Sài Gòn sẽ nóng hơn với cao ốc Ba Son, Tân Cảng
TSKH-Kiến Trúc Sư. Ngô Viết Nam Sơn nhận định: “Xây nhà cao tầng dọc bờ sông khu Ba Son, Tân Cảng, Cảng Sài Gòn… sẽ tạo thành bức tường chắn gió thổi vào phía trong. Chắc chắn những công trình này xây xong thì các khu đất phía trong Sài Gòn sẽ ngày càng nóng hơn, không có gió, không thông thoáng, bị chắn tầm nhìn…”
Nhận định trên được TSKH-Kiến Trúc Sư. Ngô Viết Nam Sơn phát biểu tại hội thảo “Bảo tồn di sản văn hóa TP.HCM – Biện pháp tối ưu & góc nhìn của chuyên gia: làm sao bảo tồn và phát triển để đôi bên cùng có lợi”, do Tổng lãnh sự Pháp và Tổng lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM tổ chức, với sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ quản lý phát triển đô thị TP.HCM, diễn ra cuối tháng 4.2016.
Các nước không xây nhà cao tầng ven sông
Theo KTS. Nam Sơn, năm 2007 công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) đã thực hiện Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu vực trung tâm TP.HCM và có một số đề xuất được UBND TP.HCM chấp thuận. Trong đó có đề xuất khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (ở vị trí sát phía trên khu đất đối diện Thảo Cầm Viên Sài Gòn, bên kia đường – NV)
chỉ nên cho phép xây hai, ba nhà cao tầng, phần còn lại dùng nối dài mảng xanh của Thảo Cầm Viên Sài Gòn đến bờ sông Sài Gòn, bảo tồn khu vực ụ tàu Ba Son.
“Đây là một đề xuất rất tốt và thành phố đã chấp thuận nhưng không hiểu vì sao gần đây thành phố đổi ngược, xóa bỏ chuyện đó, chấp nhận cho xây công trình cao tầng ở đây”, ông Sơn nói.
Các công trình xây dựng càng gần bờ sông Sài Gòn thì càng cao lên, khiến khí hậu TP.HCM sẽ nóng hơn, bức bối hơn.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở nước ngoài, tham gia nhiều dự án lớn về quy hoạch đô thị ở Mỹ, Canada, Nhật, Singapore và một số nước Á châu khác,… KTS. Nam Sơn cho biết, xu hướng chung của các nước thường là nhà cao tầng nằm ở phía trong và giảm dần độ cao về phía gần bờ sông.
“Ở trung tâm TP.HCM chúng ta thấy ngược lại, công trình càng về gần bờ sông thì càng cao lên. Ba Son nếu giữ được và cải tạo cho phát triển đúng giá trị thì chúng ta sẽ có những không gian công cộng rất thu hút người dân”, ông Sơn nhận xét.
Cũng theo KTS. Nam Sơn, nếu không có sự xâm phạm như đang diễn ra, giá trị khu trung tâm TP.HCM sẽ tốt hơn. Với phương án Ba Son đã được phê duyệt quy hoạch, nhà đầu tư nếu xây dựng những dãy nhà cao tầng như phối cảnh họ công bố, thì chắc chắn sẽ chắn tầm nhìn của khu trung tâm ra hướng sông, chắn hết gió từ phía sông thổi vào. Khi đó, khí hậu TP.HCM sẽ nóng hơn, bức bối hơn.
Theo KTS. Nam Sơn, việc thiếu các chính sách ưu đãi cao cho Thủ Thiêm để thu hút đầu tư vào bờ Đông và thả lỏng cho bờ Tây phát triển tự do, đã dẫn đến các dự án cao tầng và dự án hạ tầng xây dựng tại bờ Tây cạnh tranh gay gắt và có phần thiếu lành mạnh với các dự án cùng loại tại bờ Đông. Thiếu lành mạnh bởi trong khi bờ Tây đang quá tải về hạ tầng thì lại càng tập trung phát triển thêm nhà cao tầng với chiều cao được duyệt lên đến 50 – 80 tầng cho khu ven sông, tương đương chiều cao tối đa của toàn khu Thủ Thiêm.
Sự mất cân đối này làm gia tăng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, để sau đóngân sách buộc phải rót thêm vốn cho việc nâng cấp tiếp hạ tầng.
http://groupc.vn/sai-gon-se-nong-hon-voi-cao-oc-ba-son-tan-cang-kien-truc/.