Em rặn tiếp đây:
Chap 5. Ngã rẽ
“Vang vọng bên tai nghe vô định
Ngã rẽ cuộc đời tựa hư vô”
Ông Hoàng không chết, do tu tập hay do kiếp mạng còn lớn, thằng Đức ngẩn ngơ nhưng tai thính, lẫn trong tiếng ồn ĩ của nhà trên nó vẫn nghe tiếng đổ vỡ phía dưới điện. Chạy xuống thì ông Hoàng đã tím tái, nằm co quắp trên nền, phía ban thờ bát hương hóa bén vào màn nhiễu đang âm ỉ cháy. Cả nhà nghe tiếng thằng Đức, túa chạy xuống từ nhà trên. Nét bàng hoàng lộ rõ trên khuôn mặt Quân, vừa cách đây 10’ ông vẫn còn mạnh khỏe, là do gió độc hay lí do nào khác, thái độ khi nãy của ông là gi? Bao câu hỏi cứ hoang mang xuất hiện trong đầu nhưng Quân phải gạt đi, việc cấp bách bây giờ là mạng sống ông Hoàng.
Tỉnh X vốn thuộc Tỉnh Y từ năm xxx đến năm xxx, trong cuộc cải cách hành chính sau này, Tỉnh Y được tách thành 2 Tỉnh X và Tỉnh Z như bây giờ. Không rõ sự vụ bên trong thế nào mà Tỉnh Z diện tích lớn hơn hẳn, và được tiếp quản hầu hết cơ sở hạ tầng của Tỉnh Y năm nào. Trái lại, Tỉnh X chỉ còn rúm ró một góc nhỏ trên bản đồ qui hoạch. Dân Tỉnh X hay đùa “ Cái anh Tỉnh Y khác gì thằng Nga đâu, nó hưởng hết đạn hạt nhân của anh Liên Xô, Tỉnh mình thì đúng là Món- đồ-vạ, chả đồ vạ quá à, lấy gì không lấy lấy cái bệnh viện tâm thần” Quả đúng vây, sau khi chia tách, cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm nằm hết bên Tỉnh Z, chừa lại cho Tỉnh X này cái viện tâm thần và một số hạ tầng cơ bản . Giống bao người dân ốm đau trước nay của Tỉnh X, ông Hoàng phải chở cấp cứu hơn 40km mới đến được cái Viện bên Tỉnh Z. May mắn giữ lại được mạng, nhưng ông phải nằm “bán thân bất toại”, mọi sinh hoạt đều phải trông cậy vào người giúp việc.
Chuyện thằng con chưa xong, nay đến chuyện ông cụ, ông Tú như phát rồ người. Trước nay con đường tiến thân hay cuộc sống của ông, tuy lúc này lúc khác nhưng hầu như bằng phẳng, đầu năm ông đã đi xem cẩn thận, năm nay đại cát, vậy mà đùng một cái hết vụ giàn giáo, vụ thằng con, bây giờ lại chuyện này. Nhìn bố chạy đi chạy lại, hết lo chuyện ông nội lại đến chuyện làm ăn ở công ty, Quân bất giác thấy thương cảm, bao nhiêu mâu thuẫn, rào cản mới đó nay đã bị xóa bỏ. Bảo thằng Đức lái xe đưa về nhà trước, Quân lấy máy nhắn tin cho bố “ Con sẽ ở lại” rồi thở dài. Có thể sau tin nhắn này, mọi giấc mơ, hoài bão của anh sẽ tan thành mây khói, nhưng nghĩ đến lời hứa hẹn của ông Tú “ chỉ một thời gian thôi”, Quân lại thấy đôi chút yên lòng, ít ra là trong lúc này.
