Âm nhạc kỷ nguyên Baroque (1600-1750) độc tôn vai trò của cây đàn violin. Nhạc Baroque rất dynamic (độ động lớn), thường đột ngột thay đổi cường độ từ êm ái sang mạnh mẽ và ngược lại, không những làm người nghe ngạc nhiên mà còn nhấn mạnh ý tưởng âm nhạc một cách hiệu quả. Các tác giả cũng thường hay lập lại một đoạn nhạc ngắn (motif) trong dòng nhạc chính nhưng thay đổi chúng liên tục làm người nghe thích thú. Điểm quan trọng trong nhạc Baroque là thường có thêm "ornamentation" (đèn trang trí) - là những nốt nhạc được thêm vào đoạn nào đó trong giai điệu chính làm nó nghe hay hơn, liên tục hơn, réo rắc hơn... Chính những "ornament" này làm các fan thích nghe nhạc Baroque hơn các nhạc classic khác. Và "đèn trang trí" lộng lẫy nhất chính là kỹ thuật trill (láy nền) trên cây vỹ cầm - violin.
Có hai kỹ thuật láy là láy dài và láy ngắn.Nhưng dù là kỹ thuật nào thì cũng cần sự thích ứng phù hợp giữa bàn tay và sức mạnh cơ bắp nhờ sự chuyển động nhanh, linh hoạt của ngón tay và sự dẻo dai, bền bỉ để thực hiện liên tục như một chiếc chuông điện. Có một số ngón tay được trời phú trở lên dễ dàng thực hiện những đoạn trill dài. Nhưng có những ngón tay kém may mắn hơn, mặc dù siêng năng luyện tập vẫn không bao giờ chơi trill được một cách thành thạo. Vì thế, Wilhelmj - một nghệ sĩ vĩ cầm vĩ đại nổi tiếng bởi có thể chất dẻo dai lại không giỏi kỹ thuật trill và staccato. Ngược lại Wieniawski, Sarasate chơi được trill từ sớm và thậm chí chơi được những đoạn trill rất dài, tạo nên một yếu tố tuyệt vời trong kỹ thuật chơi của họ. Joachim chủ yếu tỏa sáng bằng những đoạn trills ngắn, lắng đọng. Do đó ông đã chơi đoạn allegro trong bản sonata lừng danh của Tartini, được biết đến với tên gọi là
"The Devil's Trill" - dựa trên kỹ thuật láy ngắn ( short trill) với sự vượt trội không ai có thể bắt chước được. Nhưng...đó là những huyền thoại được kể lại mà chúng ta không có may mắn được thưởng thức. Nhưng..., lại nhưng, giới hâm mộ nhạc classic cuối thế kỷ 20 vẫn rất may mắn vì họ có Anne-Shopie Mutter. Kỹ thuật trill hoàn hảo cũng khiến tiếng violin của của chị cũng không ai bắt chước được... và đương nhiên, nhất là với bản sonata Devil's Trill...
Giuseppe Tartini sinh ngày 8 tháng 4 năm 1692 tại Pirano. Cha mẹ ông dự tính tương lai cho con trai mình là trở thành một linh mục dòng Francis và nhờ thế Tartini đã được đào tạo âm nhạc cơ bản. Không như những nhà soạn nhạc cùng thời, Tartini không viết opera hay bất kỳ một thể loại âm nhạc nhà thờ nào. Trước khi có Paganini, Tartini được coi là nghệ sỹ violon vỹ đại nhất thế giới nên hầu hết tác phẩm của Tartini được viết cho đàn violon. Ông đi theo những nguyên tắc hình thức của Vivaldi nhưng viết nên thứ âm nhạc có thể phô diễn được kỹ thuật chơi đàn đỉnh cao của mình.
Có lẽ tác phẩm nổi tiếng nhất của Tartini chính là Sonata Devil's Trill - Âm láy ma quỷ, viết cho violon cùng phần đệm basso continuo, đòi hỏi không chỉ kỹ thuật chơi violon cực khó, ngay cả với thời nay, mà còn cả mức độ biểu cảm nội tâm sâu sắc – một của hiếm vào thời Baroque nhưng lại rất phổ biến trong thời kỳ Lãng mạn 100 năm sau. Sonata Âm láy ma quỷ được xuất bản lần đầu năm 1798, hai mươi tám năm sau khi tác giả qua đời. Rất nhiều giai thoại được dựng lên xung quanh cái tên và nguồn gốc ra đời tác phẩm. Nhưng giai thoại nào cũng cho rằng bản Sonata này khởi nguồn từ một giấc mơ.
