Ngày 10 (Đồng Hới – Hà Nội):
Như thường lệ, hôm sau 6h30 dậy trả phòng, đi luôn. Tưởng dậy sớm sẽ bị mệt vì hôm trước uống nhiều, nhưng đúng là thịt thú rừng tốt thật, chẳng ai thấy mệt mỏi gì. Lái tít. Về đến Kỳ Anh – Hà Tĩnh mới ăn sáng. Vào quán này, trông to, nhưng chẳng có gì nhiều. Gọi bát mì tôm bò. Cà phê không có. Ăn xong chạy luôn.
Tránh đoạn đường xấu Hà Nam - Ninh Bình – Thanh Hóa và các biển hạn chế tốc độ vô tội vạ chuyến vào, chuyến ra chạy qua Diễn Châu tới ga Yên Lý thì rẽ trái theo QL48 lên thị xã Thái Hòa, bắt vào đường Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh vẫn thế. Đặc điểm của đường này là quá lạm dụng vạch liền. Nhiều chỗ chỉ hơi cua một tí mà làm một đoạn vạch liền dài cả trăm mét? Tốc độ tối đa hạn chế 80 km/h ở đường này cũng không phù hợp. Chỉ có đoàn nhà em (2 xe) là đi đúng tốc độ, còn phần lớn các xe không chịu được nhiệt. Cứ đi sau xe bọn em một đoạn là vượt tít mù chẳng nhìn thấy đâu nữa. Đi mãi tới Ninh Bình mới có một xe ỈN và 1 xe Jolie nhập đoàn rồng rắn đi ra tới Hà Nội.
Điểm khác biệt ở đường này năm nay em nhận thấy là đường đông hơn các năm trước nhiều (cả chiều vào và chiều ra). Các quán ăn, uống nước dọc đường mọc lên tương đối nhiều. Một
điểm tích cực là gần như tất cả các biển hạn chế tốc độ vô lý như biển hạn chế tốc độ 50 km/h ở Cẩm Thủy, biển 40 km/h ở dốc gần đoạn Cúc Phương… đã được dỡ bỏ. Chỉ có đoạn Khe Hạ vẫn có có chốt xxx và biển báo khu đông dân cư (nhưng đoạn này ngắn). Đi đến đoạn Cẩm Thủy đang đi nhanh, giật mình đạp phanh dúi dụi vì chợt nhớ, chỗ này hạn chế tốc độ 50 km/h và có chốt xxx ở phía trên. Nhưng đi một đoạn chỉ thấy xxx đang đứng tránh nắng ở trong lều chứ không thấy biển hạn chế tốc độ nào cả. Nhìn chung đã cải thiện hơn trước nhiều, nhưng để đi mà không vượt tốc độ tối đa cho phép trên cả đoạn đường này thì vẫn phải học chữ “Nhẫn” vì đường tốt và vắng.
6h chiều thì đến Hà Nội, xa hơn đi đường 1A khoảng 50 km. Đoàn tạt vào khu Văn Quán làm bữa kết thúc. Thấm thoắt thế mà đã hết 10 ngày. Trẻ con, người lớn bịn rịn chia tay kết thúc chuyến đi đầy thú vị và học hỏi thêm được nhiều điều về đất nước, con người.
Tổng kết chuyến đi:
- Đây là chuyến đi có quãng đường dài nhất và lâu nhất của nhóm từ trước đến nay - Kỷ lục của 4 gia đình bạn bè với nhau từ thời để chỏm.
- Tổng quãng đường đi được là: 3.374 km. Trước chuyến đi này, kỷ lục lái xe của em và ông bạn lái xe ỈN trong một chuyến đi chỉ là: 1.700 km trong 5 ngày.
- Để cho thoải mái và thăm thú được kỹ hơn, thời gian đối với lộ trình này cần thêm ít nhất 4 ngày nữa, trong đó ở Quảng Ngãi thêm 1 ngày, Quy Nhơn 1 ngày, Buôn Mê Thuột 1 ngày, và Nha Trang 1 ngày.
- Trước khi đi cần xác định 2 lái chính và cần chuẩn bị tinh thần lái toàn bộ quãng đường. Kinh nghiệm thực tế của nhóm em là mặc dù có 8 người có bằng lái trên 2 xe, nhưng thực tế thì em lái toàn bộ quãng đường, còn xe ỈN cũng chỉ có 2 tài, trong đó 1 tài lái tới 2.800 km.
- Nên xây dựng lịch trình trước, kèm theo các chỗ ăn, chơi, ngủ nghỉ, càng nhiều càng tốt. Nên tận dụng tối đa các kinh nghiệm của các OFers (tích cực vào OF . Nếu OFers đã khuyến cáo vào nhà hàng hay khách sạn nào đó, có thể tương đối yên tâm về chất lượng, giá cả và ngược lại, chỗ nào đã bị khuyến cáo là lởm hoặc chặt chém thì tuyệt đối không nên vào. . Có thể sẽ không đi được hết những nơi liệt kê, nhưng khi cần là có ngay, không phải mất công tìm kiếm.
- Trong chuyến đi dài ngày, điểm rơi thể lực vào ngày thứ 2 sau đó thì quen dần, không thấy mệt nữa. Vì vậy, trong lịch trình đi nên bố trí ngày đầu di chuyển nhiều, ngày thứ 2 di chuyển ít, và sau đó có thể tăng, giảm nhiều ít cho phù hợp với với quãng đường và lịch tham quan, và vui chơi.
