Quyết định số 2053 có áp dụng với người dân ngoại tỉnh?
Thứ Năm, 22.9.2011 | 08:46 (GMT + 7)
Ngày 31.5.2011, TAND quận Cầu Giấy có văn bản số 652 gửi Sở GTVT Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin cho toà án để làm căn cứ giải quyết vụ công dân kiện CSGT phạt oan.
Ngã ba hay ngã gì - toà cũng bó tay?
Trong văn bản số 1529 do ông Nguyễn Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội ký trả lời TAND quận Cầu Giấy, phần 2 có ghi: Tuyến đường Xuân Thuỷ - Cầu Giấy là tuyến đường cấm để xe đạp, xe máy, ôtô trên hè phố, lòng đường theo Quyết định số 2053 của UBND TP.Hà Nội. Người lái xe ngoài việc nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, hiểu biết các khái niệm đã được giải thích trong luật, quy tắc báo hiệu đường bộ, còn phải biết thêm các văn bản quy định của Chính phủ, UBND TP.Hà Nội đã công khai nhiều năm như Nghị định số 34 của Chính phủ, Quyết định số 2053 của UBND TP.Hà Nội.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn là CA quận Cầu Giấy và HĐXX cũng lập luận như nội dung của Sở GTVT TP.Hà Nội, đặc biệt còn nhấn mạnh rằng, nguyên đơn có hộ khẩu tại Hà Nội thì ngoài việc chấp hành Luật GTĐB còn phải tuân thủ các quy định của UBND TP.Hà Nội về việc cấm đỗ xe dưới lòng đường tại các tuyến phố văn minh, thương mại.
Tôi là người dân ở địa phương khác về Hà Nội, tham gia giao thông, chẳng lẽ CA, Sở GTVT của TP.Hà Nội cũng bắt buộc tôi phải biết rằng UBND TP.Hà Nội đã ban hành QĐ số 2053 và thuộc lòng cả 56 tuyến phố văn minh, thương mại hay sao? Nếu trong trường hợp tôi cũng bị CA phạt vì đỗ xe dưới lòng đường như ông Nguyễn Đức Đông, tôi khởi kiện thì TAND có buộc tôi phải biết thêm và tuân thủ QĐ số 2053 hay không? Tôi không có hộ khẩu ở Hà Nội như ông Đông. Vậy, trong trường hợp tôi vi phạm thì trong bản án sẽ không có “yếu tố” bắt buộc như tòa đã nhận định trong bản án sơ thẩm đối với ông Đông “có hộ khẩu ở Hà Nội thì phải biết đến các tuyến phố văn minh, thương mại”.
Như vậy, trong trường hợp hai người vi phạm như nhau (tôi và ông Đông) đều bị công an phạt, nhưng yếu tố “buộc tội” đối với tôi và ông Đông lại không giống nhau chỉ vì người có hộ khẩu và không có hộ khẩu tại Hà Nội.
Văn bản của Sở GTVT TP.Hà Nội cũng đã nêu rằng: Người lái xe phải hiểu biết các khái niệm đã được giải thích trong luật, quy tắc báo hiệu đường bộ... trong trường hợp của ông Đông, được CA quận Cầu Giấy coi là vi phạm, như theo văn bản do ông Phó Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội Nguyễn Xuân Tân ký thì ông Đông đã rất hiểu biết về quy tắc báo hiệu đường bộ, ông Đông không thấy có cắm biển báo cấm đỗ xe “nhắc lại” tại ngã ba theo Điều 11 Luật GTĐB nên ông Đông mới đỗ xe.
Biển báo - quy tắc báo hiệu đường bộ được cắm tại các điểm được quy định trong luật là nhằm mục đích chỉ dẫn cho người tham gia giao thông biết và chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp.
Trong thực tế, tại giao tiếp đường Phan Văn Trường với đường Xuân Thủy không có biển cấm đỗ xe nên ông Đông mới đỗ xe để vào ngân hàng giao dịch và bị CA quận Cầu Giấy phạt. Ông Đông không sai. Ngay cả việc UBND TP.Hà Nội ban hành QĐ về 56 tuyến phố văn minh, thương mại thì Sở GTVT TP.Hà Nội cũng phải cắm biển báo cho người dân biết đó là những tuyến phố nào, còn bắt người dân có hộ khẩu ở Hà Nội phải thuộc cả 56 tuyến phố đó để không vi phạm như lập luận của CA quận Cầu Giấy, Sở GTVT TP.Hà Nội và TAND quận Cầu Giấy thì chẳng khác nào cơ quan hành pháp và tư pháp đang “đẩy” người dân vào thế thua thiệt.
Trần Nguyễn Bảo Linh (10 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, TPHCM