Quân là một ngừoi cầu toàn, không bao giờ dám tự mình quyết định một việc gì lớn trong đời? Không, đã từ lâu, Quân luôn nung nấu ý định thoát khỏi cái bóng của ông Tú, trước đến giờ vẫn vậy, một người cha quá thành công sẽ có những thằng con nghịch tử hoặc lụn bại, Quân không muốn như vậy. Dân Tỉnh này mỗi khi bệnh tật, đi mấy chục km mới có nơi thăm khám, nhiều ca do đường xa, chậm một hai giây là đã hóa người thiên cổ. Ít nói, trầm tư với mọi chuyện nhưng Quân cũng có con đường riêng của mình: học Y, cứu người, thoát khỏi bóng ông Tú. Con tạo xoay vần, ngã rẽ đang đưa Quân ngày càng xa rời con đường đã định.
Những nút thắt vận hạn của ông Tú như được cởi bỏ khi ông nhận tin nhắn của con trai. Mấy hôm nay vì việc của thằng Quân mà cái bệnh cao huyết áp quay ra hành hạ ông, cái mặt đỏ phừng phừng lúc họp hành,tiếp khách nay bắt đầu hồng hào trở lại. Chuyện ông cụ thì đã có giúp việc và bác sĩ lo, ông Hoàng cũng già cả, sinh lão bênh tử là thường tình ở đời, chuyện thằng Quân mới là cái ông lo nhất. Nở nụ cười rút phong bì dúi vào túi áo ông bác sĩ , bắt tay thật chặt, bà Tú còn thoáng nghe thấy ông Tú huýt sáo thành giai điệu lúc trở ra xe. Thế là mọi sự lại chiều theo ý ông.
Chap 6. Lặp
“Sân hận
Tà dâm
Keo kiệt
Sát sinh
Ngạo mạn
Trộm cắp”
Mưa từng đợt xối xả, cánh cửa quên đóng đập theo nhịp đều đều vào vách tường. Cây xi già thâm trầm vươn rễ cành như bao bọc cả khu điện thờ. Tiếng trẻ con thi thoảng khóc thét lên sau mỗi đợt sấm rền. Hiu quạnh và cô quả hiện hữu nơi thờ cúng vắng chủ. Thoáng tần ngần, quăng đi điếu thuốc đã ướt lạnh dưới làn mưa dày đặc, Quân bước đi mà cảm giác chân nhẹ như không. Cửa khu điện mở toang, trong lúc nhốn nháo cấp cứu cho ông Hoàng, hẳn mọi người đã quên đóng lại. Nơi góc bàn, vũng nước vô tình khi tối như theo tiếng gọi đất trời đã chảy tràn ra mé ngoài bậu cửa. Ông Hoàng đứng đó, vẫn mặc bộ quần áo nâu sòng ban tối, quay lưng lại phía Quân.
Như không tin vào mắt mình, Quân trân trân đứng nhìn, không thốt ra được lời nào. Ông về bằng cách nào? Ông đã khỏe lại ư? Sao ông về không ai hay biết?
“Xà, mày về làm gì?” Tiếng ông Hoàng lặp đi lặp lại cắt đứt mạch suy nghĩ của Quân, chưa bao giờ Quân nghe thấy giọng nói ông nội mình như vậy, trầm vang kéo dài nhưng đầy giận dữ. Không hiểu chuyện gì xảy ra, Quân mấp máy lên tiếng định hỏi thì qua khóe mắt, ngay nơi cửa điện, một người đàn bà đang nằm phủ phục từ bao giờ, tóc xõa rũ rượi, run lên theo từng câu hỏi của ông Hoàng. Người đàn bà Quân vẫn hay gặp trong mơ.
Tiếng hát ru lại nỉ non cất lên ma mị. Ông Hoàng từ từ quay đầu lại, chỗ đáng ra là hai con mắt thì bây giờ chỉ là hai hố sâu trống rỗng thăm thẳm. Người đàn bà đã đứng lên tự lúc nào, vẫn cái cổ bị bẻ ngoặt sang một bên đang chăm chăm nhìn Quân và cất lên giọng cười ghê rợn.
“Đùng”, tiếng sét xé ngang màn đêm kéo tuột Quân trở lại thực tại. Thằng Đức vẫn đang chăm chú lái xe, thỉnh thoảng nghêu ngao hát theo câu hát trên radio. Cái giọng eo éo ngọng nghịu tự nhiên làm Quân sợ hãi khó chịu.
