Tại sao bạn lại giả đò thích nghệ thuật hiện đại !!?
Sau khi tôi viết “Hãy thừa nhận đi - bạn thực sự ghét nghệ thuật hiện đại” (Tháng 1/2007), nhiều bạn đọc quả quyết với tôi rằng tôi đã rất sai lầm về họ. Đặc biệt nhiều người trong số các trí thức chóp bu tuyên bố sẽ đem theo tình yêu nghệ thuật hiện đại xuống mồ, và tôi cần phải giải thích cho họ bằng cách nào đó, dù với giá phải trả là hầu hết những người bạn ít ỏi còn sót lại.
Bạn giả vờ thích nghệ thuật hiện đại vì bạn muốn có tính sáng tạo. Thực ra, bạn chẳng mảy may có tính sáng tạo gì hết. Trong toàn bộ lịch sử nhân loại chúng ta biết chỉ có vài trăm đàn ông và đàn bà thực sự sáng tạo. Nhưng tôi lấy làm buồn khi phải thông báo rằng bạn không phải một trong những người đó. Bạn nghĩ, khi khăng khăng cho bạn là không sáng tạo, tôi nói bạn không quan trọng ư. Tôi không có ý nói như vậy, nhưng chúng ta sẽ quay lại đề tài này sau.
Bạn hằng mong muốn bạn có tính sáng tạo vì bạn muốn tôn thờ chính mình, con cái của mình, hoặc một kẻ mạo danh tự phụ nào đó, hơn là Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Sự thiếu đức tin của bạn không làm cho bạn có lý trí hơn. Ngược lại, nó làm bạn trở thành nực cười khi ngưỡng mộ những thần thánh hề đồng lố bịch, mà trong số đó lố bịch nhất lại chính là bạn. G. K. Chersterton đã nói rằng một khi bạn không tin vào Chúa Trời nữa, bạn sẽ tin bất cứ thứ gì.
Trong một thời gian khá dài, các nhà phê bình bảo thủ từng công kích cái ý tưởng ngông cuồng rằng mỗi đứa bé còn đang đi vườn trẻ sẽ phải trở nên sáng tạo. Hai mươi năm trước, trong cuốn “Sự kết thúc của tư tưởng Mỹ”, giáo sư Allan Bloom từng nhận định rằng khả năng sáng tạo cho đến mãi gần đây vẫn là một thuộc tính của Chúa Trời, chứ không phải của con người. Đòi hỏi mỗi con người phải có thuộc tính sáng tạo thì cũng y như nói rằng mỗi con người là một ông trời con.
Nhưng chúng ta phải hiểu cái gì là tính sáng tạo đây? Trong khoa học và toán học, điều này phải được quy vào các phát minh thực sự kỳ dị, tức là, không thể nào rút ra được từ bất kỳ kiến thức nào có từ trước đó.
Chúng ta có thể phải hỏi: Trong toàn bộ lịch sử của nghệ thuật và khoa học, có bao nhiêu người là không thể thiếu được tới mức mà lịch sử sẽ không như hiện giờ nếu không có các đóng góp của họ? Có nhiều điều có thể tranh cãi ở đây, song thật khó mà tìm được hơn một tá tên tuổi. Châu Âu chẳng tiến bộ gì nhiều trong toán học ngoài các đóng góp của Archimedes xứ Syracuse cho đến khi Isaac Newton và Gottfried Leibniz sáng tạo ra phương pháp tính vi phân - tích phân. Trước Nicolaus Copernicus và Johannes Kepler, châu Âu dựa trên các công trình từ thế kỷ thứ nhất của Ptolemy. Sau Kepler chỉ có Newton, và sau Newton chỉ có Albert Einstein mới thay đổi cơ bản quan đểm của chúng ta về chuyển động của các hành tinh. Các học giả hiện còn đang cãi lộn rằng giả dụ không có Einstein thì liệu có ai khác có thể phát minh ra thuyết tương đối hẹp không, nhưng có vẻ như đều đồng ý rằng thuyết tương đối rộng chưa hề có tiền lệ.
Có bao nhiêu nhà soạn nhạc thực sự sáng tạo ra âm nhạc cổ điển phương Tây?
