Chiến công của ông thường gắn với những con đường. Ông đã từng là Chỉ huy trưởng mặt trận đường số 9 (Hạ Lào-1945), Chỉ huy trưởng mặt trận đường số 7 (Thượng Lào- 1946), đến năm 1948 khi là Chỉ huy trưởng mặt trận đường số 4, với tài cầm quân của mình, lính Pháp gọi ông là "Tiểu tướng Napoléon", "Hùm xám đường số 4", nhân dân các dân tộc Cao Bắc Lạng gọi ông là "Đệ tứ lộ Đại vương". Trung đoàn 174 của con em các dân tộc Tày- Nùng- Dao do ông là Trung đoàn trưởng đầu tiên luôn là một trong những Trung đoàn có nhiều chiến công của QĐND Việt Nam, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn được giao nhiệm vụ đánh mở màn và đã đánh sập cứ điểm đồi A1. Trong kháng chiến chống Mỹ với trận chiến Đắk Tô, Trung đoàn 174 đã đi vào lịch sử Lữ dù 173 Sky Soldiers như những trang hồi ức đẫm máu, bi thiết nhất. Sau này trong Đội hình của Sư 316, Trung đoàn đã góp phần giải phóng Buôn Ma Thuột. Hiện nay có 2 Trung đoàn lấy phiên hiệu là 174 Tây Ninh và 174 đóng ở Yên Bái thuộc Sư 316 ( Sư đoàn sơn cước của con em các dân tộc với lối đánh thiện chiến trên các địa hình đồi, núi). 2 Trung đoàn đều lấy ngày truyền thống là ngày thành lập năm 1948 tại Hòa An- Cao Bằng.
Đọc hồi ký "Chiến đấu trong vòng vây" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới thấy tài năng của Đặng Văn Việt, tiếc rằng thời thế tạo anh hùng nhưng anh hùng lại không gặp thời thế. Cùng là 1 trong 3 Trung Đoàn trưởng chủ lực đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu, Đại tướng Lê Trọng Tấn và lính của ông khi đó mới là Tiểu đoàn trưởng- Nguyễn Hữu An (sau này là Thượng tướng) đã trở thành 2 trong 4 vị tướng đánh trận giỏi nhất Việt Nam thời kỳ hiện đại.
Xin vĩnh biệt ông, Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 2 lần anh hùng, "Đệ tứ lộ Đại vương" của đồng bào nhân dân các dân tộc Cao Bắc Lạng.