- Chú đừng hát nữa, cháu muốn ngủ thêm một lúc. Đi đến đâu rồi ạ?
“ Ru hời ru hỡi là ru
Bên cạn thì chống, bên su thì chèo”
Quân toát mồ hôi nhìn lên phía ghế lái, cổ thằng Đức bẻ ngoặt về bên ghế phụ, đang cố gắng quay lại nhìn Quân.
“Aaaaaaaaaa”
Chiếc xe vướng ổ gà, nảy sóc lên, một lần nữa Quân thấy mình đang ngồi trên xe, lạo xạo tiếng đất đá vọng dưới gầm xe. Thằng Đức đang lái xe quay lại hỏi “ Thao thế, thủ mơ à?” Đúng cái giọng đầy lưỡi, âm “sơ”, âm “ thờ” lẫn lộn nhưng quen thuộc. Quân không trả lời, mở cửa kính châm điếu thuốc. Đôi tay run run đưa điếu thuốc lên miệng hút một hơi dài. Khói thuốc nồng nồng làm Quân phần nào bĩnh tĩnh lại. Ông nội vẫn ở viện, vào làm ở viện tâm thần, người đàn bà đáng sợ hát ru, những sự việc của cả một ngày dài thi nhau nhảy múa trong đầu Quân. Chiếc xe vẫn lướt đi lừng lững theo con đường quen thuộc về nhà.
Chap 7. Nghiệp
“Dẫn nghiệp
Mãn nghiệp
Khẩu nghiệp
Bất động nghiệp”
Cái chất trăng trắng chắt ra từ nước đầu của đậu phụ không hiểu sao lại nuôi lớn được ba đứa con ông Hoàng. Nông dân chính gốc , cảnh nghèo đói đẩy hai vợ chồng ông Hoàng dắt díu nhau lên Tỉnh Y kiếm miếng cơm manh áo. Đẻ nhiều, việc ít rồi chiến tranh nổ ra, bà vợ trúng bom trong lúc tiếc của quay lại vơ vào nốt những hạt thóc vãi vụ mùa. Gửi mấy đứa con cho một người quen trong Tỉnh, ông Hoàng đi bộ men theo sông lên đến tận biên giới giáp ranh với Trung Quốc. Lăn lộn làm thuê làm mướn, may phước đời ông được một chú khách để ý truyền nghề. Cái hạt đậu tương “thiên biến vạn hóa” thế mà hay, phần cái thì đóng bánh đem rán, phần nước thừa chắt làm sữa đậu, ông Hoàng cứ thế làm nghề có đến hơn 10 năm thì chiến tranh biên giới, chú khách trước khi hồi hương đem tất cả bí quyết gia truyền trao lại cho ông Hoàng. Không phải thằng Tầu nào cũng đểu.
Trở về quê cũ với ít đồng vốn dắt lưng, thằng con giữa chết đuối đã mấy năm, mấy đứa chị lớn tồng ngồng nhìn bố như người xa lạ, ông Hoàng trông khác thật, năm ông đi bọn nó có tí tuổi, bây giờ ông ăn nói, đi đứng như chú khách chính hiệu, nói chuyện đôi khi thêm tiếng “ ây xì”,”ây xà”, bọn trẻ không quen. Chỉ có thằng Tú là quấn quít bám dính lấy ông. Hai đứa con gái đến tuổi gả chồng, chỉ còn lại ông Hoàng và thằng Tú. Không biết có phải do ăn đậu nhiều mà thằng Tú càng lớn càng” thiên biến vạn hóa” như chính cái hạt đậu tương của ông Hoàng. Hết lăn lộn với cái gánh hàng, lại quay sang buôn bán thuốc lá lậu. Người nhỏ bé do đói ăn mà nó gánh hàng chục bao tải chạy như bay khi quản lý thị trường lùng bắt. Nhỏ thó nhưng đầu óc nhanh nhạy, việc gì hễ ra tiền là nó mó tay vào, mà mó vào lại ra tiền to. Tích tiểu thành đại, rồi kinh tế thi trường mở cửa, nó thành lập công ty, cuối cùng dừng lại hẳn với cái nghề kinh doanh bất động sản. Cái mảnh đất cò ỉa ngày xưa mà nay là biệt thự cả nhà ông trú ngụ nghe bảo là vô giá, vì đất bây giờ đắt lắm, khác hẳn cái ngày ông quảy gánh lên biên giới. Cái ngày thằng Tú treo biển “ Công ty môi giới BĐS xxx” bên ngoài cổng cũng là cái ngày ông Hoàng sắp xếp quang gánh, máy ép đậu và chai lọ lỉnh kỉnh vào cái rương khóa chặt lại, trân trọng đặt vào giữa nhà như để tri ân cái nghiệp đã nuôi sống gia đình đến ngày hôm nay.
