Văn nó phải bốc phét chứ cụ. Em xin tiếp ạ:
Chap 3. Giấc mơ
“ Ru hời ru hỡi là ru
Bên cạn thì chống, bên su thì chèo”
Chùn bước, hai chân như sắp khụy ngã, Quân đứng như tượng. Cái cổng không còn xa xa mà nó ở ngày trước mặt Quân, đột ngột như khi xuất hiện. Không khí âm u, đặc quánh lại. Gió vẫn nhè nhẹ nhưng ma mị như có người đang vờn bên cạnh Quân. Cánh cổng từ từ mở ra, tiếng rin rít han rỉ làm Quân ớn lạnh, một khoảng đen hun hút bắt đầu lộ rõ. Đi vào hay quay lại, Quân chưa biết phải làm gì thì từ khoảng đen đó, hai bong trắng xuất hiện trôi từ từ đến sát cánh cổng.
Người Quân đã nhũn lại, nhắm chặt mắt như muốn thoát khỏi giấc mơ đáng sợ. Không thể tỉnh lại, Quân từ từ mở mắt. Hai bóng trắng một nam một nữ đã ở ngay phía trước. Hình ảnh cứ mơ hồ hư hư thực thực. Bóng dáng người đàn ông chẳng hiểu sao làm Quân cảm thấy yên tâm, cứ như quen thuộc từ lâu lắm nhưng Quân không nhớ được là ai. Người đàn ông giơ tay ra phía trước, có một ma lực nào đó điều khiển Quân bước tới, nắm lấy cánh tay đó. Đột nhiên, cái bóng người đàn bà méo mó, cất lên giọng hát ru đầy đáng sợ. Âm thanh eo éo làm bài hát ru trở nên ám ảnh, lúc cao vút, lúc lại thì thầm không rõ lời.
Cánh tay đang giơ ra của người đàn ông đột ngột bẻ cong và đặt lên cổ người đàn bà. Tiếng hát nghèn ngẹt tắc tị lại rồi im bặt. Cổ người đàn bà lúc này đã bị sức mạnh vô hình kéo vẹo sang một bên, nhưng đôi mắt vẫn đang chằm chằm nhìn về phía Quân, ánh nhìn ghê rợn, bi thương. Cái bóng đàn ông giơ cánh tay còn lại, không phải mời gọi mà hướng lên cổ Quân, bóp lại. Quân không thở được, cố sức hớp lấy không khí, máu đã dồn lên đỉnh đầu như muốn vỡ ra. Mắt mờ đi, ý thức của Quân đang mất dần, cảm giác cái chết đã đến rất gần.
“ Quân, tỉnh lại con, sao thế này” Mở mắt, Quân thấy mình đang nằm trong phòng, trước mặt là khuôn măt lo lắng của bà Tú. Mồ hôi vã ra như tắm, ớn lạnh. Ánh trăng vằng vặc vẫn hắt qua cửa sổ, lại bàn châm điếu thuốc hút, Quân vẫn không hiểu ý nghĩa giấc mơ vừa rồi là gì, hai người đó là ai và mình có quen người đàn ông không? Quân cứ vừa hút thuốc vừa miên man nghĩ, bà Tú thì liên mồm “ Ba hồn bảy vía thằng Quân về đây… về đây… về đây”
Chap 4. Mở
“Vạn vật vốn vô sinh vô ngã
Nghĩ làm gì khi đã thấy chân như”
Những giấc mơ cứ lặp đi lặp lại y như thế làm một người cứng rắn như Quân cũng phải suy nghĩ. Ngày nhận bằng đang đến gần, việc quyết định tương lai còn chưa biết thế nào, thêm chuyện này làm Quân càng thêm căng thẳng.
- Ra trường mày định thế nào, Tùng?
- Ơ hỏi ngu, tao bảo tao vào viện bác tao hú hét mà, hay mày đi với tao ! Anh em vào đấy khéo lại vui, có khi chữa được cái bệnh đờ đãn của mày.
- Có khi thế thật, Quân đáp vu vơ vì chính Quân cũng không biết tương lai mình sẽ thế nào, Quân phải đi gặp một người.
Người mà Quân muốn gặp chính là ông nội Quân, ông Trịnh Hoàng. Trước giờ vẫn vậy, khi phân vân giữa những lựa chọn thì ông Hoàng là người Quân muốn xin ý kiến nhất. Ông Hoàng có tất cả 4 người con, 1 đứa chết trẻ khi mới 4,5 tuổi, còn lại ông Tú và 2 người con gái.. Vợ mất vì bom thời chiến, là lớp người cũ, ông cứ thế gà trông nuôi con, 2 cô con gái lập gia đình rồi theo chồng vào trong khu kinh tế mới, cũng do nghèo nên họa hoằn lắm mới gọi điện thăm hỏi ông dăm ba câu. Ông cũng không lấy đó làm phiền lòng, ông còn có gánh đậu phụ và thằng Tú. Cái nghề cóp nhặt từ một chú khách rìa biên giới có ngờ đâu lại nuôi lớn thằng con út thành ông Trịnh Tú nổi danh bây giờ. Kinh tế khá lên, ông Hoàng thôi không làm nghề nữa, nhưng hễ nói về chuyện cũ, ông lại rưng rưng nước mắt nhớ đến gánh đậu thuở hàn vi. Con cái thành đạt, nhà cửa đều có giúp việc lo, ông Hoàng lập một cái điện và tu tại gia, cách ly tục trần và cũng coi như là tích đức cho con cho cháu.
