Như thớt đã hứa, nay thớt đưa tiếp truyện về K giam giết người. Thớt xin nói lại lần nữa. Đây là những mẩu trong tổng thể một câu chuyện của bạn thớt. Thớt chọn những đoạn có trại giam, tù nhân. 7 thực 3 hư. Nghĩa là sự thật được viết theo cách văn học. Chúc ae đọc vui ợ!
Tác phẩm của sát nhân (1)- Tùng chột
Sát nhân. Hai chữ đó đủ khiến người đời run sợ. Và nếu coi những kẻ mang án giết người đều là sát nhân, thì tôi đã đối diện với không ít đám bị người đời kỳ thị ghê gớm này. Chính xác là 68 gã. Nhưng họ có khủng khiếp thực sự như hai từ “sát nhân” gánh trên vai? Pháp luật ngày càng nghiêm khắc. Các nhà làm luật quy tội giết người xét ngay từ hành vi. Nghĩa là, cho dù chưa có hậu quả chết người nhưng nếu kẻ gây án có hành vi giống như giết người, thì sẽ thành tội giết người. Ví dụ dùng hung khí tấn công vào vùng đầu, ngực, bụng, những chỗ nguy hiểm cho sinh mạng, dù nạn nhân không chết vẫn có thể quy tội giết người.
Thực tế, nhiều khi cái ranh giới để xét tội này rất mong manh. Các nhà làm luật thường viết trong bản án: “Nạn nhân không chết là ngoài ý muốn của hung thủ”. Câu này phần nào đó có sự quy chụp. Du đãng thanh toán nhau, không mấy khi muốn xảy ra chết người. Đánh để dằn mặt, đánh cho sợ là chính thôi. Chỉ vì lúc đâm chém lộn bậy, quá tay mới thành có người nằm xuống. Và câu đúng phải là: “Nạn nhân chết là ngoài ý muốn của hung thủ”.
Lại nữa, với đám sát thủ chuyên nghiệp, một nhát đâm chính xác vào động mạch ở đùi, nạn nhân nằm đó ngoài đường, có thể chảy máu đến chết. Nhưng nếu bị bắt, kẻ ra tay lại ít bị quy tội giết người. Tội danh sẽ là Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bởi nhát dao chuyên nghiệp đó đâu cần nhằm vào nơi yếu hại trên cơ thể.
Gặp quá nhiều đám mang tội giết người, điều trái ngược là, tôi thấy đa số họ không máu lạnh như những kẻ sát nhân đích thực. Như thằng Tuấn “khẩu trang”, như thằng Dũng “dao thái thịt”. Chúng có biệt hiệu kỳ dị xuất phát từ những tình tiết trong vụ án chúng tham gia. Thằng Dũng cho bạn mượn con dao thường thái thịt ở nhà. Người bạn sau đó giết người, vậy là chủ nhân của con dao gây án cũng đồng tội sát nhân.
Thằng Tuấn thì mua mớ khẩu trang cho đám đi đánh nhau bịt mặt. Hỗn chiến chết người, kẻ mua khẩu trang thành sát nhân. Tất nhiên, khi cho mượn dao hoặc mua khẩu trang, chúng đều biết là đám bạn đi đánh nhau. Nhưng hậu quả chết người, chúng không tham gia, không mong muốn. Và còn rất nhiều kẻ “bị” thành tội giết người như thế. Khi nhốt cùng đám du đãng thực sự như tôi, họ đều run như giẽ. Sát nhân gì mà những đêm đầu nằm “nghỉ mát”, nhớ nhà, nhớ mẹ, khóc như ri.
Ngày đó, tôi là “tự giác” ở khu giam những kẻ mang tội giết người, chờ xét xử. Tôi cũng là tù nhân nhưng được các quản giáo tin tưởng, giao trách nhiệm đả thông tư tưởng cho đám sát nhân. Bởi vì mang án nặng với khung xử có thể đến tử hình, không ít thằng hoảng loạn, quậy phá, kêu gào, thậm chí tìm cách tự tử. Tôi được cắt vào khu giam, ở cùng những thằng mới vào, cố gắng giúp chúng nó vượt qua cơn khủng hoảng ban đầu. Dĩ nhiên, cái tên Rồng “sẹo” cũng những kinh nghiệm lăn lộn thế giới ngầm, giúp tôi đủ vị thế để xử lý các phát sinh.
