Luật sư kiến nghị làm rõ trách nhiệm của ông Trần Sỹ Thanh và Lê Mạnh Hùng
22:28, Thứ Sáu, 14/06/2019 (GMT+7) . . . |. .
- Liên quan đến vụ việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) dùng quỹ phúc lợi để “giải cứu” đại dự án thua lỗ nghìn tỷ PVTex, Luật sư Lê Đức Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê và cộng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đã có báo cáo gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiến nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân ông Trần Sỹ Thanh (Chủ tịch HĐTV PVN) và ông Lê Mạnh Hùng (Phó TGĐ PVN phụ trách PVTex).
Vừa qua, Luật sư Thắng đã liên tiếp có văn bản gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước để báo cáo về những sai phạm xảy ra tại đại dự án thua lỗ PVTex và Tập đoàn PVN.
Cụ thể, theo đơn của Luật sư Thắng, tháng 4/2018, để giải cứu dự án thua lỗ PVTex, ông Lê Mạnh Hùng, (Phó TGĐ PVN phụ trách PVTex) đã liên tiếp gửi 2 công văn số 35/CVNB-LH, ngày 09/04/2018 và công văn số 42/CVNB-LH ngày 16/04/2018 về việc đề nghị Hội đồng thành viên PVN đề nghị Tập đoàn PVN hỗ trợ rót tiền để giải cứu dự án PVTex.
Ngoài ra, ông Lê Mạnh Hùng cũng đề xuất lấy tiền từ nguồn vốn số tiền hỗ trợ có hoàn trả thuộc phần trách nhiệm tương ứng theo tỷ lệ vốn góp của PVN lấy từ nguồn quỹ Secondee dự án Nghi Sơn (hiện đang được quản lý trong quỹ Phúc lợi của Công ty mẹ - PVN) để giải cứu dự án trên.
Cùng với đó, số tiền mà PVN rót xuống PVTex sẽ thành các đợt khác nhau:
Đợt 1: Mục đích số tiền trên sẽ được PV Tex trả nợ cho KCN Đình Vũ (DVIZ) theo phán quyết của tòa và một số nhà cung cấp khác, số tiền là 22,98 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tối thiểu duy trì hoạt động của Nhà máy đợt 1 năm 2018 là 11 tỷ đồng. Tổng số tiền là 33,98 tỷ đồng.
Đợt 2: Sau khi hoàn thành giai đoạn khởi động lại Nhà máy chạy lại phân xưởng DTY từ POY, dự kiến sau 3 tháng, PVTex báo cáo kết quả thực hiện và phương án trả nợ toàn diện để Tập đoàn xem xét, đánh giá việc hỗ trợ có hoàn trả các đợt tiếp theo (cụ thể, 16,45 tỷ đợt 2 và 36,45 tỷ đợt 3 để trả nợ cho DVIZ cũng như các chi phí tối thiểu để duy trì khác).
Phương án này được ông Trần Sỹ Thanh phê duyệt dẫn tới việc ông Trần Sỹ Thanh ký Nghị quyết yêu cầu Tổng giám đốc PVN, Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCC0) ký với PVTex “Thỏa thuận hỗ trợ có hoàn trả” trị giá 100 tỷ đồng. Trong đó, PVN góp 74,01%, PVFCC0 góp 25,99%. Các khoản hỗ trợ trong Thỏa thuận không được tính lãi suất.
Theo Luật sư Thắng, việc dùng nguồn vốn này để giải cứu PVTex là trái với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong việc giải cứu các đại dự án thua lỗ. Cụ thể, Phó Thủ tướng ************** đã yêu cầu không được dùng ngân sách trong trường hợp giải cứu này.
Đặc biệt, việc PVN dùng tiền ngân sách, tiền của các công ty thành viên trích từ tiền quỹ phúc lợi để “giải cứu” PVTex là vi phạm Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, ban hành ngày 26/11/2014.
PVTex
Dùng người PVTex giải cứu PVTex
Cũng theo Luật sư Thắng, trong thương vụ giải cứu PVTex khỏi cảnh nợ nần còn tồn tại nhiều khuất tất đáng ngờ khi sử dụng một Công ty mới được thành lập, yếu kém về năng lực, trình độ, kinh nghiệm để hợp tác cùng PVTex.
Cụ thể, từ tháng 9/2017, PVN và PVTEX, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, đã tích cực tìm kiếm đối tác tham gia hợp tác vận hành nhà máy, trong đó có các đối tác Indorama (Indonesia), Formosa (Đài Loan), Fortrec Chemical (Singapore), Reliance Pte. Ltd. (Ấn Độ), An Phát Holdings (Việt Nam)...