Nào là trong một giấc mơ của Tartini khi ông ẩn náu tại tu viện Assini, quỷ sứ đã hiện lên ở chân giường ông và chơi một bản sonata. Lúc thức dậy, ông đã sáng tác một bản sonata cho đàn violon, mô phỏng tác phẩm mà ông đã nghe quỷ sứ chơi trong giấc mơ. Theo một giai thoại khác thì chính Tartini đã kể với nhà thiên văn học Jérôme Lalande rằng ông mơ thấy quỷ sứ hiện ra và đề nghị được làm người phục vụ ông. Cuối những bài học giữa họ, Tartini trao cho quỷ sứ cây đàn violon của mình và kiểm tra kĩ năng chơi của nó – ngay lập tức qủy sứ chơi đàn với một trình độ bậc thầy khiến Tartini như nghẹt thở. Khi Tartini thức dậy, ông lập tức chép lại bản sonata, cố gắng nắm bắt được những gì ông nghe được trong giấc mơ.
Tuy rất thành công khi biểu diễn Sonata Âm láy ma quỷ trước các thính giả của mình nhưng Tartini vẫn luôn khẳng định: “
còn thua xa so với những gì tôi đã được nghe” và “nếu tôi có thể kiếm sống bằng phương tiện khác, tôi đã đập cây đàn violon và từ bỏ âm nhạc mãi mãi”.
Phần lớn bản sonata mang những đặc trưng hoàn toàn theo thông lệ sonata thời bấy giờ. Tấn bi kịch nội tâm được thể hiện qua những giai điệu bóng bẩy, những nốt láy duyên dáng ngập tràn trong tác phẩm. Yếu tố âm nhạc liên quan đến cái tên của tác phẩm xuất hiện ở đoạn cadenza chói sáng gần cuối tác phẩm. Nghệ sỹ vĩ cầm kiêm nhà soạn nhạc nổi tiếng Fritz Kreisler đã biên soạn lại đoạn cadenza này và nó nổi tiếng đến độ giới mộ điệu gọi nó là
cadenza bravura với kĩ thuật trill rất khó vì đòi hỏi violinist phải rung trên một dây đàn trong khi phải lướt nốt thật nhanh trên một dây khác. Và còn kinh khủng hơn khi soloist phải chơi 02 quãng tám cùng một lúc. Sau đoạn cadenza khá dài, bè basso continuo tham gia trở lại trong ít nhịp cuối cùng đầy kịch tính. Cao trào đấu tranh nội tâm vừa mới qua nhưng câu trả lời cuối cùng vẫn chưa hề xuất hiện.
Devil's Trill dường như được sinh ra cho Anne-Shopie Mutter. Chị biểu diễn tuyệt phẩm này rất nhiều nhưng ghi âm chính thức chỉ có 02 phiên bản chính. Album Vivaldi The Four Season/Tartini The Devill's Trill (năm 1995) do chị trực tiếp chỉ đạo với nhóm Trondheim Soloists chơi bè đệm bass continue, trung thành với phiên bản gốc. Trong album Carmen-Fantasie (1993) với dàn nhạc Wiener Philharmoniker và nhạc trưởng James Levine, bản sonata này được trình diễn hoành tráng theo như một bài thơ giao hưởng - symphonic poem. Đây cũng là phiên bản được đánh giá hay nhất khi được tái bản liên tiếp vào năm 2005 với định dạng DSD và năm 2015 với định dạng FLAC hi-res. Rất tiếc, trên Youtube lại ko có bất cứ phiên bản nào và Youtube hay các hệ thống bình thường cũng ko thể diễn tả được tới 10% linh hồn của tác phẩm. Các cụ các mợ chịu khó nghe phiên bản ghi âm khá tốt của Ray Chen... nếu thích thì pm cho em lấy bản Mutter xịn...
Và...hãy chú ý từ phút thứ 11'30''..