Trại giam thường có nhiều khu. Khu lẻ thì là K1, K3, K5... Khu chẵn thì K2, K4, K6... Riêng khu giam đám giết người, gọi tắt là K với chỉ một chữ “K”. Tù nhân các khu khác thấy một gã tự xưng: “Tao giam ở K”, là lắc đầu lè lưỡi. Không chỉ vì án nặng mà còn vì mức độ giam giữ rất khắc nghiệt. Có lẽ bởi đó là nơi dành cho những kẻ giết đồng loại.
Buồng giam chưa đến 8 m2. Hai sàn sát hai bên tường, cao chừng 50 cm, rộng 80 cm, dùng để nằm gọi là “mà”. Giữa hai “mà” là sàn thấp để ăn uống, sinh hoạt, rộng 1 m gọi là “huyệt”. “Mà” dài chừng 2 m, chỗ ngủ nối luôn với khu vệ sinh, chỉ ngăn cách bằng cái gờ gạch cao 20 cm. Buồng giam từ 2 đến 4 thằng, một thằng đại tiện, những thằng còn lại tha hồ ngửi. Bởi vì tính theo chiều dài, mỗi đầu buồng chỉ có một lỗ thông gió to bằng bàn tay. Có thể hình dung, nhìn thấy ai đó ở ngoài nhưng nói người ta không nghe thấy. Ghé miệng nói qua lỗ gió thì lại không nhìn được người đối thoại. Ô cửa nhỏ gió còn khó lọt, nói gì đến nắng. Vậy nên đám ở K đều có làn da trắng bệch do “cớm nắng”. Họ luôn mong chờ lúc mở cửa buồng giam. Cửa bằng gỗ lim, dày và nặng, chỉ mở 45 phút mỗi sáng chiều. Ngoài cửa buồng còn có lớp lồng sắt kiên cố, rộng không hơn cái lồng chim. Dù thế, với tù ở K là quý lắm rồi. 90 phút trong 24 tiếng của ngày, vừa lấy đồ ăn được cấp phát, vừa tranh thủ hít thở khí trời, dõi mắt theo những cánh chim tự do.
Bị giam trong không gian tù túng đến mức thở cũng không đủ, thêm cái án nặng lơ lửng trên đầu, bọn mới vào K đều ngơ ngáo như nhau. Vì thế, thái độ bình thản của thằng Tùng “chột” khi nhập K là dạng của hiếm. Ngoài xã hội, tôi từng nghe tên tuổi nó. Nhưng không phải vì là du đãng số má mà nó có sự bình thản ấy. Nhiều thằng lăn lộn giang hồ, tiền án tiền sự đầy mình, vẫn phát cuồng thời gian mới vào K. Thái độ của thằng Tùng giống như sự chấp nhận, sẵn sàng trả mọi giá vì thứ đã gây ra. Vụ của nó, tôi đọc trên mấy tờ báo phát vào trại giam. Dạng tin nhanh nên tình tiết cụ thể chưa rõ. Chỉ biết nó “thịt” hai mạng, một là vợ, một là đàn em nó. Ở cùng đám giết người, hàng ngày “bị” nghe đủ kiểu gây án, đọc đủ loại cáo trạng, liếc qua vụ thằng Tùng, tôi biết sẽ rất căng. Nó vừa ra tù từ “tăng” trước được vài tháng, lại làm vụ này, dính luôn hai tình tiết tăng nặng định khung khoản 1 tội Giết người. Một là tái phạm, hai là giết nhiều người. Khoản 1 tội này kịch khung là tử hình và nếu không có uẩn khúc nào khác, đến 99%, khi xét xử sẽ là “dựa cột”.
Cùng là du đãng số má, tôi nhìn thấu cái bình thản chấp nhận của thằng Tùng. Nhưng các quản giáo lại lo. Với họ, sự lạnh tanh của nó giống như một kiểu chán sống vậy. Tôi được khẩn trương đưa vào ở cùng để trông chừng nó. Cửa gỗ lim mở rồi đóng lại sau lưng, tôi bước vào. Trong thứ ánh sáng đỏ quạch của duy nhất một bóng đèn, thằng Tùng ngước nhìn. Con mắt mù trắng dã thụt sâu vào hốc mắt nhăn nhúm sẹo. Dường như mọi tinh anh đều dồn vào con mắt còn lại của nó. Con mắt chột ánh lên tia nhìn vằn đỏ, lạnh lẽo:
- Tao đã bảo mấy ông quản giáo là muốn ở một mình. Mày là thằng quái nào thế?