Dịch bài này cách đây mấy năm các cụ đọc cho vui, tất nhiên thế giới thay đổi nhiều sau 5 năm nhưng căn bản thì vẫn còn đúng...
Bài này đọc hồi năm ngoái trên đường đi Munich, giờ nhân nghe nhiều chuyện “Start-up" trên facebook mang ra dịch phục vụ bạn đọc nhân buổi chiều rảnh rỗi trước kì nghỉ Easter. Không có stigma nào với các bạn khởi nghiệp, chủ yếu là để thêm một góc nhìn.
http://www.nytimes.com/2015/06/19/business/the-american-way-of-tech-and-europes.html
Làn sóng chống độc quyền ở châu Âu tháng này lên đến đỉnh điểm với thông báo của Liên minh châu Âu tiến hành điều tra Amazon về các hành vi độc quyền trong việc bán sách điện tử. Trước đó Apple, Google và Facebook đều đã bị điều tra về các hành vi tương tự, nay tâm điểm là Amazon, với ít nhất ba cáo buộc khác nhau.
Margrethe Vestager, người phụ trách uỷ ban chống độc quyền của Liên minh châu Âu, giải thích với Bloomberg rằng đây chỉ là sự tình cờ “Đơn giản chỉ là là vì có rất nhiều công ty lớn của Mĩ có ảnh hưởng đến thị trường kĩ thuật số ở những nơi khác”.
Cho dù điều này là đúng, thì câu hỏi là tại sao châu Âu lại không thể khuyến khích và ươm trồng những sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số, thứ đã dẫn đến những công ty công nghệ rất thành công như ở Mĩ. Hãy hỏi một cách khác, đã bao giờ uỷ ban chống độc quyền của Mĩ phải điều tra một công ty công nghệ của của châu Âu về các hành vi độc quyền? (Câu trả lời: Chưa bao giờ.)
“Không có nhiều công ty công nghệ của châu Âu với thị phần đủ lớn ở Mĩ để người ta phải quan tâm", Scott Hemphille, giáo sư thỉng giảng về chống độc quyền và quyền sở hữu trí tuệ của trường Luật, đại học New York , nói. “Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi họ không thu hút sự chú ý từ các cơ quan chống độc quyền của Mĩ”.
Hãy thử so sánh: Ba trong số mười công ty lớn nhất ở Mĩ là các công ty công nghệ được thành lập sau những năm 50s của thế kỉ trước: Apple, Microsoft, Google. Châu Âu? Không có công ty công nghệ nào lọt vào top 10.
Tuy vậy, nếu như vùng lãnh thổ nào đó trên thế giới có thể canh tranh sòng phẳng với nước Mĩ về mặt công nghệ, thì đó có vẻ phải là châu Âu. Ở đây có những trường đại học hàng đầu, một lực lượng lao động có chất xám cao, những người tiêu dùng có tiền và thành thạo về công nghệ, và rất nhiều nguồn tài chính đa dạng.
Châu Âu từng là nơi phát minh ra những thứ thay đổi thế giới, có thể nói đến máy in, các thấu kính sử dụng trong kính hiển vi và kính thiên văn, hay động cơ hơi nước. Thế còn gần đây? Không nhiều lắm. King Digital Entertainment, công ty tạo ra trò chơi Candy Crush nổi tiếng và là một trong những công ty nổi tiếng về sáng tạo trong lĩnh vực trò chơi điện tử, được thành lập ở Thuỵ Điển cách đây đã hơn chục năm. Định dạng MP3 cho nhạc số được phát minh bởi Karlheinz Brandenburg, một người Đức. Ứng dụng truyền thông Skype thì được tạo ra bởi một nhóm gồm hai người Bắc Âu và ba người Estonia. Nhưng Apple mới là công ty tạo ra máy nghe nhạc Ipod MP3, còn Skype thì bị mua lại bởi Ebay vào năm 2005 (giờ thuộc Microsoft).
Các nhà lãnh đạo liên minh châu Âu không phải là không lo lắng về thực tế này. Tháng trước liên minh châu Âu công bố chiến lược “Digital Single Market" nhằm khuyến khích cộng đồng khởi nghiệp và giảm bớt các rào cản đến sáng tạo. Các nước thuộc liên minh châu Âu đều nỗ lực để tạo ra critical mass (bạn đọc có thể nhớ lại khái niệm tích luỹ về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, critical mass là cái “lượng" này) theo kiểu Silicon Valley bằng cách tạo ra những vườn ươm công nghệ như công viên khoa học Oxford, “Silicon Allee" ở Berlin, Isar Vally ở Munich hay “Silicon Dock" ở Dublin.
