1. Chiều 28/4/2005, tôi gọi cho ông hỏi chú đang ở đâu con chạy tới. Ông hỏi có chuyện gì, tôi nói không chuyện gì, chỉ muốn uống trà nghe chú review lại cảm xúc của ngày này ba mươi năm trước.
Ông nói ừ chạy qua đi, chú đang sắp hành lý qua Mỹ thăm mấy đứa nhỏ. Ông đợi tôi ở nhà riêng ở Nguyễn Đình Chính, Phú Nhuận (TP.HCM).
Nhiều lần trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Có, tôi nhìn thấy ở ông sự an phận và buông trôi, không có vẻ gì của một chiến tướng, một Bộ trưởng Quốc phòng VNCH ở những năm chiến tranh căng thẳng nhất.
Rời chính trường từ 1967, ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, ông lại đeo lên vai áo mình quân hàm Trung tướng, trợ lý quân sự cho Dương Văn Minh. Làm trung tướng một ngày hôm đó đủ để chứng kiến cỗ máy chiến tranh và cả chế độ sụp đổ. Ông kể:
“Gần cuối tháng 4/1975, thấy tình hình không êm, Tổng thống Thiệu từ chức, giao quyền lại cho Phó Tổng thống Vũ Văn Huyền, ông Huyền trao lại cho ông Hương rồi sau đó là Đại tướng Dương văn Minh.
Tôi lúc bấy giờ không còn vai trò gì trong quân đội. Từ chỗ là Tổng trưởng Quốc phòng, Thiệu cử tôi đi Đài Loan cám ơn Chính phủ nước này rồi sau đó buộc tôi lưu vong ở Hồng Kông ba năm trời. Thời gian đó, biết không thể quay lại chính trường, tôi đi học nghề ngân hàng. Hết thời hạn lưu vong tôi về nước và được Nguyễn Tấn Đời mời làm cho Tín Nghĩa ngân hàng.
Tín Nghĩa là một nhà băng lớn và Nguyễn Tấn Đời có quan hệ với nhiều ông lớn, một trong số đó là ông Dương Văn Minh. Sáng nào hai ông này cũng tennis với nhau. Cả Sài Gòn ai cũng biết. Ông Thiệu dĩ nhiên cũng biết và đặc biệt khó chịu về điều đó. Thế rồi tai vạ ập đến. Thiệu nghe tay chân thân tín mách lại: ông Nguyễn Tấn Đời hứa với ông Dương Văn Minh hễ Big Minh ra tranh cử tổng thống thì ông Đời sẽ hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính.
Và ông Thiệu quyết định ra tay trước để ngăn ngừa hậu họa.
Nguyễn Tấn Đời nói với tôi: căng rồi, ông Thiệu đã lệnh cho Ngân hàng Nhà nước thanh tra quy mô Tín Nghĩa Ngân hàng. Chứng cứ tới đâu thì không biết, nhưng tháng 3/1975, chủ nhà băng Nguyễn Tấn Đời bị cảnh sát bắt tống vào Chí Hòa cho tới ngày giải phóng. Còn tôi, sau sự cố ấy cũng rời ngân hàng ra ngoài kinh doanh để nuôi hơn chục đứa con. Lúc này, thi thoảng tôi vẫn gọi cho anh em quen như Đề đốc Hải quân Chung Tấn Cang, tướng Lý Tòng Bá.
Việt Cộng đánh rộ khắp nơi. Cũng đã có vài thông tin, vài bàn tay chìa ra cho chế độ ông Thiệu nhưng chỉ là lời thăm dò, không có gì chắc chắn cả. Cờ đã tàn…”.
2. Sài Gòn bao trùm không khí hoảng loạn. Thực ra sự hoảng loạn đã kéo dài cả tháng trước đó. Những tuyên bố ban đầu của chính quyền khi mất Đà Nẵng, Huế, Ban Mê càng ngày càng khiến anh em quân nhân dao động. Người ta ùn ùn kéo nhau rời thành phố chạy ra biển tìm đường di tản. Trong gia đình tôi cũng đã có ý kiến rục rịch đi. Nhưng tôi lo ngại bởi những người di tản bằng đường thủy nhiều người đã chết. Tôi quyết: “Hễ đi thì đi cả nhà, phải an toàn mới đi. Nếu không thì tất cả cùng ở lại!”.
Đề đốc Chung Tấn Cang gọi điện cho tôi, nói tàu của ông ấy lúc nào cũng đậu ở Ba Son, khi nào thấy tình hình không êm, ông ấy sẽ đưa cả gia đình đi di tản và mang theo cả gia đình tôi. Thế nhưng sau đó trước dòng người đông nghẹt dẫm đạp nhau ào xuống cảng, ông ta đã không dám ở lại, lặng lẽ nhổ neo.
15 giờ ngày 29/4/1975, tôi đang ở nhà thì người nhà báo có khách. Một sĩ quan của Phủ Tổng thống do ông Dương Văn Minh cử tới, nói rằng: “Đại tướng cho mời Trung tướng vào Bộ Tổng Tham mưu”.
