Hôn nhân mà không cóc tình yêu thì không phải là hôn nhân và tình yêu đích thực là tình yêu soi sáng hôn nhân! Vậy tình yêu đích thực là thứ tình yêu như thế nào? Liệu có phải là một sự say mê một người đàn ông hay một người đàn bà nào đó hơn tất cả những người còn lại? Thế thì sự say mê đó kéo dài trong bao lâu? Là vài giờ, vài tháng, vài năm hay cả đời? Nếu cho rằng có người đàn ông yêu người đàn bà nào đó cả đời, thì cái người đàn bà đó chắc chắn sẽ yêu một người đàn ông khác, mọi chuyện vẫn đang diễn ra. Đó phải chăng là thứ tình yêu thể xác?
Còn thứ tình yêu đẹp hơn thì sao, tình yêu dựa trên sự hòa hợp tình thần, thống nhất tư tưởng, có hay không? Nếu là có, thì việc gì con người ta phải ngủ chung với nhau? Vậy thì, hôn nhân chỉ là sự lừa dối dù đã từng tồn tại và vẫn đang tồn tại?
Trong hôn nhân, chồng và vợ cùng nhận lãnh một trách nhiệm có tính hình thức là phải sống với nhau suốt đời, trong khi đó sau một thời gian họ lại muốn bỏ nhau, nhưng cứ phải sống tiếp như thế. Chính vì điều đó mà con người ta đâm ra đầu độc bản thân mình và đầu độc lẫn nhau. Đó là những hồi bi thảm trong cuộc sống hôn nhân.
Sự phóng đãng của con người làm sinh sôi những bệnh tật, con người này tiếp tay cho con người kia thực hiện những hành vi của mình. Trong vòng xoáy điên cuồng đó, kẻ phóng đãng dần dà trở thành kẻ trụy lạc. Những kẻ như thế khi xuất hiện ở một đám đông trong thân hình sạch bóng, mày râu nhẵm nhụi, nước hoa thơm phức… thì lại trở thành biểu tượng của sự trong sạch! Được đón tiếp và hoan nghênh dù người ta biết đối tượng của mình là ai. Những kẻ trụy lạc lại muốn tìm những cô gái xinh đẹp trong trắng làm vợ, vì như thế mới xứng với mình! Những thiếu nữ bất hạnh bị lừa dối, còn những bà mẹ thì sao? Họ biết hay không?
Phụ nữ bị tước đoạt cái quyền mà đàn ông có, quyền định đoạt, quyền lựa chọn… Để đền bù lại cái quyền đó, họ tấn công vào nhục cảm của đàn ông, dùng nó mà khuất phục anh ta, làm cho anh ta chỉ được lựa chọn về hình thức, trên thực tế thì họ là người lựa chọn! Cái quyền đó có ở khắp nơi. Thế là người đàn ông bị đánh bẫy, một cái bẫy hoa mỹ với cái tên là đang yêu. Và hôn nhân là bến đỗ tiếp theo, giống nòi được duy trì.
Loài người phải tiếp tục nòi giống để làm gì?
Để có chúng ta.
Chúng ta tồn tại để làm gì?
Để sống!
Thế sống để làm gì?
Nếu như sống chẳng có mục đích nào, nếu như sống chỉ để sống. Nếu như sống có mục đích thì phải chăng cuộc sống phải chấm dứt khi mục đích đã đạt được. Nếu mục đích sống của loài người là hạnh phúc, là tình yêu, là sự hòa hợp thì dục vọng là cái cản trở con người đi đến với mục đích đó. Trong số những dục vọng thì tình cảm giới tính và tình yêu xác thịt là những thứ vật cản lớn nhất. Qua bao thế hệ, mục đích vẫn chưa đạt được và như thế loài người còn chưa hòa hợp trong yêu thương.
Những người yêu nhau cùng sánh đôi bước tới hôn nhân, bắt đầu những ngày tốt đẹp và cả những điều tồi tệ. Những thứ không hay ho bắt đầu tuôn ra từ người này người kia, ban đầu chỉ coi là sự cố. Tần suất tăng dần, đó không còn là chuyện tình cờ nữa, nó đương nhiên phải như vậy và sẽ còn như vậy. Và, sau những lời tồi tệ dành cho nhau họ lại mỉm cười, ôm nhau… như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Người ta cứ sống như thế, thường xuyên trong đám mây mù để không nhìn thấy tình cảnh thực sự của mình. Họ - những kẻ tội đồ thù hận nhau bị xích chung trong cùng một cái xiềng, đầu độc nhau và cố gắng không nhận ra điều đó.
(Sưu tầm nha - không phải em )
Đó là những gì Lev Tolstoy "nhìn thấy" được trong những năm cuối thế kỷ 19, thể hiện qua tác phẩm tác phẩm
Kẻ giết vợ và ông ấy cho rằng nó thể hiển trong nội dung của Bản sonata cho piano và violin số 9 của Beethoven nên sau đổi tựa thành
Bản sonata Kreutzer.