“Ai cũng muốn có một Silicon Valley", Jacob Kirkegaard, một nhà kinh tế học và nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, nói. “Nhưng không nước nào đạt tới được quy mô và sự tập trung của các công nghệ thực sự sáng tạo như ở Mĩ. Châu Âu và tất cả các nước khác đang chơi trò chạy đuổi theo, và các nhà lãnh đạo của họ thì thất vọng”.
Petra Moser, sinh ở Đức và nay là giáo sư kinh tế học của Đại học Stanford và trung tâm nghiên cứu về Châu âu của trường này, đồng ý. “Người châu Âu đang lo lắng, họ đang cố gắng tạo ra một Silicon Valley ở những nơi như Munich, với rất ít thành công cho đến thời điểm hiện tại. Những khác biệt về quản lý hành chính và văn hoá vẫn còn quá lớn.”
Có những rào cản về quản lý nhà nước hay cấu trúc xã hội đối với việc sáng tạo ở châu Âu, chẳng hạn như việc giành ít tiền cho đầu tư mạo hiểm hay các bộ luật lao động rất chặt chẽ dẫn đến hạn chế sự phát triển trong sáng tạo. Tuy vậy cả ông Kirkegaard giáo sư Moser, trong khi vẫn nhấn mạnh rằng luôn luôn có những ngoại lệ mang tính cá nhân khi so sánh giữa người châu Âu và người Mĩ, đều cho rằng những rào cản chính vẫn là về văn hoá.
Có điều người ta ít để ý là sự thành công của các công ty start-up ở Mĩ thường đi kèm với số rất lớn các công ty start-up thất bại. “Sập tiệm nhanh, sập tiệm thường xuyên" gần như là một dạng khẩu hiện ở thung lũng Silicon, và quyền tự do để sáng tạo thực chất gắn liền với sự tự do để thất bại. Ở châu Âu sự thất bại mang đến hình ảnh xấu hơn rất nhiều. Sự phá sản dẫn đến những hạn chế và trừng phạt hà khắc trong xã hội, ngược với ở Mĩ nơi mà phá sản gần như là con đường phải đi qua của rất nhiều doanh nhân thành công.
Giáo sư Moser nhớ lại chuyện một doanh nhân đã phải tự tử sau khi tuyên bố phá sản ở quê nhà Đức. “Ở châu Âu nói chung sự phá sản thường được coi là một thảm kịch của cá nhân" cô nói. “ở đây thì nó lại có vẻ là cái gì đó như là một thành tích.” “Một môi trường như ở châu Âu khó có thể khuyến khích những công việc kinh doanh có tính mạo hiểm".
Khi David Byttow, đồng sáng lập ứng dụng liên lạc xã hội Secret, thông báo đóng cửa công ty của mình vài tháng trước, anh ta không có vẻ gì là quá thất vọng. “Tôi tin vào việc nhanh chóng đối mặt với sự thất bại để bước đi tiếp, thậm chí là để phạm tiếp những lỗi lầm mới hơn hay khác hơn", anh viết trên blog.
Ở Silicon Valley cũng không có những vấn đề “vết đen" về mặt hình ảnh khi bạn bị mất việc. Bản thân Steven Job cũng bị buộc phải rời khỏi Apple. “Các công ty Mĩ cho phép nhân viên của mình thôi việc để thử nghiệm những ý tưởng mới", giáo sư Moser nói. “Nếu ý tưởng của họ thành công, thì công ty mẹ sẽ mua lại cái start-up đó. Nếu họ thất bại, không sao công ty lại tuyển họ vào làm. Đây thực sự là một hệ thống rất tuyệt, nó cho phép người ta thử nghiệm những ý tưởng mới. Ở Đức thì bạn không thể làm như vậy, mọi người sẽ xa lánh bạn, họ sẽ coi bạn là dạng người thiếu trung thành. Đây thực sự là sự khác biệt về văn hoá".