Ở cái tỉnh lẻ qui hoạch còn lộn xộn, nhà thấp nhà cao nhưng chẳng nhà nào quá 3 tầng lầu thì căn biệt thự của ông Tú chẳng khác nào một tòa lâu đài. Riêng cánh cổng bên ngoài nghe đâu chi phí tận mấy trăm triệu, mà ông Tú còn cầu kì vào tận miền trong đặt làm rồi chuyển ra. Bề thế, sang trọng là vậy mà chẳng hiểu sao, ngày rằm hay mùng 1, nhà ông lại tối om, tắt hết đèn, văng vẳng trong khu nhà là tiếng gõ mõ tụng kinh, thêm 2 con nghê đá nằm phục trước cổng nhe nanh nhe vuốt trắng ởn khiến ai đi qua cũng có cảm giác sởn da gà. Ai mà biết được trong khuôn viên căn biệt thự là cái điện thờ do thân sinh ông Tú lập nên.
Hồi còn bé, Quân cũng rất sợ khi đi ngang qua cái điện của ông nội, nằm tách biệt ở khoảng sân sau, hai bên lối vào điện toàn cây sanh, cây si lâu năm. Mùi nhang khói, tiếng mõ, tiếng rì rầm đọc kinh càng làm khung cảnh thêm phần liêu trai, nặng nề. Quân rảo bước trên con đường lát gạch gốm dẫn vào điện, thỉnh thoảng khẽ cười nhớ lại tuổi thơ níu chặt tay mẹ khi có việc cần xuống gặp ông. Bây giờ cái điện thờ lại là nơi Quân cảm thấy thoải mái nhất, không có những toan tính của bố, giọt nước mắt lo lắng của mẹ, nơi này chỉ còn hai ông cháu thư thái bên ấm trà, chuyện trời chuyện đất, nhưng cảm giác tình thương gia đình vẫn còn hiện hữu nơi đây.
- Dạo này ngày rằm mùng 1, ông không bắt bố cháu tắt hết đèn như mọi khi ạ?
- Cây si ông trồng bây giờ cũng lớn rồi, tán của nó che hết ánh đèn nhà trên nên không cần tắt nữa. Để cho bố mày còn tiếp khách. Lại có việc gì đúng không? Mấy hôm nay ông cũng khó ngủ, cứ nằm xuống lại thấy bà mày
Nói hết được ra với ông ,Quân cảm thấy nhẹ lòng, hy vọng lại có được những lời khuyên hữu ích trên bước đường sắp tới. Ông Hoàng nhấp ngụm trà, đứng dậy đi thắp hương ở ban chính. Rù rì khấn bái một hồi, ông nói với Quân
- Hai bác gái mày đã lâu ông không gặp, chẳng biết sướng khổ thế nào. Làm cha làm mẹ ai cũng vậy, nhìn cuộc đời không bao giờ thấy mặt tốt mà toàn nhìn thấy mặt tối, sợ con mình nhỏ dại nhỡ đặt chân vào lại khó nhấc ra. Không thể lo lắng cho con cả đời nhưng đến đâu hay đến đó, bố mày cũng vậy.
- Cháu biết nhưng cháu còn có cuộc sống riêng của cháu, cháu không muốn lãng phí cả đời mình ở chỗ này. Cháu không muốn giống bố cháu.
- Tuổi trẻ ai cũng vậy, leo lên đỉnh núi lại them thuồng đỉnh núi cao hơn, cũng là do sân si trên đời. Rồi một ngày, leo hết những đỉnh núi, ngoái đầu lại cảm thấy nhớ ngọn đồi nơi mình bắt đầu. Có tài thì hãy bước những bước dài, ông chỉ cần lúc ông mất, được thấy mặt mày là ông mãn nguyện rồi.
- Còn chuyện này cháu muốn kể với ông. Biết ông mình là người có lòng tin vào đức Phật, Quân kể lại giấc mơ bằng giọng điệu bình thản nhất. Ánh mắt ông Hoàng hơi sững lại rồi tối sầm, ấm trà đang rót đầy tràn ra ngoài, chảy thành dòng xuống dưới nền gạch hoa “ Đến giờ ông tụng kinh rồi”
Hiểu ý ông, Quân về phòng , nặng trĩu trong đầu những câu hỏi về tương lai và thái độ của ông mình. Quân đi rồi, ông Hoàng mới đứng dậy đi châm tiếp tuần hương nữa, cánh tay ông run run, mùa hè mà sao gió lạnh cứ thông thốc thổi vào phía sau gáy. Màn nhiễu ban thờ chính như có người đùa nghịch lúc phất lúc rủ, khói hương cuồn cuộn tụm lại phía trên rồi đột ngột bùng cháy, những tiếng vang vọng của hư không ngày một lớn dần bên trong đầu ông Hoàng. Lập cập vái như bổ củi, vừa vái vừa khấn “ Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn, nam mô tây phương cực lạc, ác nghiệp ai làm nấy trả, xin đừng phá người lành, nam mô, nam mô, nam mô…”. Mặt ông từ đỏ bừng, rồi xám ngoét, thái dương giật liên hồi, cố sức bước lại bàn nước. Vô tình hay ma xui quỉ khiến, vũng nước đổ khi nãy kéo trượt ông Hoàng xuống nền đá lạnh, những bức tranh La hán treo quanh điện nhìn ông với nụ cười méo mó.