Em đồng ý với bác ở một điểm, đó là với giới hạn kiến thức của mình thì việc khẳng định có hay không có thế giới tâm linh là điều bất khả, mà bản thân chuyện tâm linh đã phụ thuộc phần lớn ở niềm tin của con người thì việc cố gắng đem khoa học ra chứng minh là thừa thãi và dở hơi.
Thế nhưng về bản chất của thờ cúng tổ tiên ông bà thì em không đồng ý với bác. Em nghĩ rằng hai cái gạch đầu dòng của bác chỉ giải thích được hiện tượng trên bề mặt chứ chưa đi đến bản chất của vấn đề.
Thứ nhất, Nho giáo. Đúng, Nho giáo rất coi trọng việc thờ cúng cha mẹ, tổ tiên nhưng chuyện duy trì truyền thống họ tộc chỉ là cái quả, chứ không phải là cái Nhân. Việc thờ cúng tồn tại và phổ biến trong Nho Giáo có nguyên nhân sâu xa là vì Khổng Tử cực kỳ tin tưởng vào quỷ thần. Đối với việc cúng tế, sách Luận Ngữ viết: "Tế thần như thần tại", nghĩa là ta phải cúng tế thần như có thần ở đó, bởi vì Khổng Tử tin rằng quỷ thần thì tồn tại khắp mọi nơi "dương dương hồ như tại kỳ thượng, như tại kỳ tả hữu". Thái độ của Khổng Tử đối với quỷ thần thể hiện rõ nhất trong câu nói quen thuộc là "kính quỷ thần nhi viễn chi", tức là đối với quỷ thần thì kính cần mà đứng xa.
Đối với việc thờ cúng cha mẹ, Nho giáo bắt người ta phải "sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn", tức là thờ lúc chết cũng như lúc sống, lúc mất cũng như lúc còn, rõ ràng đấy là dựa trên niềm tin người chết cũng có đời sống, sinh hoạt riêng tiếp nối sau khi chết.
Còn vô số những ví dụ khác trong Luận Ngữ, Trung Dung v...v mà nhắc đến quỷ thần như một hiện tượng, một sức mạnh hiển nhiên.
Thứ hai, truyền thống tốt đẹp ghi nhớ công ơn, như em đã nói, đó là ngụy biện cho một niềm tin/hy vọng của người còn sống là người đã khuất sẽ còn tiếp tục một cuộc sống mới và vẫn có thể "chứng giám" cho lòng thành. Phương Tây hầu như không có tục lệ thờ cúng người đã khuất trong nhà, đấy không phải là vì họ không nhớ tới cha mẹ, ông bà; muốn nhớ thì có nhiều cách để nhớ, ra thăm mộ, giữ lại tranh ảnh, đồ vật v...v để mỗi khi nhìn vật thì nhớ người, nhưng còn việc năm mới Tết đến xì xụp khấn vái thắp hương, bản chất là vì niềm tin mà em đã nói ở trên.