Đường 20 xuất phát từ Xuân Sơn (Km0), đi cắt ngang khu Bảo tồn Phong Nha- Kẻ Bàng lên đến biên giới Lào Việt tại Cà Ròong. Sau khi vượt qua dốc Đồng Tiền (Km9), con đường đi qua một đoạn địa hình vô cùng hiểm trở: một bên là suối sâu, một bên vách đá dựng đứng( Km12-km14). Đây là một trọng điểm đánh phá của máy bay địch, một cửa tử của đoạn đầu đường 20, trong sử sách gọi chung đoạn này là trọng điểm Trạ Ang. Trạ Ang là tên con suối chạy song song với đoạn đường 20 này.
Kẻ địch chọn đúng nơi địa hình hiểm yếu để đánh phá. Chỉ cần một quả tên lửa, một quả bom rơi trúng đường là chúng ta phải ách tắc giao thông cả ngày có khi nhiều ngày để khắc phục. Rất nhiều chiến sĩ công binh, TNXP đã hi sinh ở đây. Nhiều xe trúng đạn cháy nát hoặc rơi xuống vực sâu.
Vào cuối tháng 9 năm 1968, địch tăng cường đánh phá Đường 20. Đoạn đường độc đạo từ dốc Đồng Tiền đến Trạ Ang trở thành trọng điểm vô cùng ác liệt, các xe chở hàng, chở xăng không thể vượt qua. Không có xăng, các đoàn xe của 559 phải nằm im, trong khi chiến trường đang rất cần xe vận chuyển. Binh trạm 14 đã huy động các chiến sĩ vần các phuy xăng xuống suối Trạ Ang tại km 10, kéo ngược dòng suối qua trọng điểm, đến km 14 lại đưa xăng lên đường.
Chỉ riêng 2 ngày cuối tháng 9, Binh trạm 14 vận chuyển được 30 phuy xăng thì 29 chiến sĩ đã hy sinh. Máu của chiến sĩ ta loang đỏ suối Trạ Ang. Cái giá vận chuyển xăng trên suối là quá đắt: mỗi phuy xăng phải đổi bằng một tính mạng của chiến sĩ chúng ta. Những phi xăng bị trúng đạn cháy loang, dòng suối Trạ Ang thành dòng suối lửa.
Ngày nay, theo Quy hoạch bảo tồn Di tích đường Trường Sơn, tại khu vực Trạ Ang đang xây dựng một “ Khu Quản lý, điều hành hệ thống Di tích” chúng ta thường gọi là Khu Bảo tàng ngoài trời. Tại đây khi khánh thành sẽ có nhà trưng bày bổ sung các tư liệu về Trường Sơn, khu trưng bày ngoài trời gồm có : mô hình đường kín, bãi giấu xe, lán trại, kho hàng, bếp Hoàng Cầm…
Tại ngã tư giũa đường 20 và Đường Hồ Chí Minh có đặt một Bia Di tích bằng đá nguyên khối ghi lại những sự tích của trọng điểm Trạ Ang.