Trẻ bị phê bình vì đi học sớm: Đánh rơi “cái tình”
Sự một học trò lớp 1 tại Trường tiểu học Quang Trung, Hải Phòng phải
đứng ngoài trời nắng vì đi học sớm đang làm dư luận bức xúc.
Theo thông báo của nhà trường, tất cả học sinh không ăn bán trú đúng 13h30 mới được vào trường. Tuy nhiên do công việc phải đi làm từ 13h15, nhà chỉ có hai mẹ con nên mẹ của em học sinh này đưa con đến trường sớm.
Theo lời người mẹ, chị dặn con vào trường ngồi ở gốc cây đợi khi nào các bạn dậy hết thì mới vào lớp. Nhưng sao đỏ không cho vào trường nên em đứng phải bên ngoài cổng cho đến giờ được vào lớp.
Hình ảnh cô học trò lớp 1 trong bộ đồng phục, đứng im trước cổng trường thật sự xót xa!
Thế nhưng, cần phải nói đến một hình ảnh chua xót, ám ảnh không kém. Trước đó, cô chủ nhiệm lớp từng yêu cầu những học sinh đến sớm như em học trò trên phải đứng lên trên bục giảng, để cô chụp ảnh lại gửi vào nhóm zalo của lớp kèm câu:
"Cô giáo phê bình các bạn đến sớm".
Không chỉ ở ngôi trường này, ở nhiều trường có quy định giờ học sinh được phép vào trường, đặc biệt là ở buổi hai, các em đến sớm phải chờ bên ngoài, không được vào trường. Nhà trường có lý do của trường. Trẻ vào trường sớm, có thể ảnh hưởng đến học sinh bán trú nghỉ ngơi, chưa kể, giờ này không ai quản lý các em, các em có thể gặp nhiều tai nạn, nguy hiểm khó lường.
Còn phụ huynh, vì nhiều lý do, vì hoàn cảnh, không phải ai cũng có thể đưa đón con đúng giờ một cách tuyệt đối.
Hơn lúc nào khác, lúc này rất cần một tiếng nói chung, cần một sự chia sẻ, tìm một biện pháp dung hòa, trên tinh thần cùng hỗ trợ.
Giáo viên, ở vai trò là một nhà giáo dục dù phụ huynh không lên tiếng, cô đã làm gì? Cô có từng hỏi vì sao học trò của mình phải đến sớm? Cô có trao đổi với phụ huynh bàn về cách tốt hơn chúng ta có thể làm cho các con trong trường hợp này. Hay hơn nữa, cô trao đổi với nhà trường để có một cách thức nào đó.
Nhưng ở đây, cô chọn cách phê bình... những đứa trẻ không có lỗi. Phê bình một cách phản giáo dục, vô cảm và lạnh lùng. Cô yêu cầu các em lên bục giảng, cô chụp ảnh lại rồi gửi qua vào nhóm liên lạc của lớp kèm lời phê bình.
Phải nói, ngược với cảm xúc tủi hờn của những đứa trẻ bị kêu lên bục giảng, bị chụp hình, bị phê bình thì cô hành xử lạnh lùng như một cái máy. Không thể hiểu cô nghĩ gì khi phê bình các em trước sự việc không phải do các em, không phải là điều các em muốn.Với trẻ nhỏ, cảm giác tủi thân đáng sợ, ám ảnh vô cùng.
Và sau khi phê bình các em, cô đã có động thái nào để cùng tìm một biện pháp giải quyết? Hay phê bình xong rồi... để đó, để rồi học sinh bị phê bình không dám vào trường vì sợ bị cô phê bình tiếp!
Về phía phụ huynh, tự hỏi, trong trường hợp trên, phụ huynh đã từng lên tiếng trao đổi với cô giáo, chia sẻ về hoàn cảnh của mình, nhờ cô một tiếng để có sự thông cảm, hỗ trợ nhau? Cô giáo đã nhắc nhở, phê bình, phụ huynh đã làm gì để bảo vệ con? Dù muốn hay không, việc thả con trước cổng trường, trước giờ quy định được vào trường, trách nhiệm đầu tiên luôn thuộc về cha mẹ.
Trong một vấn đề như trên, nhà trường, giáo viên, phụ huynh đều chưa nỗ lực hết
trách nhiệm của mình, chưa đặt "cái tình" dành cho nhau để tìm một tiếng nói chung, cùng vì đứa trẻ. Nếu thật sự muốn, đặt sự chú tâm của mình vào, chúng ta sẽ có những cách tốt đẹp hơn cách hiện tại.
Tại một tọa đàm giáo dục ở TPHCM về mối quan hệ giữa nhà trường - giáo viên - phụ huynh, một chuyên gia đã phải thốt lên đây là các chủ thể giáo dục quan trọng. Nhưng thay vì cùng hợp tác, chọn cái tình để ứng xử với nhau thì giờ đây, dường như họ đang ở hai thái cực. Nhiều người phê phán, phê bình, lên án việc chọn cách ít tốt đẹp, ít tích cực nhất trong mối quan hệ để đỗi đãi nhau.
Hoài Nam