Để cho nó vào trúng chủ đề.
Loạt vũ khí tối tân trong tương lai của Nga
(Vũ khí) - Nhằm trở lại vị thế siêu cường, quân đội Nga có kế hoạch sản xuất và trang bị hàng loạt vũ khí siêu hiện đại.
Mới đây nhất, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời Thiếu tướng Alexander Kolpachenko, chỉ huy lực lượng ven biển Hải quân Nga cho biết, đến năm 2050 lính thủy đánh bộ Nga sẽ nhận được xe chiến đấu đổ bộ hoạt động trên mọi địa hình, kể cả Bắc Cực. Tướng Alexander Kolpachenko nói với báo giới rằng trong năm 2014, các lực lượng ven biển Nga còn chờ nhận tổ hợp vũ khí tên lửa robot, có khả năng tấn công mục tiêu trên không, dưới nước và ngoài vũ trụ. Lính thủy đánh bộ sẽ tiếp tục được trang bị các phương tiện kỹ thuật mới, đặc biệt "là các mẫu súng mới và phương tiện phục vụ chiến đấu, trong đó có áo giáp bơi Corsair-MP độc đáo".
Theo tướng Alexander Kolpachenko, các tổ hợp như vậy sẽ đảm bảo cho Thủy quân lục chiến Nga hoạt động trong bất kỳ vùng khí hậu nào. Hiện nay Hải quân Nga đang tìm kiếm giải pháp nền tảng vũ khí robot hóa cho Thủy quân lục chiến với động cơ chạy bằng các nguồn năng lượng khác nhau.
Đồ họa siêu chiến đấu cơ PAK DA
Siêu chiến đấu cơ PAK DA
Đây không phải lần đầu tiên Nga tiết lộ về chương trình siêu vũ khí trong tương lai của mình. Cuối tháng 12/2013 vừa qua, Tư lệnh Không quân Tầm xa thuộc Không quân Nga Anatoly Zhikharev cho biết, lực lượng này sẽ tiến hành thử nghiệm hệ thống máy bay ném bom tầm xa mới mang tên PAK DA vào năm 2019.
Theo đó, công tác thiết kế cho dự án chế tạo máy bay ném bom mới sẽ được khởi động trong năm 2014. Đến năm 2025, không quân Nga sẽ nhận được lô máy bay loại này đầu tiên.
Ông Zhikharev nhấn mạnh, thế hệ máy bay ném bom tầm xa PAK DA thuộc một đẳng cấp khác với nhiều loại vũ khí tiên tiến hơn so với các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS hiện có, hay máy bay ném bom tầm xa Tu-22М3.
Tuy Bộ Quốc phòng Nga chưa thông báo về trang bị vũ khí cho PAK DA, tuy nhiên theo một số nguồn tin cho rằng, PAK DA sẽ được trang bị vũ khí siêu vượt âm mới.
Được biết, mẫu thiết kế máy bay ném bom tầm xa mới đã được thông qua vào đầu tháng 3/2013. Nhiều viện thiết kế đã tham gia gửi ý tưởng cho máy bay PAK DA. Tuy nhiên, bản thiết kế của Viện thiết kế Tupolev đã được chọn với công nghệ dưới âm và tính năng tàng hình vượt trội.
Quân đội Nga cho biết, trong tương lai không xa, máy bay PAK DA sẽ thay thế nhiệm vụ của cả 3 mẫu máy bay Tu-160, Tu-95MS và Tu-22М3 trong biên chế lực lượng không quân tầm xa.
Đồ họa siêu tăng Armata
Siêu tăng Armata
Ngoài những vũ khí kể trên, tăng Armata cũng nằm trong chương trình phát triển những siêu vũ khí tương lai của Nga. Armata là xe tăng chủ lực, xe chiến đấu bộ binh hạng nặng và xe cứu kéo-sửa chữa thiết giáp tương lai.
