Lee Jonathan Lockwood (28)
Nhìn góc phố này rất quen mà chịu không nhận ra là phố nào. Ảnh chụp vào ngày đẹp trời, cháu đoán là đầu đông nên còn khô ráo. Vào mùa mưa mà chui xuống hầm trú ẩn cá nhân này cũng khá là mệt mỏi. Mãi đến khoảng năm 1976 thì hệ thống hầm tránh bom mới được tháo dỡ, lấp đi.
Ở trường tiểu học (ngày xưa là trường cấp 1-2) Quang Trung của cháu (nằm ở góc ngã ba phố Quang Trung và Trần Quốc Toản) thì cả sân trường là hệ thống hầm hào, mái hầm chữ A.
Chỗ cháu sơ tán thì mỗi nhà làm 1 cái hầm chữ A phủ rơm và gần như không sử dụng cho mục đích tránh bom. Nó làm chỗ chơi cho trẻ con ở Hà Nội về và con bác chủ nhà. Mùa Đông thì nhà bác ấy trải ổ rơm cho bọn trẻ chui vào đấy ngủ cho ấm vì trên nhà chăn ấm (chăn bông thôi ạ) không có đủ. Cũng chẳng nhớ có bị muỗi đốt hay không nữa. Bọn cháu ở Thủ đô về nên bọn trẻ con ở đấy nó nhìn ngắm, quan sát cách sinh hoạt, ăn uống như là mình là người nước ngoài. Nghĩ lại mới thấy thương bà con nông dân ngày ấy. Cháu còn bé nhưng đã nhận thức được mức sống chênh lệch dữ dội giữa người thủ đô với bà con nông dân. Thế mà cháu vẫn cảm nhận được sự cưu mang, đùm bọc của những người mà bây giờ hay bị kinh miệt gọi là bần nông ấy. Tất nhiên có va chạm này nọ, cũng có người đối xử không tốt với bọn cháu, chuyện chia phe trẻ con HN và trẻ con "nhà quê" đương nhiên là có (cũng là chuyện bình thường) nhưng cơ bản vẫn là sự tử tế. Sau này cũng có lúc gió đổi chiều, cuối thời bao cấp thì về miếng ăn ở HN còn khổ hơn nhà quê nếu nhà đông con, trong nhà không có ai làm lương thực, thực phẩm, lái xe hay có bố làm to.
Cháu vừa đọc các thớt trên và có cụ nói thời đó khổ nhưng hào hùng. Thật sự cháu thấy mọi người không than khổ, chính xác là không nhận ra mình đang khổ về vật chất. Còn bảo hào hùng thì cháu cũng không cảm nhận được nhiều lắm. Cháu thấy mọi thứ nó cũng bình thường và cái chính cháu thấy hầu hết mọi người đều suy nghĩ, hành động vì một mục tiêu lớn. Quan trọng nhất là niềm tin còn nguyên vẹn.