Nếu các thế hệ tương lai chỉ biết khoảng một tá tên tuổi, họ sẽ vẫn hiểu rằng cái gì là thực sự cơ bản đối với loại hình nghệ thuật này. Chúng ta có thể tranh cãi về nguồn gốc của các thiên tài khoa học hay nghệ thuật, song chúng ta phải đồng ý rằng đó là hiện tượng cực kỳ hiếm hoi. Trong số hàng trăm nhà soạn nhạc được tuyển dụng như các nhạc sĩ cung đình hoặc giáo hội trong thời của Johann Sebastian Bach, ngày hôm nay chúng ta chỉ còn nghe được tác phẩm của một nhúm người. Các nhạc sĩ thế kỷ 18 không hề phấn đấu trở thành thiên tài, mà để có một tay nghề chắc chắn; làm thế nào mà Bach lại nổi lên giữa đám người đó là một điều không có một giải thích nhất quán. Đối với số còn lại, chúng ta có thể nói chắc chắn rằng nếu không có một Georg Phillip Telemann (một người đương thời thành công hơn Bach) thì một ai khác sẽ làm việc của ông ấy mà chẳng có mất mát nhiều về hình thức nghệ thuật.
Nếu chúng ta dùng từ “sáng tạo” để chỉ cái gì đó đại loại như “không thay thế được”, thì số cá nhân thực sự sáng tạo sẽ còn ít hơn nhiều. Rất khó có khả năng là bạn là một trong số họ. Nếu bạn lao động chăm chỉ trong chuyên môn của bạn, bạn rất may mắn có khả năng nối bước những gì mà những người tài giỏi nhất trong lĩnh vực đó đang làm, và nếu bạn cực kỳ giỏi, bạn có thể được hưởng cái ân huệ trau chuốt thêm những điểm đã được các bộ óc vĩ đại hơn chỉ ra. Cho dù điều đó có ích đến mấy đi chăng nữa, rất ít khả năng là nếu bạn không làm, thì sẽ chẳng có ai làm việc đó. Ngược lại, nếu bạn ở vị trí mũi nhọn trong nghiên cứu ở bất kỳ lĩnh vực nào, bạn sẽ làm mọi cách để công bố công trình của bạn càng nhanh càng tốt, để bạn có thể kể công trước khi có ai khác sẽ làm đúng y hệt như vậy. Ngay cả những bộ óc thông minh nhất trong chuyên môn cũng thường phải sống trong lo sợ rằng họ sẽ trở thành thừa nếu những kẻ khác công bố kết luận của họ trước.
Bach đề tặng mỗi tác phẩm của mình: “Vinh quang thuộc về Chúa Trời,” và cứ nhất định (một cách sai lầm) rằng bất kỳ ai làm việc chăm chỉ như mình đều có thể đạt được kết quả tốt như vậy. Ông hài lòng làm một người thợ siêng năng phục vụ Chúa Trời, và không có mục đích trở thành thiên tài; đơn giản vì ông đã là một thiên tài rồi. Đó là điểm khởi đầu của con người có đức tin. Người ta không sắp đặt để thành thiên tài, mà là để phục vụ (Chúa Trời); những năng khiếu khác thường là một trách nhiệm được sinh ra kèm với tính khiêm nhường. Sự kiếm tìm thiên tài xảy ra khi việc phục sự Chúa Trời không còn hấp dẫn các nghệ sĩ và nhà khoa học nữa.
Friedrich Nietzsche tuyên bố Chúa Trời đã chết, và nghệ sĩ xuất hiện như một người anh hùng, dùng hình mẫu của Richard Wagner, mà giá trị nghệ thuật của ông chúng ta có thể còn phải tranh luận. Wagner có phải thiên tài không còn là việc phải bàn, song không có nghi ngờ gì rằng những người hâm mộ Nietzsche chẳng phải là các Wagner, chứ chưa nói đến các Bach. Theo hình dung của Nietzsche, giải phóng mình khỏi quy ước tức là sáng tạo ra thế giới nghệ thuật của riêng mình, nhưng rất ít nghệ sĩ có khả năng sáng tạo ra thế giới nghệ thuật của riêng mình. Điều này làm cho mọi người lâm vào tình trạng khó chịu.
Để thỏa mãn các tham vọng của các nghệ sĩ, thế kỷ 20 biến sự phát kiến của thế giới nghệ thuật thành một quy trình sản xuất đại trà. Thay vì thế giới thợ lành nghề khiêm nhường của Bach, giới nghệ thuật chia thành các trào lưu. Để được xem xét đàng hoàng trong thế kỷ 20, nghệ sĩ phải sáng chế ra phong cách của riêng mình và ngôn ngữ của riêng mình. Các nhà phê bình reo rắc sự khinh bỉ của mình lên các nghệ sĩ chỉ lắp lại những sản phẩm đặc trưng cho quá khứ, và ca ngợi các nhà sáng lập ra các trường phái như: Ấn tượng, Lập thể, Sơ khai, Trừu tượng Biểu hiện, và vân vân.