ADVERTISEMENT
Sau quá trình mời thầu, chào thầu công khai, nhiều đối tác cả trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, đánh giá khả năng hợp tác cũng như đưa ra các điều kiện hợp tác. Trên cơ sở đánh giá năng lực, cả về năng lực tài chính, công nghệ cũng như khả năng bao tiêu sản phẩm, ngày 18/4/2018, PVTexđã có Công văn báo cáo các cổ đông về quá trình lựa chọn đối tác hợp tác vận hành Nhà máy.
Tại báo cáo này, PVTex đánh giá An Phát Holdings là đối tác có kinh nghiệm quản lý sản xuất trong lĩnh vực nhựa công nghiệp và có năng lực về tài chính, đơn vị này sẽ đứng đầu tổ hợp và cung cấp tài chính để vận hành lại nhà máy.
Sau khi nhận được ý kiến phản hồi từ phía các cổ đông, ngày 20/4/2018, PVTEX và An Phát Holdings đã chính thức ký Biên bản ghi nhớ để các bên có cơ sở tiếp tục thương thảo, đàm phán và làm rõ về các vấn đề liên quan đến hợp tác sản xuất và kinh doanh nhà máy.
Trên cơ sở đó, PVTex cũng đã đàm phán với An Phát Holding về hợp đồng hợp tác vận hành nhà máy, thỏa thuận quá trình hợp tác được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ hợp tác gia công sợi DTY và giai đoạn 2 sẽ hợp tác sản xuất kinh doanh toàn bộ nhà máy.
Để thực hiện giai đoạn 1, ngày 24/7/2018, PVTex đã ký hợp đồng gia công sợi DTY trực tiếp với An Phát Holdings và đơn vị được An Phát Holdings ủy quyền thực hiện là Công ty CP xơ sợi tổng hợp An Sơn (AST).
Quá trình tìm kiếm đối tác nhằm “giải cứu PVTex” của PVN như đã nói ở trên đã được thực hiện hết sức thận trọng và bài bản. Nhưng đến khi thực hiện, việc xuất hiện dàn lãnh đạo của Cty An Sơn, đơn vị trực tiếp được An Phát Holdings ủy quyền thực hiện dự án lại khiến nhiều cán bộ công nhân viên của PVN, cũng như PVTex không khỏi ngỡ ngàng.
Bởi các ông Hồ Trí Dũng - Tổng GĐ Cty An Sơn, Bùi Việt Hà - Phó tổng GĐ Cty An Sơn không phải là người “xa lạ” của PVN và PVTex. Hai ông này đều nguyên là những cán bộ chủ chốt lâu năm của PVTex vừa mới… nghỉ việc.
Theo Luật sư Lê Đức Thắng, Công ty An Sơn mới được thành lập tháng 4/2018, chưa hề có kinh nghiệm, hoạt động gì trong lĩnh vực hóa dầu nhưng chỉ vài tháng sau khi thành lập, bỗng dưng An Sơn lại được chọn là đơn vị đi giải cứu dự án PVTex trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty An Sơn được đăng ký kinh doanh trên địa bàn Hải Dương nhưng chưa hề có hoạt động gì, chưa đóng BHXH cho một lao động nào. Hiện trụ sở của An Sơn cũng nằm luôn trong PVTex. Ngoài ra, trong giới thiệu của An Phát Holdings thì An Sơn là Công ty con của mình. Tuy nhiên, trong danh sách cổ đông sáng lập của An Sơn lại không hề có tên của An Phát Holdings.
Theo Luật sư Thắng, sự việc trên dấy lên lo ngại rất có thể việc PVN và An Phát Holdings kết hợp giải cứu PVTex chỉ là cái cớ để trục lợi, rút vốn thông qua một pháp nhân là Công ty An Sơn. Bởi Công ty này không đủ năng lực, kinh nghiệm để có thể vực dậy được PVTex.
Ngoài ra, đến nay, thỏa thuận hợp tác giữa An Phát Holdings và PVN rất mập mờ không biết tỷ lệ % đóng góp của 2 bên ra sao. Đồng thời, nhân lực, công nghệ để giải cứu PVTex mà An Phát Holdings đưa ra như thế nào vẫn chỉ là ẩn số.
Ông Lê Mạnh Hùng
Cần xem xét trách nhiệm của ông Trần Sỹ Thanh và Lê Mạnh Hùng
Theo báo cáo của Luật sư Lê Đức Thắng, vào tháng 9/2013, ông Lê Mạnh Hùng khi đó được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc của PVN, ông Hùng được giao phụ trách dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex).
