bất ổn, nhưng lúc đó đã quá muộn.
Việc Ấn Độ thuộc địa bị chia cắt thành Ấn Độ và Pakistan không thể chỉ là trách nhiệm của người Anh. Vai trò của người Hồi giáo Ấn Độ là rất lớn, nếu không nói là quyết định. Nếu không có sự cương quyết đòi chia tách của người Hồi giáo, người Anh có muốn chia cắt Ấn Độ cũng khó thực hiện được.
Anh cũng không bảo kê cho sự cưỡng bách di dân năm 1947, mà ngược lại phải nói là quân Anh đã bỏ mặc cho việc cưỡng bức di dân xảy ra. Thực tế lúc đó quân đội Anh còn quá mỏng, có muốn bảo kê cho bên nào cũng không có lực mà làm. Lúc đó người Anh chỉ quan tâm làm sao rút cho nhanh chóng êm đẹp, chứ chả có tâm trí đâu ra mà đi bảo kê cho ai trên thực địa hỗn loạn lúc đó.