@Răngchắc:
AA
Blog
BOT, cái “vỗ vai”, ai “đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao”?
04:28 ngày 19/08/2017
0
CHIA SẺ
148
BÌNH LUẬN
Dân trí Nếu như lời tâm sự trên báo Thanh niên là có thật thì cần làm rõ “người nhà” đó là ai? Và ai là “cựu lãnh đạo cao cấp” dù không còn quyền chức vẫn “phủ bóng” để “thâu tóm” dự án này? Lò đã nóng, xin đừng để bất cứ “khúc củi” nào dù tươi và to đến mấy không cháy!
BOT đang nóng bỏng những ngày qua. Thật ra, nó đã được cảnh báo từ rất lâu rồi. Cách đây gần một năm (9/2016), trong bài “Cơ chế mềm”, “chặt nhỏ”, “ân huệ tùy tiện” và BOT của ai?” người viết bài này đã tập hợp ý kiến các chuyên gia và sau đó, có dẫn một câu nói của ông Đinh La Thăng, khi ấy còn làm Bộ trưởng Bộ GTVT:
“Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Tôi chưa thấy ở đâu đáp ứng được điều đó”.
Và bình luận: “Xin thưa luôn, người dân chúng tôi không bao giờ muốn điều đó và cũng hiểu rất rõ giữa trách nhiệm và hưởng thụ, không “ăn không” của ai. Song ngược lại, cũng không cho phép ai được phè phỡn trên mồ hôi nước mắt của mình.
Người dân chúng tôi chỉ muốn được trả đúng với giá tiền mà mình phải trả, những con đường làm đúng với giá trị thực của nó, không bị ăn gian, khai vống … và không tồn tại những “cơ chế mềm”, “chặt nhỏ”, “ân huệ tùy tiện” hay khuyến khích “ngầm””…
Công bằng, BOT là một chủ trương đúng. Nó góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh cũng như đời sống nhân dân. Tất nhiên, nếu nó được thực hiện một cách nghiêm túc, công khai, minh bạch.
Song tiếc thay, điều đó lại không xảy ra và hiện tại, không ít dự án BOT trở thành gánh nặng cho ngân sách đồng thời cũng là “cỗ máy nghiền tiền dân”.
Nhiều dự án BOT gần đây đã được thanh kiểm tra, đem lại khối tiền khổng lồ và giảm hàng thế kỉ thời gian thu phí.
Song, có một BOT mà dù dư luận đã “xì xèo” từ lâu, gần đây mới được nhắc tới một cách trực diện, mạnh mẽ. Đó là BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Có lẽ ai đã từng đi trên đoạn đường này đều biết, Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ trước thuộc về nhà nước quản lý. Thế nhưng không hiểu sao, bỗng một ngày, nó “biến hóa” thành của một số người dù họ chỉ tráng qua lớp nhựa rồi thu mức đường cao tốc mới hoàn toàn như lời Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Thực tế chưa mở rộng, mới chỉ cải tạo mặt đường, đã thu phí.
Ông Phúc còn chia sẻ, từ Hà Nội về Thái Bình quê ông có hơn 100km mà 4 chặng đường BOT, 4 trạm thu phí. Có đoạn gần hết hạn thu phí đường chính thì lại mở thêm đường tránh để thu phí tiếp.
Mới hôm qua (18/8), theo phản ánh từ Dân trí, bài “Thanh tra Chính phủ chỉ rõ mức phí bất thường tại dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ” cho biết, dự án này đã có hàng loạt các sai phạm “bất hợp lý và bất thường”, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.
Những điều “bất hợp lý và bất thường” này, xin mời các bạn đọc trên Dân trí, mục “bài liên quan”.
Có một điều mà người viết bài này băn khoăn, đó là vì sao những cái gọi là “bất thường” ấy, ai cũng nhìn thấy được, trong khi các chuyên gia trong vai trò thẩm định và ký duyệt lại không thấy?
Có thể câu này được lý giải bởi một đoạn trong bài “Ăn chặn” tiền dân! Được đăng trên báo Thanh niên ngày 18/8: “… tâm sự thật của một chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn tư nhân đa ngành uy tín, từng làm khá nhiều dự án BOT giao thông. Ông kể đã không còn hứng thú tham gia làm bất cứ dự án BOT nào nữa kể từ năm 2013, sau khi được “vỗ vai” phải nhường một dự án BOT đã hoàn thành những thủ tục cuối cùng, cho một doanh nghiệp “sắp chết”, vốn đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao”.
Chao ôi! Nếu như làm ăn kiểu “vỗ vai” để cứu một doanh nghiệp “sắp chết” thì làm sao chương trình BOT không sụp đổ?
Và nếu như lời tâm sự trên báo Thanh niên là có thật thì cần làm rõ “người nhà” đó là ai? Và ai là “cựu lãnh đạo cao cấp” dù không còn quyền chức vẫn “phủ bóng” để “thâu tóm” dự án này?