Em xin trích dẫn bài báo sau về E5 để các bác thêm thông tin; nếu thực sự như thế thì từ nay em sẽ dùng E5 thôi các bác ạ:
Dùng xăng E5 tốt cho động cơ
(VOV) - Đó là lời khẳng định của PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng Phòng thí nghiệm Động cơ đốt trong, trường Đại học Bách Khoa – Hà Nội.
>> Xăng sinh học bắt đầu hút khách
Trong những ngày qua, sản phẩm xăng sinh học E5 chính thức được bán ra thị trường, song sản phẩm thân thiện với môi trường này vẫn còn vấp phải sự hoài nghi của người tiêu dùng. Phóng viên VOVNews đã phỏng vấn PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng Phòng thí nghiệm Động cơ đốt trong, trường ĐH Bách Khoa – Hà Nội để làm rõ những thắc mắc về sản phẩm xăng pha cồn E5.
PV: Xin ông cho biết về thành phần Etanol có trong xăng sinh học và ảnh hưởng của loại xăng sinh học đến động cơ của phương tiện?
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng Phòng thí nghiệm Động cơ đốt trong, trường Đại học Bách Khoa – Hà Nội. PGS.TS Lê Anh Tuấn:Thành phần 5% Etanol có trong xăng sinh học thực chất là cồn công nghiệp. Nó khác với cồn thực phẩm. Loại Etanol này chủ yếu được chiết xuất từ các sản phẩm sinh học như ngô, sắn… Sau quá trình sản xuất sẽ thu được Etanol 99,5% trở lên (gần được coi là cồn nguyên chất). Nếu cồn có nồng độ thấp, với đặc tính ngậm nước, rất có thể nước sẽ gây tác hại đến động cơ.
Ngoài ra, axit trong xăng có thể gây ảnh hưởng đến xilanh cũng như các zoăng cao su có trong động cơ. Tuy nhiên, đó là đối với các loại xe sử dụng động cơ loại cũ (trước năm 1993), còn đối với các xe có động cơ sản xuất sau năm 1993 thì điều này gần như là không xảy ra, vì thành của động cơ loại mới đều được sản xuất từ những vật liệu tốt hơn. Chính vì vậy axit trong xăng không thể gây ảnh hưởng lên động cơ. Hơn nữa, trong quá trình đốt, loại xăng này không hề gây ra một phản ứng phụ nào khác.
PV: Vậy loại xăng sinh học này có ảnh hưởng đến môi trường không, thưa ông?
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Trong quá trình đốt xăng sinh học E5 tạo ra ít khí thải CO hơn là các loại xăng thông dụng như A92 và A95. Chính vì vậy loại xăng này có thể được coi là thân thiện với môi trường.
Sản phẩm xăng pha cồn cũng đã được thử nghiệm tại phòng thí nghiệm động cơ đốt trong, Đại học Bách khoa Hà Nội và kết quả thấy nhiều tín hiệu khả quan. Đặc biệt, thành phần khí CO, CO2, HC, NOx giảm đáng kể. Khả năng tăng tốc của xe cũng lớn hơn (nhất là với E5). Như chúng ta đã biết thì khí thải CO là một khí rất độc ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Ngoài ra hiện nay, các loại xe mới cũng có bộ phận xử lý khí thải rất tốt, cộng với sử dụng xăng E5 thì lượng khí độc thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể.
PV: Vậy người sử dụng loại xăng sinh học E5 này sẽ được hưởng lợi gì về mặt kỹ thuật, và nếu sử dụng xăng E5 lẫn với các loại xăng thường như A92, A95 thì có ảnh hưởng gì không, thưa ông?
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Sản phẩm xăng pha cồn E5 có trị số octan (trị số chống khả năng kích nổ của động cơ) thường khoảng 93-94 do pha từ xăng gốc 92 (Etanol làm tăng trị số octan), thải ít chất độc hơn, sản phẩm đốt cháy là CO2 và H2O giảm ăn mòn máy móc hơn. Điều này rất tốt cho động cơ của phương tiện. Sử dụng xăng pha cồn E5 thì còn giúp giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ chính vì vậy, người tiêu dùng còn được hưởng thêm lợi về mặt kinh tế.
Còn việc sử dụng lẫn xăng E5 với các loại xăng thường thì điều này hoàn toàn không gây ảnh hưởng đối với động cơ. Vì thực ra xăng E5 là A92 pha 5% Etanol, nếu xử dụng lẫn với xăng thường thì lượng Etanol trong hỗn hợp chỉ giảm đi.
PV: Xin ông cho biết khả năng ứng dụng vào thực tế của sản phẩm xăng pha cồn tại Việt Nam?
PGS.TS Lê Anh Tuấn:Trên thế giới, sản phẩm xăng pha cồn đã được ứng dụng từ rất lâu. Tại Thái Lan, người ta còn sử dụng cả xăng E10 và E20. Còn tại Brazil, là nước sử dụng xăng pha cồn nhiều nhất trên thế giới, thì lượng xăng pha cồn chiếm một tỷ lệ rất lớn trong việc tiêu thụ nhiên liệu ở nước họ.
PGS.TS Lê Anh Tuấn tại phòng thử khí thải
Còn tại Việt Nam, sản phẩm xăng pha cồn có mặt tại thị trường từ năm 2008, song đó mới là thử nghiệm. Vào thời điểm đó, ta chưa sản xuất được Etanol (trên 99,5%) mà phải nhập khẩu. Ngoài ra lúc đó cũng chưa có một quy chuẩn cụ thể nào về sản phẩm, vì vậy việc ngừng bán xăng pha cồn vào năm 2008 là hợp lý. Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được Etanol trên 99,5% và cũng đã có một quy chuẩn đảm bảo chất lượng nên sản phẩm được bán ra thị trường là hoàn toàn đảm bảo. Chính vì thế tôi tin tưởng vào khả năng phát triển của xăng E5 tại nước ta. Không chỉ E5 mà thậm chí có thể là cả E10.
PV: Ông có thể đưa ra một lời khuyên đối với người sử dụng sản phẩm xăng pha cồn E5?
PGS.TS Lê Anh Tuấn: Do trong xăng có cồn, đặc biệt khi hàm lượng cồn lớn thì có thể xảy ra khả năng tách lớp giữa xăng và cồn. Nhưng đối với E5, chỉ có 5% Etanol, nên khả năng này rất khó xảy ra. Chỉ khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C thì sự phân lớp mới có thể xảy ra. Ngoài ra việc để phương tiện lâu ngày không sử dụng cũng có thể khiến tách lớp. Hơn nữa, Etanol là chất rất “háo” nước cho nên việc để lâu cũng có thể làm ảnh hưởng tới động cơ.
Chính vì vậy, đối với các loại xe sử dụng liên tục thì nên sử dụng loại xăng pha cồn E5 này. Đối với các phương tiện lâu ngày không sử dụng hoặc sử dụng ít thì nên dùng loại xăng thường.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Quang Trung (thực hiện)