Vừa đầu năm thấy làm ăn được, ko hiểu cụ Lê Thanh Hùng có họ hàng gì với cụ Lê Tấn Hùng ko ạ.
http://www.vnmedia.vn/kinh-te/201906/dung-tien-nha-nuoc-giai-cuu-pvtex-pvn-phot-lo-chi-dao-cua-chinh-phu-635020/
Dùng tiền Nhà nước giải cứu PVTex, PVN phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ
15:09' 13/06/2019 (GMT+7)
|
-
Trong thương vụ giải cứu đại dự án Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, thuộc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) đang bị thua lỗ trầm trọng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã lấy tiền từ quỹ Secondee dự án lọc dầu Nghi Sơn (đang được quản lý trong quỹ phúc lợi của PVN). Điều này đã vi phạm pháp luật, phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ về việc không dùng tiền ngân sách giải cứu đại dự án thua lỗ.
PVN giải cứu PVTex như thế nào?
Ngày 05/03/2018,Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ra Nghị quyết số 1312/NQ-DKVN về việc Giải quyết các kiến nghị của Tổng giám đốc PVN trong điều hành sản xuất kinh doanh.
Tiếp đó, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc PVN (phụ trách dự án PVTex) cũng đã gửi liên tiếp công văn số 35/CVNB-LH, ngày 09/04/2018 và công văn số 42/CVNB-LH ngày 16/04/2018 về việc đề nghị Hội đồng thành viên PVN đề nghị PVN hỗ trợ giải cứu dự án PVTex.
Trong công văn gửi Hội đồng thành viên, ông Lê Mạnh Hùng đã đề xuất PVN lấy tiền từ nguồn vốn số tiền hỗ trợ có hoàn trả thuộc phần trách nhiệm tương ứng theo tỷ lệ vốn góp của PVN lấy từ nguồn quỹ Secondee dự án Nghi Sơn (hiện đang được quản lý trong quỹ Phúc lợi của PVN).
Số tiền hỗ PVTex sẽ thành nhiều đợt. Cụ thể:
Đợt 1, tổng số tiền là 33,98 tỷ đồng. Trong đó, số tiền 22,98 tỷ đồng sẽ được PVTex trả nợ cho KCN Đình Vũ (DVIZ) theo phán quyết của tòa và một số nhà cung cấp khác. Ngoài ra, số tiền 11 tỷ đồng sẽ chi phí tối thiểu duy trì hoạt động của Nhà máy đợt 1 năm 2018.
Đợt 2, sau khi hoàn thành giai đoạn khởi động lại Nhà máy chạy lại phân xưởng DTY từ POY, dự kiến sau 3 tháng, PVTex báo cáo kết quả thực hiện và phương án trả nợ toàn diện để Tập đoàn xem xét, đánh giá việc hỗ trợ có hoàn trả các đợt tiếp theo (16,45 tỷ đợt 2 và 36,45 tỷ đợt 3 để trả nợ cho DVIZ cũng như các chi phí tối thiểu để duy trì khác).
Ngoài ra, theo đề xuất của ông Lê Mạnh Hùng, trong thương vụ giải cứu PVTex trên thì PVN góp 74,01%, PVFCCo góp 25,99%.
Cùng với đó, các khoản hỗ trợ trong Thỏa thuận không được tính lãi suất. Thời hạn hoàn trả số tiền trên ngay sau khi PVTex có nguồn tiền thu được từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc của việc hợp tác để sản xuất với đối tác chậm nhất đến hết năm 2022
Sau đó, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN đã ra Nghị quết số 2327/NQ-DKVN, ngày 17/04/2018, yêu cầu Tổng giám đốc PVN, Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) ký “Thỏa thuận hỗ trợ có hoàn trả” đối với PVTex với nội dung như ông Lê Mạnh Hùng đề xuất.
Đến ngày 20/04/2018, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đại diện của PVN; ông Đoàn Văn Nhuộm, đại diện cho PVFCCo cùng ông Đài Văn Ngọc, đại diện cho PVTex đã ký Biên bản thỏa thuận với nội dung như Nghị quyết trên.
Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex)
ADVERTISEMENT
Tuy nhiên, khi việc giải cứu PVTex được đưa ra bàn bạc trước đó, Ban Pháp chế của PVN cũng đã có những cảnh báo về độ rủi ro trong sự việc này. Cụ thể, tại báo cáo số 214/HĐTV-KSNB, ngày 11/04/2018, của Ban Kiểm soát nội bộ về việc Thỏa thuận hỗ trợ vốn lưu động thực hiện kế hoạch sản xuất sợ DTY của PVTex có nêu:
“Theo ý kiến của Ban Pháp chế, chưa đánh giá tính hợp lý, hợp lệ và mức độ ràng buộc trách nhiệm giữa các Bên của Thỏa thuận này với quy định của pháp luật hiện hành mà chỉ lưu ý về rủi ro của PVN trong việc thu hồi khoản nợ và trường hợp doanh nghiệp phá sản, PVN không được ưu tiên trong hòa trả khoản hỗ trợ…”.
Phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ
Việc PVN dùng vốn ngân sách hay dùng nguồn vốn từ quỹ phúc lợi của của Tập đoàn để giải cứu PVTex là vi phạm Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, ban hành ngày 26/11/2014.
Ngoài ra, việc làm trên còn trái với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong việc giải cứu các đại dự án thua lỗ.
