Năm 1964, kế hoạch ném bom miền Bắc và đưa quân vào miền Nam đã được tính toán kỹ lưỡng
Tại phòng tình hình, những con số về lực lượng hai bên được hiện ra
Phía Mỹ hơn 3,5 triệu quân thường trực, GDP 600 tỷ USD, máy bay chiến đấu hàng nghìn chiếc....
Phía Bắc Việt Nam vẻn vẹn chưa đầy 5 triệu tấn lương thực (theo kế hoạch 5 năm lần thứ nhất mục tiêu 7,6 triệu tấn quy ra thóc), vài nhà máy nhỏ, không có công nghiệp nặng, ô tô chở hàng vào Nam chỉ chừng 800 chiếc, chủ yếu là xe "Molotova" 1,5 tấn trải dài trên tuyến đường dài 1.000 km từ Lạng Sơn đến Khe Ho. Có một lượng nhỏ máy bay vận tải nhỏ An-2, máy bay chiến đấu không có nổi một chiếc (sau 5-8-1964, phi đội đầu tiên MiG-17 mới hạ cánh xuống Nội Bài)
Tóm lại, Bắc Việt Nam chẳng có cửa gì so với Mỹ
Theo những bộ óc tính toán hoàn toàn bằng con số như McNamara thì Bắc Việt Nam thua là chắc
Đối với LeMay, Tư lệnh Lực lượng không quân chiến lược (B-52), từng chỉ huy ném bom Tokyo năm 1945, một người khá hiếu chiến, cho rằng chỉ vài tuần sẽ đưa Việt Nam về thời kỳ đồ đá
Nhiều tướng lĩnh khác phẩy tay, chẳng cần đánh, cứ cho máy bay gầm rú hai tuần là Bắc Việt Nam phải đầu hàng....
Sau này, khi thất bại trong chiến tranh phá hoại, nhiều tướng lĩnh cho rằng: "giá như" ngay từ đầu sử dụng B-52 thì Bắc Việt Nam gục ngay, cho rằng ném bom leo thang khiến Bắc Việt Nam có thời gian xoay sở, thích ứng
Nhưng họ quên một điều cơ bản của chiến lược "phản ứng linh hoạt", nếu không phải "giá như" mà làm thật, thì phản ứng của Liên Xô và Trung Quốc sẽ mạnh mẽ và chiến tranh sẽ ở tầm cao hơn, điều mà nước Mỹ không muốn
Ngay sau khi kiếm được "giấy phép tuyên chiến ký sẵn", dân chúng Mỹ ủng hộ Johnson, uy tín ông lên rất cao. Dân chúng Mỹ chẳng cần biết Việt Nam ở đâu, đánh đấm ra sao, khoán cho chính phủ
Johnson đưa ra chính sách "Xã hội vĩ đại", cả bơ lẫn pháo, nghĩa là vừa đánh nhau vừa xây dựng nước Mỹ phồn thịnh, tin rằng Bắc Việt Nam sẽ gục ngay trong vòng vài tháng và quỳ lạy đầu hàng. Đó là chính sách "Gậy và củ cà rốt"
*****
Trước khi xảy ra sự kiện Vinh Bắc Bộ, Mỹ nhờ James Blair Seaborn - Đại sứ Canada trong Uỷ ban Quốc tế Đông Dương tìm cách gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng
“Tổng thống đã nói với ông Pearson rằng ông muốn Hà Nội biết rằng tổng thống, trong khi là người của hoà bình, không có ý định cho phép người Bắc Việt Nam tiếp quản Đông Nam Á. Tổng thống cần một người đối thoại tin cẩn và có trách nhiệm để chuyển cho Hà Nội một thông điệp về thái độ của Mỹ. Trong khi vạch ra những nét đại cương về lập trường của Hoa Kỳ, đã có thảo luận về củ cà rốt và cái gậy… Sau khi biểu thị lòng mong muốn đóng góp thiện chí vào cố gắng đó, ông Pearson đã bày tỏ nỗi lo ngại về tính chất của cái gậy… Ông nói rằng ông hết sức dè dặt về việc sử dụng vũ khí nguyên tử, nhưng cho rằng việc tiến công trừng phạt bằng bom vào các mục tiêu có phân loại một cách rõ ràng sẽ là một việc khác… Ông nói rằng cá nhân ông muốn biết về phương sách của chúng ta để đi tới các biện pháp đó nếu thông điệp chuyển qua đường Canada thất bại, không tạo được việc làm giảm sự xâm lược của Bắc Việt Nam, và Canada muốn chuyển thông điệp trong bối cảnh đó” (M. McLear: Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nhà xuất bản London, 1982, tr.131).
Cũng trong thời gian có cuộc họp cấp cao Mỹ-Canada tại Ottawa, W. Sullivan và Bộ trưởng Bộ ngoại giao Paul Martin làm việc với ông James Blair Seaborn. Ông được trao cho một đề cương những điều cần nói với Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Phạm Văn Đồng và được biết thêm rằng
“Người Mỹ không chỉ muốn Canada chuyển một thông điệp mà còn muốn có một sự đánh giá về mặt tình báo khả năng chiến tranh của Bắc Việt Nam” (M. M. McLear: Sđd, tr.132).
