Bác em lại đánh lộn chuyện con gà - quả trứng rồi. Việc dân nghiên cứu lý số huyền thuật hay đưa Khổng Tử vào trong các tác phẩm của họ không phải vì họ muốn "cho sang mồm" mà vì Khổng Tử là người viết Thập Dực - chú giải Kinh Dịch! Trước khi có phần thích nghĩa của Khổng Tử thì Kinh Dịch chỉ gồm quẻ và Thoán từ của Văn Vương + Hào từ của Chu Công, toàn những lời ẩn mật mù mờ, không ai hiểu gì cả. Nếu không có Thập Dực của Khổng Tử thì Trung Quốc sẽ không thể có một nền Dịch học đồ sộ như hiện nay.
Nào, bây giờ đến chuyện có phải Khổng Tử viết Thập Dực hay không? Bác trích và tin Nguyễn Hiến Lê, tốt thôi, lịch sử của Trung Quốc quá dài và quá nhiều biến động, việc đặt ra những nghi vấn đối với một tác phẩm đã có hàng ngàn năm lịch sử là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, mặc dù có thể Thập Dực không phải hoàn toàn do một mình Khổng Tử viết, em chưa thấy có ai nghi ngờ tư tưởng và nội dung của các tác phẩm trong đó là không phải của Khổng Tử. Điều này thì có thể thấy ở rất nhiều tác phẩm cổ văn Trung Quốc, ví dụ Nam Hoa Kinh bản lưu hành hiện tại có lẽ chỉ có khoảng 20% là do Trang Tử viết, nhưng vì tư tưởng của ông là xương sống của kinh nên vẫn tính là do Trang viết.
Hơn nữa, cụ Lộc Đình là một học giả uyên bác, em công nhận, nhưng nếu em trích một cụ khác cũng giỏi không kém (thậm chí hơn), ví dụ cụ Sào Nam Phan Bội Châu chẳng hạn, cụ viết bộ Quốc Văn Chu Dịch diễn giải gần ngàn trang, ngay trong Phàm Lệ nói rất rõ:
"Trước hết phải biết những người nào làm ra Kinh Dịch.
Chú minh: bản sách này trải qua tay bốn vị Đại Thánh làm nên: Phục Hi, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử."
Hay gần hơn như cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần, đại học giả miền Nam ngày xưa, viết bộ Dịch học tinh hoa, trong đó có nhắc đến một giả thuyết của Bì Tích Thụy (tác giả của Ngũ Kinh Thông Luận và Kinh Học Lịch Sử) rằng thậm chí ngay cả Quái từ và Hào từ của Kinh Dịch cũng là do Khổng Tử viết - tức là Khổng Tử là người đầu tiên đưa văn tự vào Kinh Dịch.
Thế nên, bác cho rằng Khổng Tử không dính dáng gì đến Kinh Dịch hay tâm linh, đó là niềm tin cá nhân của bác, nhưng theo những khảo cứu để lại thì tuyệt đại đa số đều thừa nhận Khổng Tử là người viết Thập Dực - một tác phẩm chú giải quan trọng bậc nhất của Dịch học.
Chuyện Nho giáo chú trọng chính trị, xã hội, là chuyện hiển nhiên, ai cũng thừa nhận; và yếu tố tâm linh thì đề cập đến ít hơn, cũng đúng luôn, dựa trên số tác phẩm để lại; nhưng bác lại cho rằng yếu tố tâm linh/huyền thuật trong Nho giáo chỉ là cụ Khổng bịa thêm vào như râu ria để hoàn chỉnh học thuyết + chăn dân thì em cho là không đúng. Như em đã nói, tư tưởng chính trị - xã hội và yếu tố tâm linh trong đạo Khổng không phải là 2 cái mutually exclusive, mà chúng song hành với nhau, và đều dựa trên niềm tin thực sự của bản thân cụ Khổng.
Chuyện bói Dịch, tin hay không tin bói toán là vấn đề cá nhân của mỗi người, nhưng bác cho rằng nếu bói giỏi thì con người đã chẳng khổ thì tức là bác chưa hiểu gì về lý số Phương Đông cả.
Lý số là gì? Thực ra đó chỉ là một tập hợp các môn học cổ xưa nghiên cứu về quy luật của các vận động trong tự nhiên, qua đó tính ra kết quả/khả năng sẽ có tác động lên đời sống con người, hay nói giản dị hơn, đó là một môn Toán Xác Suất cổ đại. Ngày nay người ta dùng hệ Nhị Phân thì ngày xưa người ta dùng Âm - Dương, ngày nay nói tháng 1, tháng 2, tháng 3 thì ngày xưa nói Dần, Mão, Thìn v...v, đơn giản vậy thôi.
Khi đã xác định lý số hay bói toán (theo cách gọi bây giờ) chỉ là xác suất, thì khi đánh giá nó cũng phải đánh giá trên hệ quy chiếu của xác suất. Nếu như trước mỗi quyết định quan trọng, bác em tung đồng xu để phó mặc hoàn toàn theo ngẫu nhiên thì xác suất đưa ra quyết định đúng - sai sẽ là 50 - 50, nhưng nếu giả sử bác nghiên cứu lý số đến một trình độ nào đó, hoặc nhờ được một người am hiểu lý số tính toán giùm, và nghiêng được cán cân của quyết định đúng - sai thành 60 - 40 chẳng hạn, thì đã có một bước cải thiện cực kỳ đáng kể rồi đấy. Cá nhân em cho rằng, một người nghiên cứu ở mức cực đỉnh của lý số, đạt đến tầm thấu hiểu chuyện kim cổ thì cũng chỉ có khả năng nghiêng cán cân này ở mức 70 - 30.
Vì thế, nếu em giả sử xác suất tự nhiên về cuộc đời của ông A là ông ta sẽ mạt rệp, tức là xác suất ông ta nghèo là 99%, thì không có bất kỳ một ai, một môn học nào trên đời có thể đánh bại được xác suất này. Thế nên là bói giỏi đến mấy thì cũng chịu mà thôi.