Dự án Armata và các chi tiết kỹ thuật của nó hiện nay vẫn được Nga giữ bí mật. Tuy nhiên theo một số nguồn tin, tăng Armata sẽ có module chiến đấu robot hóa, pháo chính với máy nạp đạn tự động có thể bắn đạn pháo thông thường và tên lửa.
Còn xe chiến đấu bộ binh dùng khung gầm Armata sẽ được thiết kế theo nguyên tắc module cho phép đơn giản hóa việc sửa chữa và hiện đại hóa sau này.
Hiện tại, các hãng công nghiệp quốc phòng Nga đã lắp ráp 3 mẫu xe thiết giáp dùng khung gầm xích hạng nặng Armata đầu tiên, Chủ nhiệm Tổng cục Ô tô-tăng thiết giáp, Bộ Quốc phòng Nga Aleksandr Shevchenko cho biết.
Theo một số nguồn tin khác, Armata được ứng dụng một số ý tưởng thiết kế tăng chủ lực của các dự án khác, trong đó có dự án “Đại bàng đen”. Dự đoán, Armata trang bị pháo nòng trơn 125 mm đã được kiểm nghiệm. Loại pháo này hiện đã được sử dụng ở biến thể T-90 mới nhất là Т-90АМ. Tính năng của pháo này đủ để tiêu diệt tất cả các loại tăng của NATO.
Bộ Quốc phòng Nga dự định mua 16 tăng Armata thuộc lô sản xuất thử vào năm 2014 để tiến hành thử nghiệm. Dự kiến, tăng Armata sẽ được đưa vào trang bị của quân đội Nga vào năm 2015.
Mô hình tên lửa siêu vượt âm của Nga
Tên lửa siêu vượt âm
Để cạnh tranh với tên lửa siêu vượt âm X-51 của Mỹ, hiện nay Nga đang âm thầm phát triển một loại tên lửa siêu vượt âm. Một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga đã tiết lộ rằng, Nga đã tiến hành thử nghiệm loại tên lửa siêu vượt âm này vào giữa năm 2013, tuy nhiên nó chỉ có thể đạt tốc độ Mach 4.5 và bay được trong vài giây rồi tiếp đất.
Rõ ràng vụ thử nghiệm này không đáp lại kỳ vọng của Tổng giám đốc tập đoàn “Vũ khí tên lửa chiến lược” Nga Boris Obnosov khi ông này cho rằng: Tham vọng của Nga là chế tạo được loại tên lửa bay với tốc độ Mach 6, Mach 10, thậm chí là Mach 14.
Việc giữ kín bí mật về tất cả thông tin của loại siêu vũ khí mới, ngoại trừ tốc độ siêu vượt âm Mach 5 của Nga đã đủ để làm người Mỹ phải cẩn trọng hơn trong các kế hoạch triển khai quân sự của họ nhằm vào đất nước họ. Người Nga vẫn tích cực làm việc trong những dự án phát triển vũ khí "siêu bí mật" hơn là sự phô trương ở các dự án tương tự của phương Tây.
Vai trò của tên lửa siêu vượt âm mới sẽ là một vũ khí chiến thuật, chiến dịch hay chiến lược, được dùng để chống tàu, tấn công mặt đất hay trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường của cũng chưa thể xác định được. Nhưng có thể, đây chính là một thứ vũ khí siêu lợi hại mà người Nga phát triển để có thể tấn công trong tích tắc các thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ đang được hình thành xung quanh nước Nga.
Các chuyên gia quân sự cũng đều thống nhất rằng, chắc chắn siêu tên lửa mới sẽ đóng một vai trò rất quan trọng với nước Nga. Nó sẽ là một công cụ tạo ra những ảnh hưởng lớn về mặt chính trị của Moscow với toàn thế giới, đồng thời cũng là một tín hiệu gửi tới Mỹ rằng, mặc dù Liên Xô đã sụp đổ, nhưng sức mạnh quân sự nước Nga vẫn luôn sát cánh, ngang vai với người Mỹ để có thể tạo ra một thế giới không cực.