“ Vạn sự khởi đầu nan”, khởi đầu không phải lúc nào cũng dễ dàng, thằng Tú cũng vậy. Thuở khởi nghiệp, thằng Tú cũng đã bị lừa một vố đau, tán gia bại sản nhãn tiền, nhưng cái gay go là vướng vào pháp luật và “bọn Tam Hoàng”, cái cách mà ông Hoàng vẫn gọi dân đầu đường xó chợ sống bằng những nghề bất chính. Lô đất nằm trong qui hoạch, thằng Tú to gan thuê làm giả giấy tờ, bán bằng giá đất có sổ cho dân ngoài chợ. Sự việc vỡ lở, tội làm giả giấy tờ đã có pháp luật xử lí nhưng “ bọn Tam hoàng” nhất quyết phải bắt thằng Tú trả bằng máu, tiền là một chuyện, ở đây còn liên quan đến số má gì đấy. Ông Hoàng nhớ như in cái ngày thằng Tú tất tả trở về với cái đầu tươm máu vì bị chém.
- Xà, sao mày to gan thế Tú, mày làm gì cũng phải nghĩ đến cái nhà này nữa chứ, bây giờ tao dẫn mày đi trả tiền cho bọn nó. Tao còn ít vốn à, nếu thiếu thì bán cái nhà này đi để trả.
- Bố cứ như đồng vốn của bố to lắm, lần này tôi chạm đến tiền tỉ rồi. Mà tiền cũng xoay vòng đập vào khu khác rồi. Đợi được giá tôi bán đi thừa trả mấy thằng chó. Cái chính là qua đẫn này này. Bố không nhìn cái đầu của tôi bây giờ à.
Xót con, vắt tay lên trán suy nghĩ cả đêm. Cái tính hay toan tính của thằng Tú, ông Hoàng có thể là bắt nguồn từ chú khách ngày nào. Mỗi khi làm hàng, chú khách vẫn hay lầm nhầm tính tính toán toán xem làm hàng họ ngày mai thế nào, khách khứa mùa này ra sao… dần dà nhiễm vào ông Hoàng, rồi sau này là thằng Tú. Bất đắc dĩ lắm ông Hoàng mới khuyên con thử theo cách này, cũng là câu chuyện từ xưa bên Hương cảng mà có lần chú khách kể cho ông nghe. Trời đất phù hộ, thằng Tú làm theo mà may sao trot lọt, pháp luật không sờ tới, mấy thằng “ tam hoàng” thì ngại dây dưa và cũng tan đàn xẻ nghé sau cuộc phát động bài trừ tệ nạn xã hội của nhà nước.
Sau đẫn ấy, thằng Tú về với nhiều tiền hơn trước. Cái việc nó làm lần này còn tày đình hơn việc xưa rất nhiều. Việc động trời chỉ ông Hoàng, thằng Tú và một người nữa biết. Việc ông Hoàng lập điện và tu tập là có lí do của nó, thương con nhưng không dạy được con, ông coi như là cái nghiệp. Mỗi khi đọc kinh, ông thường đau đớn nghĩ về hai cái nghiệp lớn nhất đời mình.