Đến lúc ấy tôi mới biết ông Minh đã cử tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham mưu trưởng. Và ông ấy biết rằng lúc ấy trong hàng ngũ quân đội, tôi mang hàm tướng cao nhất nên mời tôi làm trợ lý cho Vĩnh Lộc cùng với ông Nguyễn Hữu Hạnh.
Tôi vào Bộ Tổng Tham mưu vào cuối buổi chiều. Lúc bấy giờ ông Vĩnh Lộc đã bỏ chạy, chỉ còn tôi với ông Nguyễn Hữu Hạnh và một số tướng lãnh như Trần Văn Trung, Văn Thành Cao. Sau khi mặc quân phục, tôi bắt đầu điều hành công tác.
Đã 8 năm tính từ 1967, khi đi Đài Loan rồi lưu vong Hồng Kông, sau những dâu bể của cuộc đời, tôi lại mang vào mình bộ quân phục cấp tướng. Một viên tướng của buổi cờ tàn. Tôi nói với sĩ quan tham mưu kiểm tra gấp bộ phận truyền tin. Rất may, Đại đội truyền tin còn nguyên vẹn.
Sài Gòn bị vây tứ phía.
Tôi điện lên Biên Hòa. Lúc này tướng Lê Minh Đảo cũng vỡ trận ở Long Khánh kéo quân chạy về đây. Chuẩn tướng Trần Văn Khôi cùng một sư đoàn thiết giáp nằm ở Biên Hòa với hy vọng mong manh chặn được bước chân đối phương. Tôi gọi Cần Thơ và các tỉnh miền Tây, ở dưới đó còn tương đối yên.
Đêm 29/4, quân giải phóng nã pháo vào Bộ Tổng Tham mưu. Tôi điều hành công việc trong tầm pháo suốt đêm ấy. Bản đồ tác chiến và phòng thủ lúc này giống như những bức tranh treo chơi, không ai có thể cập nhật nó, mới thấy chỗ này chỗ kia có quân nhưng gọi tới thì vỡ trận hết.
Tôi điều một tiểu đoàn Lôi Hổ về Bộ Tổng Tham mưu. Tướng Lâm Văn Phát cũng điều quân lên ngã tư Bảy Hiền để chặn quân giải phóng nhưng tinh thần binh lính đã cực kỳ hoảng loạn. Gần sáng, tôi điện cho sư đoàn Đồng Dù của tướng Lý Tòng Bá nhưng ông Bá đã bị bắt, sư đoàn này bị đánh tan tác. Chúng tôi nhìn nhau: Phòng tuyến Tây bắc Sài Gòn đã vỡ. Nhịp tấn công của đối phương quá nhanh. Vừa buông điện thoại, Đại tá Huấn ở trung tâm huấn luyện Quang Trung khẩn báo: “Xe tăng Việt Cộng đã chạy ngang đây rồi!”. Trong khi đó, đạn pháo rót vào Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu ngày càng dữ dội.
Chúng tôi nghĩ rằng giờ cuối đã đến và đã đến lúc phải rời Bộ Tổng Tham mưu. Tôi và ông Nguyễn Hữu Hạnh quyết định đến gặp ông Dương Văn Minh nhưng cả Bộ Tổng Tham mưu đã táo tác, không còn xe. Và lúc này, đi xe nhà binh có thể trở thành mục tiêu của những phát đạn. Tôi gọi điện thoại cho người nhà mang xe lên đón đi.
Chúng tôi rời Bộ Tổng Tham mưu. Chiến tranh sắp kết thúc, chắc chắn là thế. Nhưng giờ này, chỉ cần một viên đạn cố tình hay đạn lạc từ phía nào, có thể sinh mạng của tôi và Nguyễn Hữu Hạnh sẽ kết thúc sớm hơn cả cuộc chiến.
3. Cả nội các hầu như có mặt đông đủ ở dinh Hoa Lan. Thật khó để diễn tả tâm trạng lúc ấy. Khi bạn đối mặt với những giờ khắc quyết định, sau một quãng dài chinh chiến khốc liệt, mỗi người đều có tâm thế chờ đợi nó kết thúc. Nhưng với chiến tranh, kết thúc có nghĩa là có chiến thắng và có chiến bại. Mỗi con người đều có hoài bão, sự nghiệp và trên hết là gia đình, vợ con. Ký ức như một dòng thác cuộn về, thật nhanh, thật dữ dội và mãnh liệt.
Tôi không bất ngờ với kết cục, nhưng sau nó là gì? Thân phận cá nhân, cuộc sống gia đình, thật khó để nói về tương lai. Lúc đó tôi chỉ nghĩ: chiến tranh sẽ kết thúc trong thời khắc rất ngắn, có thể đếm được.