Ông James Blair Seaborn vui lòng nhận các điều kiện làm việc và khẩn trương thu xếp công việc để đi Việt Nam. Ông cần nhận thức rõ sứ mệnh của mình khi chính tổng thống Johnson đã nói chuyện với ông trước khi ông lên đường để tỏ lòng tin cậy ông và nhấn mạnh hai nhiệm vụ chuyển thông điệp và nắm tình hình Bắc Việt Nam
Đến Sài gòn, ông nắm thêm tình hình qua tiếp xúc với các đồng sự Ấn Độ, Ba Lan, với đại sứ Hoa Kỳ và ông phấn khởi được Hà Nội trả lời là Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận tiếp ông. Ông đã được hai ngoại trưởng Dean Rusk và Martin dặn đó. Ông lại được Bộ ngoại giao Hoa Kỳ trang bị cho một bản mười ba điểm chi tiết hoá các nhiệm vụ mà ông được giao, trong đó đặc biệt có điều bốn:
“Ông James Blair Seaborn thông qua các lý lẽ, biện luận và quan sát thái độ của người Bắc Việt Nam để hình thành một sự đánh giá trạng thái tinh thần của Bắc Việt Nam. Ông cần rất nhạy bén về:
a. Sự khác biệt liên quan đến sự chia rẽ về chiến tranh.
b. Thất vọng hoặc mỏi mệt về chiến tranh.
c. Dấu hiệu về việc Bắc Việt Nam muốn nói chuyện với phương Tây.
d. Dấu hiệu về phe phái trong Đ.ảng và Chính phủ.
đ. Dấu hiệu về mẫu thuẫn giữa phái quân sự và phái chính trị.
Người ta còn yêu cầu ông khai thác bản chất và ưu thế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Việt Nam và đánh giá thực chất và ảnh hưởng của người Xô Viết. Điều mười hai còn nói: ông có thể xem lại mối tương quan về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, Bắc Việt Nam và tài nguyên mà Trung Cộng có thể sử dụng ở Đông Nam Á. (Xem G. C. Hearing: Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam, tr. 22).
James Blair Seaborn cần vạch rõ qua kiểm tra xem có phải cụ Hồ Chí Minh tự đánh giá mình quá cao mà lao vào cuộc chiến hay Cụ cảm thấy rằng đồng minh Trung Quốc sẽ ủng hộ mình đến cùng. Chúng ta cần biết có phải quyết tâm hăng say hiện nay của Cụ là do áp lực của những phần tử thân Trung Quốc trong hàng ngũ Việt Nam hay do chính những tham vọng của Cụ thúc ép. Nhà báo M. Mclear gọi nhiệm vụ của ông James Blair Seaborn là một nhiệm vụ chủ yếu mang tính chất gián điệp” (M. M. Mclear: Sđd, tr. 137-138).
Washington ngoài cái gậy còn trao cho ông một củ “cà rốt”:
Nếu Hà Nội chấm dứt chiến tranh Hoa Kỳ sẽ:
Một: Hành động để nối lại buôn bán giữa Bắc và Nam Việt Nam “giúp vào việc thiếu lương thực của Bắc Việt Nam hiện nay”.
Hai: Viện trợ thực phẩm cho Bắc Việt hoặc bán cho Bắc Việt lấy tiền địa phương.
Ba: Bỏ sự kiểm soát của Hoa Kỳ đối với tích sản của Bắc Việt Nam và giảm kiểm soát của Hoa Kỳ trong buôn bán Hoa Kỳ - Bắc Việt Nam.
Bốn: Thừa nhận Bắc Việt Nam về ngoại giao và trao đổi đại diện ngoại giao.
Năm: Rút quân đội Hoa Kỳ xuống còn ba trăm năm mươi cố vấn, số lượng khi ký Hiệp nghị Geneva và được Hiệp nghị này cho phép.
Sáu: Sẽ cho phép Hà Nội rút bất kỳ nhân viên Việt Cộng nào muốn rời khỏi Nam Việt Nam… Chính phủ Nam Việt Nam sẽ ân xá cho các phiến quân thôi không chống lại quyền lực của Chính phủ (Xem G. C. Heanng: Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam, tr. 23).
Ông vững lòng lên đường ra Hà Nội và lúc này đây, khi đang leo những bậc thềm đá cao của Phủ chủ tịch, ông càng vững lòng, tuy không khỏi một chút phân vân về kết quả chuyến công cán.
Thượng tá Mai Lâm, Phó trưởng phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Uỷ ban Quốc tế, đón ông ở bậc cuối cùng với nụ cười hữu nghị. Hai người rẽ về bên phải tới phòng khách phía tây, nơi Thủ tướng thường tiếp các đại sứ.