Có kiếp sau không hả các cụ, mợ?
Kiếp sau mà không nhớ kiếp trước, kiếp trước không biết gì về kiếp sau thì có thì cũng như là không nhỉ
Hàng phàm phu đều bị mê khi nhập thai hết cụ ạ: CÒn các vị khác tùy công phu tu hành mà ba giai đoạn nhập thai - trụ thai và xuất thai bị mê khác nhau:
Tùy theo mức độ tu hành sâu hay cạn, quả chứng cao hay thấp, nghiệp lực nhẹ hay nặng giữa kẻ phàm người thánh mà có kết quả nhập thai trụ thai và xuất thai của mỗi loài hoàn toàn khác nhau. Nói cách khác. Chúng ta có thể phân định thánh phàm căn cứ vào mức độ chánh niệm nhiều hay ít, có hay không giữa các loài khi trải qua trạng thái nhập thai - trụ thai và xuất thai.
Sự sai khác giữa các loài chúng sanh khi nhập thai, trụ thai và xuất thai như thế nào? Điều này trong Khế kinh nói rõ:
“Hàng phàm phu khi nhập thai, trụ thai và xuất thai đều bị hôn mê. Bậc Chuyển luân Thánh vương do phước báo lúc nhập thai thì biết lúc trụ thai và xuất thai đều bị hôn mê. Bậc Thanh văn do dứt sạch được kiến hoặc và tư hoặc nên nhập thai trụ thai thì biết lúc xuất thai vẫn bị hôn mê. Duy có bậc Bồ tát chứng Vô sanh pháp nhẫn lúc nhập thai trụ thai và xuất thai đều có thể tỉnh biết”.
Do vì hàng phàm phu tâm thức luôn động niệm bởi chạy theo những đối tượng ngoại duyên nên suốt ngày sanh tâm tham đắm. Vì thế, chúng phàm phu khi mạng chung chấm dứt giai đoạn thân tiền ấm chuyển sang giai đoạn thân trung ấm phần nhiều đều không biết mình đang ở giai đoạn thân trung ấm và không làm chủ được tâm. Lại do nghiệp lực đã tạo trong quá khứ cộng với ngoại duyên chi phối khiến cho tâm thức trung ấm luôn ở vào trạng thái hoảng hốt bất định. Giữa không trung mênh mông thấy đốm lửa dục loé lên từ nơi cha mẹ giao hợp, ngay lúc đó trung ấm sanh ái tâm sân tâm và liền nhập vào bào thai mẹ. Có nghĩa là giai đoạn nhập thai của phàm phu hoàn toàn rối loạn hoảng hốt, không có chánh niệm.
Giai đoạn khi ở trong bào thai mẹ tâm thức của phàm phu do bị sự giày vò của ái tâm sân tâm nhưng không có đối tượng để thỏa mãn khiến cho thai nhi sanh ra vô số niệm bất như ý. Lại thai nhi phải chịu sự tù túng của bào thai như ở trong tù ngục tối tăm xung quanh bao bọc đầy những chất máu mủ bất tịnh khiến thai nhi cảm thấy bức bách khó chịu vô cùng. Đến lúc đủ ngày tháng thai nhi phải lộn ngược đầu xuống để chun qua nữ căn của người mẹ mà ra. Trạng thái khổ sở lúc xuất thai của phàm phu cũng ví như người đầu phải lộn xuống đất hai chân đưa lên trời. Lại khi chun qua nữ căn người mẹ thai nhi cảm thấy như bị hai tảng đá nặng ngàn cân ép chặt vào thân… Cộng với máu mủ tuôn trào sự thay đổi môi trường, thời tiết khi mới xuất thai khiến thai nhi đau đớn vô ngần. Do vậy chúng phàm phu không những không có chánh niệm khi nhập thai mà ngay cả khi trụ thai và xuất thai cũng hoàn toàn không có chánh niệm thảy đều bị hôn mê.
Hàng Chuyển luân Thánh vương do thành tựu mười nghiệp lành và chứng đắc các cảnh giới thiền định, vị này do sức thiện nghiệp cao thiền định sâu nên đối với ái tâm sân tâm đã đoạn được phần thô. Nhờ sức nghiệp duyên và thiền định khiến cho giai đoạn từ thân tiền ấm chuyển sang giai đoạn thân trung ấm Chuyển luân Thánh vương có sự rõ biết.
Lại lúc trung ấm nhập thai do có sức định và hàng phục được phần phiền não thô, Chuyển luân Thánh vương có chánh niệm biết rằng: “Nay ta sẽ nhập vào bào thai của người này, người này có nhân duyên với ta nhiều đời trong quá khứ, ta sẽ sanh vào gia đình này làm con của họ, họ sẽ là cha mẹ ta…”. Nhưng bởi Chuyển luân Thánh vương sức thiền định có hạn lại do chướng duyên bên ngoài quá nhiều khiến vị đó khi trụ thai và xuất thai vẫn khổ đau không có chánh niệm tức không có sự tỉnh biết.
Vì thế kinh nói hàng Chuyển luân Thánh vương khi nhập thai thì biết khi trụ thai và xuất thai đều bị hôn mê.
Hàng Thanh văn (A La Hán) đã đoạn trừ được tám mươi mốt món Kiến hoặc và tám mươi tám món Tư hoặc tức các vị Thanh văn đã đoạn trừ được phần thô vô minh, vì thế tâm các Ngài luôn an trú nơi chánh định. Từ nơi chánh định để nhập thai nên khi nhập thai các Ngài hoàn toàn tỉnh biết. “Ta sẽ nhập vào bào thai này người này vốn có nhân duyên với Ta trong quá khứ. Ta sẽ làm con của họ và họ sẽ là cha mẹ của Ta”. Lại mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái của hàng Thanh văn không còn là mối quan hệ nhân duyên nghiệp báo như phàm phu mà là mối quan hệ nhân duyên thánh đạo của các bậc thánh giả.