Cụ thể, trong báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, tháng 5/2017, khi đề cập đến việc giải cứu các đại dự án thua lỗ của ngành Công thương đã nêu rõ: “Đối với những dự án thất thoát, yêu cầu các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan tập trung giải quyết tồn đọng, có giải pháp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài".
Để khẳng định lại việc này, ngày 26/2/2018, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chính phủ về xử lý các tồn tại, yếu kém tại một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương, khi ông Trần Sỹ Thanh đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo cho phép PVN được dùng tiền của tập đoàn, với tư cách là nhà đầu tư, để chi trả hoạt động của các nhà máy với thời gian thu hồi vốn được xác định rõ.
Trước đề nghị trên, Phó Thủ tướng Chính phủ ************** đã tái khẳng định rõ ràng rằng:“Nguồn lực từ ngân sách, tín dụng Nhà nước sẽ không có để cứu các dự án, nhà máy yếu kém”.
Còn đối với đề nghị của Chủ tịch PVN sử dụng vốn của PVN để vực dậy các dự án, Phó Thủ tướng cho biết vướng quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Bộ Công Thương cần đề xuất tới Thường trực Chính phủ xem xét.
Dùng quỹ Secondee giải cứu PVTex, PVN xâm phạm quyền lợi CBCNV
Theo tìm hiểu, “Quỹ phúc lợi Secondee dự án Nghi Sơn” mà ông Lê Mạnh Hùng đề xuất Hội đồng thành viên PVN lấy để giải cứu dự án PVTex chính là số được trích ra trong các hoạt động của các cán bộ, công nhân viên được PVN cử đi làm nhiệm vụ tại Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Sau đó, số tiền phúc lợi trên được trả về cho PVN và được Qũy phúc lợi của PVN quản lý.
Khi sự việc PVN trích quỹ phúc lợi của mình để giải cứu PVTex được hé lộ, một số ý kiến cho rằng, hàng ngàn CBCNV đang ngày đêm vất vả, đổ mồ hôi, công sức, thậm chí cả bằng sự nguy hiểm đến tính mạng của mình để lao động góp phần xây dựng PVN.
Tuy nhiên, ngay cả số tiền chăm lo cho đời sống tập thể, cá nhân của các CBCNV cũng như quỹ để làm việc phúc lợi xã hội lại được lãnh đạo PVN sử dụng sai mục đích, điều này đã trực tiếp tước đoạt đi những quyền lợi thiết thực nhất của CBCNV. Hành động trên chẳng khác gì việc PVN đã tự “bán máu” của CBCNV để giải cứu “con tàu đắm” PVTex.
Cần làm trách nhiệm của ông Trần Sỹ Thanh, Lê Mạnh Hùng
Liên quan đến sự việc trên, trả lời phóng viên, Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các Bộ, ngành… cần làm rõ trách nhiệm của ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN và ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc PVN (người vừa được giới thiệu vào chức danh Tổng giám đốc PVN).
Ông Trần Sỹ Thanh Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN
Cụ thể, theo Luật sư Bùi Quang Thu, cần phải làm rõ trách nhiệm của ông Lê Mạnh Hùng trong việc quản lý, điều hành dự án PVTex. Đặc biệt là quyết định đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng cho việc chạy thử PVTex giai đoạn 2.
Cùng với đó, cần làm rõ trách nhiệm của ông Lê Mạnh Hùng trong vụ Công ty Đạm Cà Mau nhận hơn 16 tỷ đồng tiền lãi ngoài từ Ngân hàng Oceanbank (Ông Lê Mạnh Hùng có 3 năm làm Tổng giám đốc Đạm Cà Mau).
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc PVN (người vừa được giới thiệu vào chức danh Tổng giám đốc PVN).
Tiếp đó cần làm rõ việc ông Lê Mạnh Hùng khi trình Hội đồng thành viên buộc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn phải hủy bỏ 5 đơn hàng với các đối tác khác để bán chỉ định sản phẩm hạt nhựa cho An Phát Holding (thấp hơn 5 USD/kg so với giá bán đối tác khác, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng).
Tiếp theo là việc trách nhiệm của ông Lê Mạnh Hùng trong việc ký duyệt phương án, trình Hội đồng thành viên để ra Nghị quyết chỉ định Pvcombank cho PVTex vay khoản vay ngân hàng hạn năm 2015 là 556,127 tỷ đồng nhưng đến cuối tháng 4/2019 vẫn chưa trả được gốc và lãi.
Ngoài ra, cần xem xét trách nhiệm của ông Lê Mạnh Hùng và ông Trần Sỹ Thanh khi để một pháp nhân mới thành lập, thiếu năng lực, kinh nghiệm là Công ty An Sơn giải cứu dự án PVTex cũng như việc quyết định dùng vốn từ quỹ phúc lợi của PVN để rót vốn cho PVTex.
Trong quy định của pháp luật, tại Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định:
“Qũy phúc lợi chỉ dùng để đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa các công trình phúc lợi của Công ty; Chi cho các hoạt động phúc lợi công cộng của tập thể công nhân viên Công ty, phúc lợi xã hội; Góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành, hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng.
Ngoài ra có thể sử dụng một phần quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động kể cả những trường hợp về hưu, về mất sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, hoặc làm công tác từ thiện xã hội”.
Tiến Vinh