“Người châu Âu cũng có xu hướng không hoan nghênh những sáng tạo thực sự “*********" (disruptive nó có nghĩa là cái mới nó sẽ thay đổi toàn bộ những cái cũ) mà đại diện là những Google hay Facebook”. Kirkegaard nói. Ông lấy dẫn chứng về Uber, dịch vụ giúp gọi xe trực tuyến, mặc dù có cái tên nghe rất Đức nhưng thực tế hoàn toàn là một công ty start-up của Mĩ. Uber được “chào đón" ở châu Âu như thể là sự lây lan của một loại virus, qua đó cho thấy rõ ảnh hưởng của những công ty điều hành taxi thủ cựu.
“Thực tế còn phức tạp hơn thế nữa,” ông Kirkegaard nói. “Người New York nói chung không quan tâm đến cái màu vàng của những chiếc taxi của họ lắm. Trong khi ở London thì người ta coi cái taxi màu đen là cái gì đó gắn liền và tạo ra hình ảnh của London ngày nay, và họ thích nghĩ như thế. Người Mĩ có xu hướng sử dụng hàng hoá và dịch vụ mang lý tính nhiều hơn là cảm tính, vì họ không cho rằng chúng gắn liền với bản sắc quốc gia hay vùng miền nào đó của họ"
Một trong những phát minh vĩ đại nhất ở châu Âu là hệ thống đại học của họ. Đại học Bologna được thành lập năm 1088 có lẽ là trường đại học đầu tiên trên thế giới (tất nhiên là sau Văn Miếu Việt nam ngàn năm văn hiến). Nhưng các trường đại học châu Âu từ lâu đã mất vị trí là các trung tâm nghiên cứu và sáng tạo vào tay các đối thủ ở Mĩ.
Với xu hướng sàng lọc và phân loại từ khi còn rất trẻ, hệ thống giáo dục ở châu Âu thường rất cứng nhắc. “nếu như bạn không học thật giỏi lúc 18 tuổi, bạn sẽ không có cơ hội,” giáo sư Moser nói. “Nó loại đi rất nhiều người thực chất có thể rất giỏi về sau nhưng lại không có cơ hội. Thực tế thì một học sinh giỏi việc nhớ các phép tính ở tuổi 17 có thể sẽ không sáng tạo cho lắm khi ở tuổi 23.” Cô cũng nói thêm rằng rất nhiều sinh viên châu Âu với xu hướng thích tự kinh doanh và sáng tạo đều đến học rồi sau đó ở lại Mĩ.
Giáo sư Moser hiện nay đang nghiên cứu về sáng tạo. “Hệ thống giáo dục của Mĩ nói chung mang tính “tha thứ" nhiều hơn, sinh viên được cho cơ hội để làm lại, đuổi kịp các bạn và trở nên xuất sắc.”
Thậm chí kể cả hệ thống giáo dục trẻ em của châu Âu, vốn được ca ngợi khắp nơi, cũng hơi mang tính ép buộc. Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học cụ thể để chứng minh giả thiết này, nhưng giáo sư Moser vẫn cho rằng “Trẻ em châu Âu có thể cư xử tốt và ngoan hơn, nhưng trẻ em Mĩ lại có nhiều sự tự do để khám phá những điều mới mẻ hơn.”
Không có điều nào ở trên là dễ thay đổi ở châu Âu, với giả thiết rằng người châu Âu cũng thực sự muốn thay đổi. “Ở châu Âu, sự ổn định là rất quan trọng,” giáo sư Moser nói. “Người ta không thích khoảng cách giàu nghèo quá lớn. Họ có văn hoá chia sẻ. Mọi người nói chung không quá cạnh tranh. Tiền không phải là tất cả. Tất cả những điều này thực tế có thể là điều tốt.” Tuy nhiên người châu Âu không thể cùng lúc muốn tất cả mọi thứ. Cô nói rằng những nhà sáng tạo và doanh nhân thành công đều nhanh chóng nhận ra là rất khó để vượt qua những rào cản về văn hoá ở châu Âu.
Ông Kirkegaard đồng ý. “Người châu Âu thường bảo thủ với chữ “c" nhỏ", ông nói. “Họ nói chung thích mọi thứ cứ y như thế thôi".
(small ‘c’ ở đây có nghĩa là người theo chủ nghĩa bảo thủ conservatism nhưng lại không thực sự muốn thừa nhận mình là người bảo thủ, ko dùng chữ C lớn đại diện cho “Conservative Party”, đảng Bảo thủ)
Câu hỏi: Đức là một trong những quốc gia giỏi, giàu, và mạnh bậc nhất trên thế giới mà vẫn còn loay hoay với những rào cản về văn hoá. Còn Việtnam thì sao?