Theo tour
Việt Nam: Công ty cũ mình tổ chức company trip ở Việt Nam, đặt tour qua một đơn vị có tiếng trong ngành du lịch. Vậy mà hướng dẫn viên thì nói chuyện vô duyên và thiếu kiến thức, các câu nói đùa thô thiển hời hợt. Đoàn đi có các sếp người nước ngoài, đã trả tiền thêm cho một hướng dẫn viên nói tiếng Anh. Vậy mà hướng dẫn bằng tiếng Anh qua loa đại khái, lúc có lúc không. Bữa ăn không đủ thức ăn. Người này phải nhường người nọ. Khách phản ánh thì bảo "Em là hướng dẫn viên thôi, mấy chuyện đó em đâu có biết".
Thái Lan: Công ty cũ mình làm company trip ở Thái Lan. Đặt tour qua đại lý Thái Lan. Hướng dẫn viên thân thiện dễ mến, có nhiều chuyện kể lịch sử thú vị và cực kỳ am hiểu thị hiếu khách Việt Nam, hóm hỉnh và rất chịu khó giao lưu tương tác với khách. Đến bữa ăn, nhân viên đại lý du lịch đứng ở các bàn phụ với nhà hàng đem thức ăn cho khách. Hướng dẫn viên đứng chờ du khách dùng bữa xong rồi mới đi ăn. Tổ chức chương trình gala dinner hoành tráng chuyên nghiệp. Trong khi di chuyển, họ còn nhiều hoạt động giải trí đố vui về lịch sử, du lịch tặng thú nhồi bông, gối tựa, đồng hồ các kiểu gây hứng thú bất ngờ cho khách.
Chuyến ấy đi xong mấy chị em trong công ty phải gật gù công nhận người Thái làm du lịch tốt không chê vào đâu được.
Tổng cục du lịch
Nhìn vào hai trang web của hai Tổng cục du lịch là thấy ngay sự khác biệt.
Việt Nam: http://vietnamtourism.gov.vn/http://vietnamtourism.gov.vn/. Website chỉ có tiếng Việt và tiếng Anh, mô phạm, cũ kỹ, nhìn chán.
Khẩu hiệu du lịch của nước ta trước kia là: Vietnam, the hidden charm. Bọn bạn mình hay đùa là "hidden charm, vẻ đẹp tiềm ẩn nên nó ẩn rất kín, phải tìm thì mới thấy". Giờ đổi thành Vietnam - Timeless charm.
Thái Lan:
https://www.tourismthailand.org/home
Website có nhiều thứ tiếng, cả trang dành cho khách Việt, sinh động trực quan, nhiều thông tin thiết thực.
Khẩu hiệu du lịch: Amazing Thailand, đi kèm những bài hát quảng bá du lịch Thái Lan rất dễ nghe cuốn hút.
Mình làm chương trình với Tổng cục du lịch Thái Lan tại Việt Nam, được nghe kể là họ lên chiến lược phát triển du lịch theo tầm dài hạn. Phuket nổi tiếng như ngày nay là đã có kế hoạch đẩy mạnh du lịch từ hơn 20 năm trước.
Còn bây giờ, họ đang xúc tiến đẩy mạnh du lịch các tỉnh miền trung Thái, mục đích cho hai mươi năm sau. Họ mời blogger, nhà báo các nước đến thăm thú trải nghiệm viết bài, mời hot girl, influencer tới làm clip, làm phim đủ kiểu. Mỗi lần đi là một lần ngỡ ngàng về cách làm du lịch của người Thái.
Bảo tồn
Việt Nam:
Vịnh Vĩnh Hy, rồi đến Nha Trang, Phú Quốc - san hô không ít, mà chết gần hết rồi. Ở Nha Trang, có hướng dẫn viên còn khuyến khích du khách cầm nắm bẻ san hô đem về làm kỷ niệm. Ở vịnh Vĩnh Hy, người ta xây bè cá ngay trên rặng san hô gần bờ biển, thấy mà xót lòng.
Thái Lan: Không những bảo vệ, người Thái còn có rất nhiều dự án gây trồng san hô nhân tạo để phát triển thêm du lịch biển Thái Lan. Năm 2011, chính phủ Thái Lan đóng cửa hàng loạt khu lặn biển để bảo tồn và gây dựng lại san hô, tránh tình trạng bị khai thác quá mức.
Visa
Việt Nam: Khách du lịch ngoài khu vực Đông Nam Á hầu như phải xin visa vào Việt Nam. Lệ phí 25 USD online nộp trước, và 45 USD nộp khi nhập cảnh.
Vừa rồi mới có quy định miễn thị thực 15 ngày cho du khách từ Anh, Itay, Đức, Tây Ban Nha trong khoảng tháng 7/2015 - 6/2016. Nhưng mấy người bạn nước ngoài của mình phàn nàn rằng 15 ngày là quá ngắn.
Thái Lan: Miễn visa 30 ngày cho hơn 50 quốc gia, bao gồm tất cả các quốc gia phát triển. Du khách các nước còn lại thường được làm visa on arrival nhanh chóng tiện lợi.Đó là chưa kể tới cung cách làm việc của hải quan Việt Nam và hải quan Thái Lan.
Thái độ đối với du khách
Việt Nam: Sếp cũ của mình là người thích sưu tầm tranh. Một lần ông đi dạo ở khu Đồng Khởi và vào xem một phòng tranh. Người phụ nữ bán tranh hỏi ổng cần gì, ổng bảo: “I wanna have a look”, thì nghe tiếng người đó lầm bầm cái gì đó ra chiều rất khó chịu.
Thấy một bức có vẻ vừa ý, sếp mình hỏi giá. Người bán tranh ra giá hơi cao nên sếp ngắm nghía một hồi rồi đặt xuống. Bà bán tranh hỏi: “Shall I pack for you?”. Sếp trả lời: “No thank you, I’ll check something else”. Xong bà bán hàng tức giận đuổi sếp ra khỏi cửa hàng. Sếp kể lại câu chuyện cho mình mà vẫn chưa hết thấy ngạc nhiên và bức xúc. Không phải ổng không có đủ tiền để mua bức tranh đó nhưng giá quá cao và thái độ như thế làm sao hài lòng mà mua.
Thái Lan: Mình đi vòng vòng mấy cửa hàng quanh một khu chợ nhỏ để giết thời gian chờ bạn đến đón. Đang đứng ngắm nghía các tượng phật và khăn choàng ở một cửa hàng bán đồ Tây Tạng và Ấn Độ thì anh chàng bán hàng đến, nhã nhặn chào và nói chuyện mình.
Thấy mình mang ba lô nặng mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ảnh bảo mình đặt tạm ba lô xuống chỗ ảnh và đưa ghế cho mình ngồi nghỉ. Rồi ảnh hỏi thăm kể chuyện đủ thứ cho mình nghe. Câu chuyện kéo dài tới ba tiếng đồng hồ mãi đến khi bạn mình gọi đến đón đi. Ảnh biết mình không mua gì cả, nhưng ảnh vẫn rất vui vẻ trò chuyện và đối xử với mình rất dễ thương. Ảnh còn bảo khi nào đến Việt Nam sẽ liên lạc với mình. Nhiều lần trước đi du lịch Thái Lan, mình cũng chưa bao giờ có ấn tượng xấu với những người bán hàng ở đây.
Rosie Nguyễn