Ông Dương Văn Minh cho biết Đại sứ Pháp vừa thông báo rằng hy vọng đàm phán với Hà Nội đã không còn. Thực ra, người ta chỉ đàm phán khi chúng ta có gì để đối trọng. Tình thế này còn gì nữa để đàm phán? Thế cờ đã quá rõ. Những ngày trước, Xuân Lộc và Long Khánh đã mất, kết cục này đã được dự báo dù cá nhân mỗi tướng lãnh vẫn còn hy vọng mong manh.
Quân giải phóng đã phá vỡ phòng tuyến Tây Bắc áp sát Sài Gòn từ hôm qua. Cầu Rạch Chiếc và nhà máy nhiệt điện Thủ Đức được mấy tiểu đoàn Trâu Điên liều chết bảo vệ cũng đã bị đặc công Việt Cộng chiếm. Không thể mong chờ nhiều ở sự chi viện từ miền Tây khi đường chi viện đã bị cắt đứt. Việt Cộng đánh các phòng tuyến ngoại vi trong khi đặc công và các lực lượng khác của họ thọc sườn xé lẻ các mũi liên kết chi viện. Không cần có quá nhiều kiến thức quân sự để nhìn rõ thế cờ và dự đoán được kết cục.
Ngồi ở Dinh Hoa lan một lát, tất cả lên xe vào Phủ Tổng thống. Lúc này có mặt cả tướng Pháp Vanuxem, ông ta là người dạy quân sự cho tôi và Nguyễn Văn Thiệu từ năm 1952. Vanuxem nói rằng có thể nhờ lực lượng bên ngoài chi viện để cứu vãn tình thế, giúp giữ Sài Gòn. Thế nhưng lúc này chẳng ai có thể tin vào điều đó. Ông Dương Văn Minh hỏi tôi và tướng Nguyễn Hữu Hạnh: “Tình hình thế này, bây giờ nên làm gì?”. Tôi nói: “Về quân sự lúc này càng đánh càng tổn thất. Lúc này Đai tướng cần tuyên bố đơn phương ngừng bắn để tất cả binh sĩ buông súng chờ bàn giao chánh quyền!”.
Ông Minh làm theo, cho thu âm lời tuyên bố rồi tất cả lên xe vào Dinh Độc Lập để chờ quân cách mạng tới.
Sau 11 giờ trưa 30/4/1975, tôi không còn chuyện gì để làm nữa. Rời Dinh Độc Lập, tôi quyết định về nhà. Việc ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng sau đó như mọi người đã biết.
4. Gần 40 năm từ một thiếu sinh quân Đông Dương, tôi đã lên đến nấc thang cao nhất của đời binh nghiệp. Và bây giờ, nó đã ở sau lưng, nói được thì cũng đã từng được, nói mất thì cũng mất hết rồi. Chỉ hai điều quý nhất còn nguyên: Một quê hương và một gia đình! Tôi thả lỏng người, nhắc mình: tất cả đều đã qua.
Những ngày sau đó, tâm trạng của tôi thật nặng nề. Là sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội, tôi chắc chắn sẽ phải đi học tập cải tạo. Tôi có mười hai đứa con, một mình vợ tôi sẽ phải xoay xở lo cho chúng.
Thế rồi như những gia đình khác, chúng tôi cũng phải chia sẻ với cộng đồng những khó khăn của một thành phố mới giải phóng. Những năm tôi đi học tập, vợ tôi ở nhà làm đủ thứ nghề từ thêu thùa, may vá, gia công hàng để nuôi con.
Rồi tôi trở về, rất lâu mới trở về, thành công dân như mọi công dân khác, một người lao động đúng nghĩa. Với chiếc mô-bi-lết cà tàng, tôi đi giao hàng của gia đình gia công, rồi ra vũng Tàu thu mua chế biến mực, xuất khẩu đi nước ngoài.
Cuộc sống dần trở về nhịp điệu bình thường của nó, ông Trung tướng Tổng trưởng Quốc phòng lại trở về làm dân, lao động chân chính để sống như muôn triệu người khác. Có những ngày chạy xe máy đi giao hàng tận Bình Dương, gió mát dọc đường khiến tôi thanh thản. Thanh thản trong sự lao động nuôi sống gia đình.
Quyền lực đã là dĩ vãng. Ra đường người ta chào mình là bác là ông, thật sự tôi thấy hạnh phúc của cuộc đời này nó bình dị và giản đơn nhất là khi ta làm một con người bình dị. Ngoài giờ cho công việc, tôi tham gia chuyện từ thiện với bà con khu phố, chăm mấy chậu lan, an nhàn với tuổi già. Tôi là tín hữu đạo Tin Lành, đọc kinh, đi lễ với tôi là niềm vui lớn..
Không còn chiến tranh, không còn bom rơi đạn nổ trên quê hương mình là điều lớn nhất mà việc kết thúc chiến tranh mang lại.
(Nguyễn Đức Hiển/ Nguyễn Hữu Có)
Ông Nguyễn Hữu Có (1925-2012), từng giữ chức Phó thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng, đồng thời là Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
redsvn.net