Giống như đa số các nhà soạn nhạc lớn, Dvořák không thực sự tỏ ra hào hứng với cây đàn Cello. Cá nhân ông còn không ít lần bày tỏ việc không hứng thú với việc sáng tác cho nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc. Do đó, ông chỉ viết một bản concerto cho 2 nhạc cụ phổ biến nhất trong giới classical là piano và violin. Trong đó, bản violin concerto của ông rất được ưa thích, đặc biệt với thính giá Trung - Đông Âu. Thực ra, khi 24 tuổi (năm 1865), Dvořák đã viết một bản cello concerto in A Major theo đề nghị từ của Ludevít Peer, một nghệ sĩ cello đồng nghiệp trong dàn nhạc Provisional Theatre Orchestra ở Praha (nơi Dvorvák đã chơi viola một thời gian). Tuy nhiên, Dvořák cho rằng nó rất kém cỏi và vô giá trị. Bản thảo viết tay của tác phẩm này chỉ được tìm thấy 21 năm sau khi ông qua đời. Nhà soạn nhạc người Đức Günter Raphael đã chỉnh sửa lại bản concerto như ông tưởng tượng rằng Dvorvák có thể đã tự mình thực hiện nếu ông quay lại với tác phẩm. Đây có thể coi là Cello concerto số 1 của ông.
Theo lời kể của con trai ông, Otakar, Dvorvák không thích đàn cello, "
vì nó nghe giống như lẩm bẩm quá. Nó rên rỉ ở phía trên và cằn nhằn ở phía dưới ....". Ông ấy cho rằng Cello chỉ nên chơi trong dàn nhạc hơn là một nhạc cụ độc tấu.
Sự ra đời của Cello Concerto in B minor, Op. 104, B. 191, bản concerto cho cello được yêu thích nhất thế giới đã đến như một cú sốc đối với cha đẻ của nó. Vào ngày 10 tháng 12 năm 1894, Dvorvák đã viết cho người bạn của mình là Alois Göbl:
'Tôi thực sự đã hoàn thành phần đầu tiên của một bản Concerto cho violoncello!! Đừng ngạc nhiên về điều này, tôi cũng rất ngạc nhiên và ngạc nhiên vì tôi đã quyết tâm thực hiện công việc như vậy.’ Trên thực tế, bản concerto gần như được viết cho piano hoặc violin. Đối với nhạc cụ cuối cùng của bản concerto, chúng ta phải cảm ơn nghệ sĩ cello người Séc - Hanuš Wihan (1855–1920) đã kiên định truyền cảm hứng và thậm chí hợp tác trong quá trình sáng tác tác phẩm. Nhưng chúng ta cũng phải biết ơn ba nguồn cảm hứng âm nhạc khá khác biệt và không ngờ tới: một loạt thác nước tráng lệ; một nhà văn hài kịch ca nhạc người Mỹ gốc Ireland; và một nữ bá tước người Séc ốm yếu. Dvorvák đã dành phần lớn thời gian từ cuối năm 1892 đến đầu năm 1895 ở Mỹ, giảng dạy tại Nhạc viện Quốc gia mới thành lập ở New York. Năm 1893, trên đường trở về New York sau một mùa hè vui vẻ với cộng đồng người Séc ở Spillville, Iowa, ông đã đến thăm thác Niagara. Có thông tin cho rằng Dvorv ák,đã đứng như bị thôi miên trong năm phút, kêu lên:
'Lạy Chúa, đây sẽ trở thành một bản giao hưởng ở cung Đô thứ.' Bản giao hưởng số 9 vĩ đại của ông cũng được hoàn thành vào thời điểm đó. May thay, bản số 10 đã không ra đời. Sự hùng vĩ, hào hùng và cao quý trong giây phút thăng hoa đó của Dvorvák đã chuyển vào bản Cello Concerto cung Si thứ và không có gì ngạc nhiên khi nhiều người vẫn coi nó là bản giao hưởng số 10 của ông.
