thế cho em hỏi cái luật này xác suất xảy ra là bao nhiêu %, và tầm bao giờ thì thực hiện ạ
em cũng đang băn khoăn với câu hỏi này,bác này chỉ giúp với
Đề xuất "mua xe 6 tỷ, phải chi 66 tỷ": 100% sẽ bị bác?
Thứ Hai, ngày 06/06/2011, 15:00
Để hạn chế ùn tắc giao thông và giảm nhập siêu, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) đề xuất thêm một loại phí gọi là "phí được quyền mua ôtô, xe máy" với mức thu từ 3 đến 10 lần giá trị xe.
Trước đề xuất này "lạ đời" này, cộng đồng quan tâm đến xe hơn lại xôn xao, nhiều ý kiến cho rằng đây là ý tưởng viển vông nhất mà họ từng biết.
Sẽ tạo kẽ hở để lách luật
Bản đề xuất này vừa được VAFI gửi các bộ ngành ngày 31-5. VAFI đề xuất Bộ Tài chính nhanh chóng ban hành thêm phí được quyền mua ôtô, xe máy, bên cạnh các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT như hiện nay.
Mức phí được căn cứ vào giá trị xe và đối tượng khách mua hàng. Riêng đối với các dòng xe bình dân, lưu hành tại các vùng nông thôn thì VAFI kiến nghị chưa tiến hành thu phí. Đối với các dòng xe xa xỉ, đắt tiền lưu hành tại các thành phố lớn và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông cần phải đánh phí thật cao, thậm chí đến 10 lần giá trị xe.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký VAFI lý giải, bằng cách thu phí cao như vậy, Nhà nước có thể gần như hoàn toàn ngăn chặn được việc sử dụng xe xa xỉ đắt tiền, đồng thời có thể giảm được khoảng một nửa tổng giá trị nhập khẩu phụ tùng, linh kiện, xe nguyên chiếc.
Ngoài ra, VAFI cũng kiến nghị Bộ Công Thương không cấp phép thành lập thêm các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ôtô, xe máy. Lý do là Việt Nam đã có nhiều nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô xe máy, năng lực sản xuất quá dư thừa. Nhưng tất cả các cơ sở sản xuất này đều không có khả năng nội địa hóa.
Các công ty kinh doanh ô tô thì cho rằng kiến nghị rằng của VAFI là quá mơ hồ, không có tính khả thi.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng (Thành viên HĐQT của Cty CP Vietauto) thì việc Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đứng ra đề xuất thu phí liên quan đến ô tô nghe "có vẻ lạ tai". "Tôi nghĩ thuế phải do Bộ Tài chính hoặc các cơ quan có liên quan khác đề xuất, đằng này lại là Hiệp hội tài chính "nhảy vào", đặc biệt là ở những lĩnh vực không liên quan cho lắm...", ông Hưng băn khoăn.
Về nội dung của bản kiến nghị, ông Hưng cho rằng không thể khả thi. Trước hết là bàn về mục đích giảm nhập siêu. Dòng xe xa xỉ về Việt Nam (tất nhiên là giá trị cũng rất lớn), nhưng so với số lượng xe thông thường thì có thấm vào đâu, chỉ đóng góp 1-2% giá trị nhập siêu. Giảm ách tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường thì phải giảm xe thông thường (giá tiền vừa phải, mọi người mua nhiều), chứ đâu phải là xe siêu sang. Qua đó có thể cho thấy những nghịch lý trong đề xuất này.
Với đề xuất này thì ai là người đứng ra đánh giá thế nào là xe siêu sang, thế nào là xe đắt tiền và xe ít tiền. Đề xuất này mà được chấp nhận thì chỉ làm tăng thêm kẽ hở cho các hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ xe Rolls-royce quy định 1 triệu USD thì thu phí, người ta sẽ kê xuống dưới một tý để lách. Xe phải thu phí hàng chục lần (số tiền quá lớn), người ta sẽ tìm cách giảm "mức độ sang" của nó đi để đóng phí ít hơn. Nói chung việc này sẽ "đẻ" ra vô vàn những thứ lằng nhằng.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Hưng, anh Tú, một nhân viên của Ravoauto cũng cho rằng rất khó để phân loại xe sang cũng không phải là đơn giản, không thể dựa vào giá tiền để phân loại. Chính sách như VAFI đề xuất sẽ làm hạn chế thị trường, ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của nhiều DN ô tô, không chỉ DN nhập khẩu mà còn có cả DN liên doanh (vì họ cũng có quyền nhập).