- Tuyệt đối không uống rượu bia vào buổi trưa, để tránh tình trạng buồn ngủ vào buổi chiều. Tác dụng của lon bò húc không rõ ràng lắm. Cá nhân em không khuyến cáo uống thứ nước này. Nên uống cà phê, ít nhất là 1 cốc/ngày, giúp các tài tỉnh táo hơn.
- Đối với đoàn đi đông trẻ em, những ngày phải di chuyển nhiều, nên dậy sớm rồi đi luôn đến khoảng 8 – 8h30 mới nên ăn sáng, uống cà phê để tiết kiệm thời gian. Các tài xế lúc này đã đi được khoảng 100 km, có thể tranh thủ nghỉ ngơi và các F1 lúc này mới cảm thấy đói và sẽ tập trung vào ăn uống hơn. Sau đó có thể chạy một mạch tới lúc ăn trưa.
- Thành phố ấn tượng nhất (bất ngờ so với suy nghĩ trước đó): Quy Nhơn
- Khách sạn rẻ nhất: Hải Âu ở Quy Nhơn; Khách sạn đắt nhất:Khách sạn Công Đoàn – Đồng Hới (tính theo các giá trị được hưởng so với số tiền bỏ ra)
- Chỗ ăn đồ hải sản hợp lý nhất: Quảng Ngãi (Bãi biển Mỹ Khê).
- Món ăn ấn tượng nhất: Kỳ Đà + Rùa núi (kèm theo là rượu mật và rượu tiết).
- Tiêu thụ nhiên liệu: Xe FE uống hết 223 lít dầu tương ứng với mức tiêu thụ trung bình là: 6.61 lít/100km. Xe ỈN uống hết 296 lít xăng tương ứng với mức tiêu thụ trung bình là: 8.52 lít/100 km.
- Tông số rượu tiêu thụ: 7 chai Ballentine, bao gồm cả tổng kết chuyến đi tại Hà Nội (vào tuần sau đó).
- Cả chuyến đi không gặp một logo OF nào.
- Còn gì nữa thì các bác trong đoàn tổng kết tiếp…..
Kiến nghị nhỏ:
Đi một chuyến đi dài gần như dọc Việt Nam, em thấy có một số vấn đề về các biển báo khu đông dân cư và biển hạn chế tốc độ vô lý (quá dài). Đi ở các đoạn hạn chế tốc độ 50 km/h này có cảm giác như ở các trường đua. Thời gian chuẩn bị là thời gian bò giữa các biển bắt đầu và hết khu đông dân cư. Một số tay đua buồn ngủ do cứ đi đều đều ở tốc độ thấp trên đoạn đường vắng nên buồn ngủ, là một trong các nguyên nhân xảy ra tai nạn. Cuộc đua bắt đầu từ vạch xuất phát là các biển báo hết khu đông dân cư hoặc hết hạn chế tốc độ 50 km/h. Các lái xe bắt đầu thi nhau tăng tốc, vượt… cố gắng bù lại thời gian đã mất và cũng là một trong các nguyên nhân xảy ra tai nạn.
Hàng ngày có hàng nghìn lượt xe với hàng vạn lượt người qua các đoạn đường nằm trong các khu “đông dân cư” như thế này (và nhiều đoạn hạn chế tốc độ vô lý khác) gây mất rất nhiều thời gian của rất nhiều người một cách vô ích. Em xin đưa ra đây một số kiến nghị nho nhỏ để các bác bình luận và ném đá:
- Các biển báo khu đông dân cư chỉ nên áp dụng ở các thành phố, không phù hợp với các thị trấn, thị tứ. Các biển báo khu đông dân cư hiện nay dường như đặt tại ranh giới của các thị trấn thị tứ (báo đã đến thị trấn A, thị trấn B…). Ngoại trừ các thành phố lớn, các khu thực sự đông dân cư ở các thị trấn thị tứ trên thực tế không nhiều (thường là các khu chợ, điểm buôn bán, trường học, bệnh viện…) và chỉ dài khoảng vài trăm mét. Trong khi đó các đoạn đường khi bắt đầu vào và ra khỏi thị trấn, thị tứ có khi dài tới hàng km thường rất rộng và vắng. Nhiều nơi chưa phát triển, mật độ các đối tượng tham gia giao thông chẳng khác gì các đoạn đường nằm ngoài khu đông dân cư, trong khi đó chất lượng đường thường tốt hơn (nhiều nơi có đường đôi, giải phân cách cứng). Vì vậy, về mặt giao thông biển báo này không phù hợp và không phản ánh đúng bản chất vấn đề đối với các thị trấn, thị tứ. Để báo ranh giới các thị trấn, thị tứ, có thể sử dụng các biển báo riêng và không bắt buộc phải hạn chế tốt độ.
- Để hạn chế tốc độ đối với các đoạn đường đông dân cư thực sự (các khu chợ, trường học, bệnh viện…) trong các thị trấn, thị tứ, có thể sử dụng biển hạn chế tốc độ 50 km/h (tốt nhất là tăng lên 60 km/h) và ở dưới biển này nên có thêm chỉ dẫn quãng đường hạn chế tốc độ là bao nhiêu m (không nên làm dụng để quá dài) để các lái xe chủ động, tránh tình trạng vừa đi vừa hồi hộp, dài cổ tìm biển báo hết hạn chế tốc độ và thậm chí ở một số đoạn không có biển báo hết này thì quá là đánh đố lái xe.