Vài tháng sau, những ý tưởng của Dvorvák về những thất bại của đàn cello với tư cách là một nhạc cụ độc tấu đã bị thách thức khi ông ấy tham dự một buổi hòa nhạc buổi biểu diễn ra mắt bản cello concerto số 2 giọng Mi thứ, Op. 30 của nhà soạn nhạc, nghệ sĩ cello Victor Herbert tại New York vào ngày 9/3/1894. Herbert là đồng nghiệp của Dvořák tại National Conservatory of Music of America, New York, nơi Herbert dạy cello và ông cũng là bè trưởng bè cello tại New York Philharmonic Society. Ông được biết đến nhiều hơn với các vở hài kịch ca nhạc như Babes in Toyland. Herbert đã tự mình chơi phần độc tấu trong tác phẩm mới này. Herbert cho biết bản giao hưởng số 9 “Từ thế giới mới” của Dvořák đã truyền cảm hứng cho mình, một bằng chứng là 2 tác phẩm đều ở giọng Mi thứ. Theo lời kể lại của một người bạn thì Dvořák vô cùng ấn tượng với nhạc cụ độc tấu
“đặc biệt tại một thời điểm, chỗ mà Herbert sử dụng 3 trombone nhưng khéo léo tới mức không hề che khuất cello mà ngược lại còn tôn lên vẻ đẹp của nhạc cụ độc tấu”. Dvořák chắc hẳn rất hứng thú với tác phẩm của Herbert, ông đã đi nghe lại vào ngày hôm sau và còn mượn tổng phổ về để nghiên cứu chi tiết thêm. Và sau đó, khi đã bắt tay vào sáng tác bản concerto của riêng mình, cảm xúc của Dvorvák càng dâng cao khi ông biết tin về căn bệnh của chị dâu Josefina, Nữ bá tước Kounic, ở Bohemia. Dvorvák, giống như Mozart và Haydn, đã yêu em gái của vợ mình trước khi kết hôn.
Trong chương 2, chúng ta có thể cảm nhận được nỗi nhớ nhà của Dvorvák đối với xứ Bohemia yêu dấu của mình. Nỗi nhớ nhung và tình yêu thiên nhiên dường như bao trùm mọi nốt nhạc, đặc biệt là trong chủ đề mở đầu nhẹ nhàng, và trong tiếng chim hót mà chúng ta nghe thấy trong phần cadenza. Cũng chính trong chương này, chúng ta cảm nhận rõ nhất sự hiện diện của Josefina. Dvorvák trích dẫn từ một bài hát của chính ông ấy mà Josefina luôn yêu thích - Last mich allein (Hãy để tôi yên), Op 82 No 1. Một tháng sau khi Dvorv ák trở lại Bohemia, Josefina qua đời. Để tưởng nhớ nàng, Dvorvák đã hoàn toàn thay đổi phần cuối, kéo dài đoạn coda (vỹ thanh). Sau ô nhịp 448, ông đã thay thế 4 ô nhịp bằng một phần mới gồm 64 ô nhịp, sau đó là một coda nguyên bản gồm 8 ô nhịp. Cho đến nay, đoạn coda nguyên bản đã thất lạc và người ta vẫn tranh luận về phiên bản được Wihan công bố sau đó.
Trong cách biểu hiện về tổng thể, bản cello concerto về cơ bản là khác biệt với các tác phẩm chính khác trong thời kỳ “Mỹ” của nhà soạn nhạc. Đó không phải là thứ âm nhạc được viết dưới ảnh hưởng lớn của môi trường mới xung quanh như bản giao hưởng “Từ thế giới mới”, cũng không phải sự biểu lộ niềm hạnh phúc và sự thoả mãn như trong Tứ tấu đàn dây số 12 “American” giọng Pha trưởng, Op. 96. Tông màu chính của tác phẩm là u buồn nhưng không hề có chút cam chịu nào trong vô vọng. Đây là một trong những tác phẩm sâu sắc và nhiều tâm tư nhất của Dvořák, một tác phẩm mang tính chiêm nghiệm thâm thuý nhưng lại có tính biểu đạt đồ sộ và không thiếu sự phóng khoáng. Nó cũng khác 2 bản concerto còn lại của Dvořák khi nhấn mạnh hơn nữa sự hiện diện của dàn nhạc, đạt đến sự cân bằng với nghệ sĩ độc tấu xuyên suốt tác phẩm. Trong phần độc tấu, Dvořák được coi như đã khai thác toàn bộ âm thanh mà một cây cello có thể tạo ra. Bản thân Dvořák nhận thức rõ chất lượng rất cao của tác phẩm, dựa trên những trao đổi thư từ còn sót lại của ông. Ngày 11/3/1895, ông thông báo cho nhà soạn nhạc Josef Bohuslav Foerster:
“Tôi vừa hoàn thành một cello concerto và tôi nói với anh rằng chắc chắn tác phẩm này vượt xa cả 2 bản concerto kia của tôi. Đừng ngạc nhiên khi tôi viết điều này cho anh, tự sướng thật không đáng tin cậy nhưng tôi phải nói với anh rằng tác phẩm này mang lại cho tôi niềm vui thuần khiết và tôi nghĩ rằng mình sẽ không nhầm”.
Dvořák đã từng hoài nghi cello, từng vứt bỏ 1 bản thời trẻ và giờ đây ông đã có một trong những cello concerto tuyệt diệu nhất trong kho tàng nhạc cổ điển của nhân loại. Và Brahms khi lần đầu chứng kiến tác phẩm này đã thốt lên:
“Tại sao tôi không biết trên thế giới lại có một người sáng tác được một cello concerto như thế này? Nếu biết, tôi đã thực hiện nó từ lâu rồi”.