- Họ chơi bản Sonata Kreutzer của Beethoven. Ngài có biết khúc presto mở đầu bản nhạc đó không? Ngài biết à?! - Anh ra reo lên. - Ôi! Bản nhạc đó thật là ghê gớm. Nhất là phần đầu. Mà nói chung âm nhạc là cái thật ghê gớm. Nó là cái gì? Tôi không hiểu. Âm nhạc là cái gì? Nó tạo nên cái gì? Tại sao nó lại tạo nên cái đó? Người ta bảo âm nhạc nâng cao tâm hồn - đó là điều nhảm nhí, không đúng. Âm nhạc có gây tác động, đó là tôi nói tác động đến tôi, nhưng không phải là làm tâm hồn thanh cao hơn. Âm nhạc không nâng cao, cũng chẳng hạ thấp tâm hồn, mà nó kích thích người ta. Nói thế nào cho ngài hiểu nhỉ? Âm nhạc buộc tôi quên bản thân, quên đi tình cảnh thực sự của mình, nó mang tôi đến một tình trạng khác không phải của mình: dưới tác động của âm nhạc, dường như tôi cảm thấy được cái mà bình thường tôi không cảm thấy, tôi hiểu đươc cái mà bình thường tôi không hiểu, tôi có thể làm được cái mà bình thường tôi không thể. Tác động của âm nhạc cũng giống như người ta ngáp hay cười vậy: tôi không buồn ngủ, nhưng khi nhìn người khác ngáp tôi cũng ngáp theo; không có gì để cười, nhưng nghe người khác cười tôi cũng phải cười theo. Âm nhạc cũng vậy, ngay lập tức, nó đưa tôi vào trạng thái tinh thần của người nhạc sĩ khi viết bản nhạc. Tâm hồn tôi hòa vào tâm hồn ông ta, cùng ông ta đi từ trạng thái tình cảm này sang trạng thái tình cảm khác, nhưng vì sao lại như vậy thì tôi cũng không biết nữa.
Cái ông nhạc sĩ Beethoven đã viết nên bản Sonata ấy, ông ta thì biết vì sao ông ta ở trong trạng thái tình cảm đó, trạng thái đó đưa ông ta đến hành động viết nên những nốt nhạc, có nghĩa là đối với ông ta trạng thái đó mang ý nghĩa nào đó, còn đối với tôi thì nó chẳng có ý nghĩa nào cả. Bởi vậy âm nhạc chỉ kích thích và không ngừng lại. Khi người ta dạo khúc quân hành, những người lính bước đều chân trong hàng ngũ, rồi sau đó kết thúc; khi nghe điệu nhạc nhảy, người ta cũng nhảy theo, và điệu nhạc đó đưa đến kết quả; khi nghe hát trong lễ mi-sa, người ta chịu lễ ban thánh thể, âm nhạc lúc đó cũng đạt đến đích. Nhưng ở đây thì khác, ở đây chỉ có sự kích thích và không biết phải làm gì với trạng thái kích thích đó. Vì điều đó mà âm nhạc đôi khi có tác động hết sức khủng khiếp. Ở Trung Hoa âm nhạc là công việc của nhà nước. Mà cần như thế mới được. Chẳng lẽ có thể để cho bất cứ ai hễ thích là được thôi miên kẻ khác và sau đó tha hồ làm gì người ta thì làm hay sao. Nhất là nếu như kẻ hành nghề thôi miên đó lại là một kẻ vô đạo đức thì sẽ ra sao?
Âm nhạc là vũ khí khủng khiếp trong tay kẻ biết nắm giữ nó. Như bản Sonata Kreutzer này chẳng hạn, nhất là đoạn presto đó. Có thể nào chơi đoạn nhạc đó trong phòng khách trước các bà mặc áo hở vai được chăng? Nghe xong, các bà vỗ tay, rồi sau đó ăn kem và nói những lời đàm tiếu. Loại nhạc như vậy chỉ có thể biểu diễn trong những khung cảnh trang nghiêm, long trọng, đồng thời đòi hỏi những người nghe phải có những hành vi cũng trang nghiêm xứng với nó. Phải trình diễn và làm theo những điều mà khúc nhạc đó thôi thúc. Còn nếu như diễn không đúng chỗ đúng lúc và có những ý muốn và tình cảm không phù hợp thì khúc nhạc đó không thể làm nên được gì ngoài sự hủy hoại. Ít nhất là đối với tôi, khúc nhạc đó có tác động thật khủng khiếp; dường như trong tôi mở ra những cảm xúc mới mẻ, những khả năng mới mẻ mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Cụ thể đó là những tình cảm gì, khả năng gì, tôi còn chưa rõ, nhưng ý thức về trạng thái mới mẻ đó làm tôi vui sướng. Vẫn những khuôn mặt đó, trong đó có vợ tôi và hắn, nhưng tất cả đối với tôi hiện ra dưới ánh sáng hoàn toàn khác hẳn.