Nếu không được giới giàu có bảo trợ, nghệ thuật hiện đại đã chẳng thành công; hàng ngày chúng ta đọc các kỷ lục mới về giá tranh của thế kỷ 20, ví dụ nhà tài phiệt truyền thông David Geffen đã bán một bức tranh của Jackson Pollock với giá khoảng 140 triệu USD. Những người rất giàu có thích tự tâng bốc rằng họ là các thiên tài, và rằng kỹ năng hoặc sự may mắn của họ trong việc kinh doanh âm nhạc hoặc chương trình máy vi tính khiến họ đủ tư cách làm trọng tài của thẩm mỹ. Những doanh gia thành công thường cực kỳ khôn ranh, nhưng họ có khuynh hướng thành các nhà bác học ngốc nghếch, có thể nhìn thấu một vài chi tiết của kỹ nghệ để tạo ra nhiều của cải, nhưng chẳng có tí quan niệm gì về những vấn đề nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn trực tiếp của họ. Vì cả thế giới hùa nhau tâng bốc giới giàu có, những người giàu có xu hướng nghĩ về mình như những ông trời con hơn là những người bình thường, và dễ lây nhiễm sự tôn sùng sáng tạo trong nghệ thuật.
Một tầng lớp các nhà phê bình mới đã làm bà đỡ cho sự ra đời của các con quái vật này. Tôi lấy làm lạ trong bài tiểu luận nêu trên trước một sự thực là sao những khách đi xem bảo tàng trầm trồ thán phục những giọt màu vẩy lung tung của Jackson Pollock, nhưng không bao giờ chịu nghe một tác phẩm nhạc 12 quãng của Arnold Schönberg tại phòng hoà nhạc. Nhạc trưởng Ngài Thomas Beecham từng nói một câu nổi tiếng rằng công chúng không thích âm nhạc mà chỉ thích cái cách mà nó vang lên thôi. Trong trường hợp của Pollock, công chúng chẳng thích cả bức tranh lẫn cái cách mà nó được trưng ra; cái mà họ thích là cái ý tưởng mà hoạ sĩ trong sự ngạo mạn của mình có thể định nghĩa lại thế giới bằng cái cách của riêng ông ta.
Làm một nhân vật quan trọng trong cái hệ thống suy đồi này có nghĩa là huơ nắm đấm trước mặt Chúa Trời và xác lập thế giới bé nhỏ của riêng mình, cho dù cái thế giới đó có cù lần, lòe loẹt và nực cười đến mấy đi chăng nữa. Thiếu tính sáng tạo tức là tuyệt vọng. Thành ra sức thu hút của hằng hà sa số các trào lưu tư tưởng trong nghệ thuật tạo cho các nghệ sĩ đang tuyệt vọng một ảo tưởng về sự sáng tạo. Nhưng đó cũng không phải đúng lắm, vì Đức Chúa Do Thái – Ki tô giáo còn hơn cả nhà sáng tạo; Chúa Trời là một nhà sáng tạo yêu những sinh linh mà Người đã sáng tạo ra.
Trong thế giới của đức tin có một con đường hoàn toàn khác để làm người cần thiết, và con đường đó là qua các hành động tử tế và sự giúp đỡ. Một người mẹ là cần thiết cho đứa con của bà cũng như vợ chồng bạn bè là cần thiết cho nhau. Nếu ta bỏ qua cái tham vọng làm lại thế giới theo ý của ta, và chấp nhận rằng thế giới này là sáng tạo của Chúa Trời, thì tỏ lòng yêu thương đồng loại chính là noi theo Chúa Trời vậy.
Trong sự đòi hỏi tự thờ phụng chính mình các nghệ sĩ thế kỷ 20 đã sa đọa tới mức phi nghệ thuật cùng cực để tự an ủi mình rằng họ thực sự đã sáng tạo. Bị thôi thúc tự thờ phụng mình thay vì thờ phụng Chúa Trời, họ đã đẻ ra các ý tưởng nực cười, và chắc chắn là quái dị vượt xa các nhược điểm mà người ta gán cho tôn giáo. Sự tôn sùng tự biểu hiện của cá nhân là một thay thế đáng thương cho tôn giáo mà nó phấn đấu nhằm thay thế, và ảo tưởng về tính sáng tạo cá nhân còn là một sự thay thế tồi tệ hơn cho sự cứu rỗi.