Các công ty kinh doanh ô tô cho rằng kiến nghị rằng của VAFI là quá mơ hồ, không có tính khả thi. (Ảnh minh họa).
Nâng giá... không thể hạn chế được xe
Cũng theo anh Tú thì ở nhiều nước muốn mua xe cũng phải trả tiền nhưng không phải phí mua xe mà là phí đường sá, đi lại (phí cũng rất cao). Theo quan điểm của anh Tú, muốn hạn chế việc sử dụng xe thì không nên đánh vào "quyền được mua xe" mà nên đánh vào phí đi đường, phí xăng dầu, phí đăng kiểm.
Theo anh Tú thì có nhiều người mua xe vì mê sưu tập xe, chứ không hẳn là mua xe để đi. Vì thế, chỉ đánh vào quyền mua xe thì cũng chưa hợp lý. Ý tưởng này đưa ra chắc chắn sẽ bị phản đối. Đã có nhu cầu mua xe thì người ta sẽ cố gắng để mua, chỉ có điều là mua xe gì. Đánh thuế cao xe đắt tiền thì người ta sẽ mua xe rẻ hơn. Như vậy, cũng không thể giảm được số lượng xe nhất là trong điều kiện hiện nay, các phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho rằng, nên nhìn nhận lại một số chủ trương của Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua. Thông tư 20 mới đây của Bộ Công Thương đã là bước tiếp tục bảo hộ cho các DN ô tô trong nước, giờ lại đến đề xuất phi lý của VAFI. Đưa giá ô tô cao lên để hạn chế nhập khẩu, theo ông Hùng là không sát. Còn hạn chế sử dụng xe cá nhân cũng có nhiều biện pháp mà không nhất thiết phải nâng giá.
Ở Singapore, người ta hạn chế sử dụng xe bằng cách mỗi năm đưa ra một con số bao nhiêu xe được đăng ký mới và phân cho các vùng (giống như cấp quota). Sau đó, mọi người sẽ tham gia đấu thầu quyền được đăng ký xe. Anh nào đưa ra giá cao hơn thì được cấp phiếu để đi đăng ký xe. Mua xe thì thoải mái nhưng việc đăng ký lưu hành thì có điều kiện. Nhưng giá đấu thầu thì cũng không cao quá, chỉ ở mức độ vừa phải.
"Còn nếu đề xuất như của VAFI được áp dụng thì không làm hạn chế được việc sử dụng xe, mà chỉ khuyến khích người Việt Nam sử dụng xe vừa tiền. Số lượng xe vẫn tăng, vì xe xa xỉ đắt thì người ta chuyển sang mua xe giá rẻ hơn. Như vậy, mục đích mà VAFI đưa ra cũng không thể thực hiện được", ông Hùng nói.
“100% sẽ bị bác”?
Ông Hồ Khắc Hùng, Giám đốc Cty ô tô Tây Bắc cho biết: “Một mặt chúng ta muốn đời sống người dân ngày càng nâng cao, một mặt lại muốn hạn chế họ mua bán những hàng xa xỉ để sử dụng là rất mâu thuẫn.
Nhập siêu nhiều nhất thì theo ông Hùng không phải là nhóm mặt hàng ô tô mà là những mặt hàng nguyên phụ liệu khác.
Nhưng vì mặt chỉ có ô tô là dễ "túm" nên mới bị siết chặt. Còn xét về nội dung cụ thể thì đề xuất của VAFI là quá thiếu cơ sở thực tiễn, thu phí gì mà lên đến 10 lần giá trị xe...
"Nghe tôi đã biết là quá không khả thi. Đáng lẽ, những đề xuất liên quan đến ô tô sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của những DN kinh doanh ô tô thì chúng tôi phải lên tiếng. Nhưng đề xuất "ngớ ngẩn" này, tôi biết chắc chắn 100% sẽ bị bác nên chẳng buồn lên tiếng.
Việc "đụng chạm" đến túi tiền quá lớn của người tiêu dùng thì làm sao có thể chấp nhận được. Chuyện VAFI đứng ra đề xuất nghe cũng hài hước, anh muốn chung tay cùng Chính phủ lo việc phát triển kinh tế, nhưng ý kiến đề xuất thì lại chẳng hợp lý tý nào", ông Hùng khẳng định.
Nguồn:
http://hcm.24h.com.vn/thi-truong-tieu-dung/de-xuat-mua-xe-6-ty-phai-chi-66-ty-100-se-bi-bac-c52a383385.html