Những bất định trong chương trình PAK FA T-50
Người ta vẫn nghi ngờ nhiều về tương lai của chương trình tiêm kích thế hệ 5 PAK FA Т-50.
PAK FA T-50
Những vấn đề này liên quan đến mức độ sẵn sàng của các phân hệ chính của máy bay, sự chậm trễ trong việc đưa máy bay vào trang bị, cũng như các kế hoạch bù đắp một phần chi phí phát triển bằng tiền của đối tác trong chương trình là Ấn Độ.
Viện thiết kế NIIP là nhà cung cấp radar truyền thống cho các tiêm kích Sukhoi và đã phát triển radar trên khoang anten mạng pha chủ động N050.
“Các kết quả bay thử radar trên khoang của một trong 4 mẫu chế thử Т-50 rất ấn tượng”, một nhà phân tích am hiểu chương trình này nói. Tuy nhiên, radar là sản phẩm lắp ráp đơn chiếc.
“Hiện nay, chưa có cơ sở sản xuất để sản xuất loạt radar N050. Các module thu phát được sản xuất tại nhà máy quân sự Istok ở quy mô hạn chế nên giá của radar cực cao”, nguồn tin này nói.
Các tấm composite của máy bay cũng đang được sản xuất thủ công. Các composite đã được phát triển cho các máy bay Sukhoi trình diễn.
Động cơ thế hệ 5 sẽ được trang bị cho các máy bay Т-50 vẫn cơ bản tồn tại trên giấy, các chuyên gia ngành động cơ máy bay Nga nói. Trên các mẫu chế thử lắp động cơ 117S của công ty Saturn, vốn là động cơ trang bị cho Su-35. Các lô T-50 sản xuất loạt đầu tiên sẽ được trang bị 117S.
Rất khó tin là T-50 sẽ có độ bộc lộ thấp nếu không có những thay đổi. Các chuyên gia Mỹ cho rằng, ở dạng như hiện tại, T-50 ở một số khía cạnh có “độ bộc lộ radar và hồng ngoại rất cao”.
Một yếu tố khác là chương trình Т-50 sẽ hiệu quả về kinh tế nếu Ấn Độ sẽ mua không dưới 250 chiếc, cũng như sẽ tham gia vào công tác nghiên cứu phát triển. Nhưng Ấn Độ chỉ dự định mua một nửa con số đó.
Các nguồn tin tại Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho rằng, nước này không có khả năng mua cả Т-50 và Rafale của Pháp. Nếu tình thế trở thành hoặc mua loại này hoặc mua loại kia thì Ấn Độ có thể không tham gia chương trình Т-50 để mua Rafale, vì Ấn Độ muốn tránh bỏ “hết trứng vào một cái giỏ Nga”.
Nguồn: AINonline, 20.9, MP, 22.9.2013.