Tại thời điểm này, dự án trên đã sa lầy trong nợ nần, thua lỗ và được coi là 1 trong những đại dự án nổi cộm của ngành công thương. Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, đến năm 2013, dự án trên đã thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi vừa được giao phụ trách PVTex, ông Lê Mạnh Hùng – với vai trò là Phó Tổng giám đốc vẫn đề xuất “bơm” thêm hơn 1.700 tỷ đồng cho PVTex để đơn vị này tiếp tục chạy nghiệm thu. Kết quả là dự án tiếp tục thua lỗ, số tiền đầu tư chẳng biết đến khi nào sẽ thu hồi được?
Theo Luật sư Thắng, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của ông Lê Mạnh Hùng nhưng chưa được làm rõ theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ. Câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra là: Tại sao trước đó PVTex đã sa lầy, ngập trong nợ nần và thất bại trong việc chạy thử thì ông Lê Mạnh Hùng vẫn đề nghị “bơm” cho đơn vị này chạy nghiệm thu tiếp dẫn tới việc thua lỗ chồng chất thua lỗ.
Ngoài ra, tại dự án PVTex, ông Lê Mạnh Hùng còn thay mặt Tổng Giám đốc PVN ký duyệt trình Hội đồng thành viên nghiệm thu nhà máy, sản phẩm, thanh toán cho nhà thầu trong khi sản phẩm vẫn bị lỗi, dây chuyền hoạt động không ổn định, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.
Cũng theo Luật sư Thắng, để giải cứu PVTex, ông Lê Mạnh Hùng đã trình Hội đồng thành viên buộc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn phải hủy bỏ 5 đơn hàng với các đối tác khác để bán chỉ định sản phẩm hạt nhựa cho An Phát Holding. Điều đáng nói, đơn giá bán cho An Phát Holding lại thấp hơn 5 USD/kg so với giá bán đối tác khác, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Về vấn đề này, Cục phòng chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn PVN giải trình.
Cũng trong “nỗ lực” giải cứu PVTex, ông Lê Mạnh Hùng cũng đã ký duyệt phương án trình Hội đồng thành viên để ra Nghị quyết chỉ định Pvcombank cho PVTex vay khoản vay ngắn hạn năm 2015 là 556,127 tỷ đồng nhưng đến cuối tháng 4/2019 vẫn chưa trả được gốc và lãi. Hiện nay, PVTex đang sa lầy, chưa biết đến khi nào mới trả được khoản vay trên. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc dùng ngân sách để giải cứu PVTex. Điều này trái với chỉ đạo của Chính phủ về việc không dùng tiền ngân sách giải cứu các dự án thua lỗ.
Luật sư Thắng cũng cho biết, không chỉ sai phạm liên quan đến đại dự án PVTex, ông Lê Mạnh Hùng khi còn trò là Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (2011-2013) thì đơn vị này đã nhận 16,7 tỷ đồng tiền lãi ngoài từ Oceanbank.
Ông Trần Sỹ Thanh
Đặc biệt, Luật sư Lê Đức Thắng cũng đề nghị các cơ quan Đảng và Nhà nước xem xét trách nhiệm trực tiếp của cá nhân ông Trần Sỹ Thanh (Chủ tịch HĐTV PVN) và ông Lê Mạnh Hùng (Phó TGĐ PVN phụ trách PVTex) khi quyết định dùng vốn ngân sách, tiền quỹ phúc lợi của PVN để giải cứu PVTex.
Theo Luật sư Thắng, “Quỹ phúc lợi secondee dự án Nghi Sơn” mà ông Lê Mạnh Hùng đề xuất Hội đồng thành viên PVN lấy để giải cứu dự án PVTex, rồi sau đó được ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch HĐTV PVN phê duyệt, chính là số tiền được trích ra trong các hoạt động của các cán bộ, công nhân viên được PVN cử đi làm nhiệm vụ tại Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Sau đó, số tiền phúc lợi trên được trả về cho PVN và được Qũy phúc lợi của PVN quản lý.
Trong quy định của pháp luật, tại Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định:
“Qũy phúc lợi chỉ dùng để đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa các công trình phúc lợi của Công ty; Chi cho các hoạt động phúc lợi công cộng của tập thể công nhân viên Công ty, phúc lợi xã hội; Góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành, hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng. Ngoài ra có thể sử dụng một phần quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động kể cả những trường hợp về hưu, về mất sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, hoặc làm công tác từ thiện xã hội”.
“Hành động trên chẳng khác gì việc PVN đã tự “bán máu” của CBCNV để giải cứu “con tàu đắm” PVTex”, ông Thắng cho biết.
VnMedia sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Ngọc Hưng