Nếu như phát triển thành công tên lửa siêu vượt âm, Nga cũng hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ động cơ đẩy hypersonic của nó để sử dụng cho những nhiều dự án phát triển phương tiện quân sự và dân sự khác của họ, ví dụ như máy bay chở khách.
Bộ trang phục Chiến binh tương lai
Trang phục "Chiến binh tương lai"
Ngoài những siêu vũ khí tương lai kể trên thì Ratnik - bộ trang bị của 'chiến binh tương lai' sẽ được Bộ Quốc phòng Nga đưa vào sử dụng trong năm 2014.
Ratnik bao gồm 40 bộ phận từ vũ khí, áo giáp, thiết bị quang học, thiết bị định vị và thông tin liên lạc, thiết bị cung cấp năng lượng đến phần bảo vệ khuỷu tay, đầu gối. Ratnik có thể được trang bị cho bộ binh, lính phóng tên lửa, các tay bắn súng máy, lái xe và lực lượng trinh sát.
"Chúng tôi đã hoàn thành quá trình thử nghiệm Ratnik và bắt đầu mua, trang bị cho lực lượng quân đội vào năm sau", RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hồi cuối tháng 10/2013.
Các bộ phận thành phần của Ratnik đều được quân đội Nga sử dụng thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, quá trình đưa vào thực tiễn bị hoãn do Bộ Quốc phòng nước này còn chưa chắc chắn với lựa chọn vũ khí hạng nhẹ, xem xét có thể đưa loại súng trường Kalashnikov AK-12 mới vào sử dụng.
Trước đó, các kỹ sư quân sự Nga đã công bố hình ảnh cuộc thử nghiệm một loại kính ngắm tầm nhiệt của "chiến binh tương lai". Hệ thống kính ngắm tầm nhiệt này có thể hỗ trợ binh lính nhìn rõ kẻ địch trong khói, rừng cây mà vẫn đảm bảo an toàn.
Những vũ khí được trang bị trong năm 2014
Ngoài bộ trang phục “Chiến binh tương lai” sẽ được trang bị trong năm 2014, quân dội Nga cũng có kế hoạch trang bị loạt vũ khí mới trong năm 2014. Theo bản kế hoạch được Tổng thống Putin tiết lộ:
“Trong năm 2014, lực lượng vũ trang sẽ phải được nhận hơn 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa tiên tiến nhất, trên 200 máy bay và trực thăng, trên 250 đơn vị xe bọc thép. Tàu ngầm hạt nhân “Alexandr Nevsky” và “Vladimir Monomakh” sẽ nhận nhiệm vụ trực chiến, còn thành phần của nhóm quỹ đạo sẽ được bổ sung thêm sáu vệ tinh mới”,- ông Putin cho biết trong cuộc họp mở rộng của Bộ Quốc phòng.
Tổng thống Putin cho biết thêm, kết thúc năm 2014, số lượng trang thiết bị mới trong quân đội Nga sẽ phải chiếm tới 30% và Bộ Quốc phòng Nga phải tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất cần thiết để những thiết bị này sớm được biên chế.
Trong chương trình mua bán vũ khí quốc gia năm 2014, Nga sẽ mua tên lửa RS-24 Yars, RS-12M2 Topol-M, máy bay chiến đấu Su-27S, Su-30M2, Su-34 và Su-25SM, trực thăng Mi-35M, Mi-28N, pháo 2S9 Nona-s và hàng chục loại vũ khí trên cạn, trên biển, vũ trụ và đường không.
Với loạt vũ khí hạng nặng sẽ được trang bị trong năm 2014 và những siêu vũ khí tương lai của Nga, rõ ràng Nga không muốn giấu diếm ý định trở thành siêu cường trên thế giới