Trong thời gian trụ thai, tâm của vị Thanh văn vẫn không rời khỏi chánh định. Thân các Ngài lại được bọc bằng túi gấm do chư thiên cúng dường nên không bị những chất bất tịnh từ trong bụng mẹ làm nhơ không phải chịu sự chi phối bức bách của ngoại duyên. Vì thế lúc trụ thai các Ngài hoàn toàn rõ biết… thân ở vào giai đoạn nào các vị đều rõ biết ở vào giai đoạn đó. Vị đó biết mình đang ở giai đoạn Yết bộ đàm, đang ở giai đoạn Bế thi, đang ở giai đoạn Kiền nam, đang ở giai đoạn Bát la xa khê, đang ở giai đoạn Phát mao trảo, đang ở giai đoạn Căn vị, đang ở giai đoạn hình thành con người. Nói chung, hàng Thanh văn khi ở vào giai đoạn nhập thai và trụ thai đều hoàn toàn tỉnh biết khác với chúng phàm phu và các vị Chuyển luân Thánh vương.
Tuy nhiên hàng Thanh văn mặc dầu dứt sạch được Kiến hoặc và Tư hoặc nhưng vẫn còn bị Trần sa hoặc và Vô minh hoặc chi phối. Do đó tâm các Ngài vẫn còn chút vi tế phiền não và sức thiền định vẫn còn giới hạn. Cho nên khi xuất thai do chướng duyên bên ngoài tác động các vị đó vẫn chưa làm chủ được nội tâm. Vì thế kinh nói hàng Thanh văn khi nhập thai, trụ thai đều có chánh niệm khi xuất thai vẫn còn bị hôn mê.
Còn các vị Bồ tát chứng Vô sanh pháp nhẫn thì khác. Tâm các Ngài hoàn toàn thanh tịnh không có chút phiền não vi tế làm cấu trược, sức thiền định các Ngài hoàn toàn kiên cố do vậy khi nhập thai các vị Bồ tát hoàn rõ biết bởi các Ngài tự nguyện nhập thai. Bồ tát nghĩ “Chúng sanh đang lặn hụp trong biển khổ sanh tử là do bởi vô minh và ái dục chi phối. Ta vì lòng từ bi thương tưởng vì đem sự giác ngộ đến cho chúng sanh mà nguyện thị hiện vào cuộc đời ác trược để hóa độ các hạng chúng sanh đáng thương đó”.
Lại trong thời gian trụ thai Bồ tát hoàn toàn chánh niệm, tâm Ngài trú nơi chánh định rất kiên cố. Bồ tát khi ở trong thai theo quan điểm của Tiểu thừa thì thân Bồ tát được bọc ở trong lớp gấm sạch do chư thiên cúng dường, còn theo quan điểm Đại thừa cho rằng khi ở thai mẹ Bồ tát nhập Ly cấu tam muội, dùng sức tam muội này thị hiện cung điện lớn bằng bảy báu trang nghiêm tốt đẹp thiên cung Đâu Suất không thể sánh kịp và Ngài an trụ trong cung điện đó. Do vậy khi ở trong thai Bồ tát không bị bao phủ bởi các chất bất tịnh như phàm phu lại không bị các chướng duyên bên ngoài bức bách. Hằng ngày có vô số chư thiên đem các thứ hương hoa, phan lọng, trổi các kỹ nhạc thượng diệu đến cúng dường Bồ tát và nghe Bồ tát thuyết pháp. Lại Bồ tát trước đó biết rõ “Đây là cha là mẹ có nhân duyên trong đời quá khứ với Ta, là cha là mẹ hay nuôi lớn thân Ta, Ta nương nơi cha mẹ mà thành Vô thượng Đẳng chánh giác”.
Và đến khi đủ ngày tháng xuất thai, Bồ tát không phải chịu sự thống khổ của việc lộn ngược cơ thể, không phải chịu sự bức bách khi chun qua nữ căn người mẹ. Với một trạng thái an tịnh đầy tự tại, một tình thương chúng sanh đang bị cuốn phăng trong thác ghềnh sanh tử vô hạn… Bồ tát từ trong thai mẹ bước ra nơi hông bên phải tâm an trú đại định. Bồ tát biết rằng “Ta sẽ sanh ra từ hông bên phải của người mẹ, sau khi sanh Ta sẽ đi bảy bước trên hoa sen, Long vương sẽ đem hai dòng nước nóng và mát đến tắm cho Ta, vô lượng chư thiên sẽ đem các hương, hoa, phan lọng, trổi các kỹ nhạc thượng diệu để cúng dường Ta… rồi Ta sẽ nói lời sau cùng khi sanh là ‘Trên trời dưới đất chỉ có một mình Ta là tôn quý nhất’ (Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn)”.
Như vậy Bồ tát Hộ Minh đã sạch mọi ái nhiễm, dứt hẳn vô minh, công đức tu hành nhiều đời đã mãn. Kiếp này Ngài phát nguyện thị hiện vào cuộc đời thành Phật để cứu độ chúng sanh, nên khi Bồ tát nhập thai, trụ thai và xuất thai đều có chánh niệm hoàn toàn khác với hàng phàm phu Chuyển luân Thánh vương và các thánh Nhị thừa không nhiều thì ít đều phải bị hôn mê.