Phần 9 nóng hổi đơi
Cá thần sông Thiêng 9
Ngày thứ hai thời gian trôi qua chậm chạp. Có lẽ bởi vì sau đó không có chuyện gì đáng kể xảy ra. Tôi mệt mỏi và kiệt sức. Cho đến trưa, ánh nắng phản chiếu từ bãi cát trắng đôi lúc khiến tôi rơi vào một trạng thái lơ mơ. Những ý nghĩ u ám lởn vởn trong đầu.
Tú khỉ sau một đêm thức trắng không thu được kết quả gì, nó cũng trở nên dễ cáu kỉnh, lầm lì ngồi đồng ngoài bờ sông. Hai cô gái thì tỏ ra chán nản vì nơi này không có sóng điện thoại, và họ không biết làm trò gì khác ở nơi đây, giống như tôi vậy.
Vào lúc ăn trưa, khi tôi quay về với bó củi tướng, ba kẻ kia đã thức dậy. Tôi khui những hộp thịt cho vào cái nồi, cùng với măng tươi hai bố con ông Văn để lại từ hôm trước, nấu một bữa mì tôm hoành tráng. Chúng tôi im lặng ăn. Tôi không kể gì về chuyện gặp con gái ông Văn ở bờ sông và suýt bị con rắn lục cắn, tất nhiên. Nhưng tôi gợi ý với hai cô gái rằng ở đây vắng vẻ, hoàn toàn có thể tắm tiên được, và nên thế. Tú khỉ không hưởng ứng câu đùa ấy, nó im lặng nheo mắt nhìn ra phía bờ sông lấp lánh nắng, như đang mải theo dõi mấy chiếc cần câu. Hai cô gái cũng chỉ nhếch mép cười chiếu lệ.
Sau đó chúng tôi uống cà phê. Tôi mệt mỏi nhưng không thể ngủ tiếp được nữa, cả Tú khỉ và hai cô gái cũng vậy. Mặt trời lên cao, thậm chí ánh nắng khá gắt, trong khi bầu không khí vẫn se lạnh. Chui vào lều thì chật và ngột ngạt, chúng tôi quyết định trải tấm bạt ra dưới gốc cây sung to, để tránh ánh nắng. Chả biết làm gì khác, chúng tôi chơi bài. Luật chơi rất đơn giản, ai về bét thì phải cởi một món quần áo trên người, và mỗi lần về nhất cũng chỉ được mặc lại một món đồ.
Trò này cũng vui vẻ và giết được thời gian chừng một tiếng đồng hồ, bởi vì chỉ một loáng, tôi và Tú khỉ cho hai cô gái nhẵn nhụi. Có lúc tôi và Tú khỉ chỉ còn mỗi quần sịp, nhưng rồi gỡ gạc lại rất nhanh. Chừng dăm ván không về nhất được, hai cô gái chán nốt trò bài bạc. Tú khỉ lại ra bờ sông kiểm tra những chiếc cần. Hai cô gái mặc lại quần áo chui vào lều ngủ.
Tôi nằm dưới gốc cây thử há miệng chờ sung. Dưới bóng râm của tán lá, không khí hơi lành lạnh. Bấy giờ bầu trời rất xanh và trong, chỉ lơ thơ vài gợn mây, nắng vàng rực rỡ, nhưng lòng tôi vẫn trĩu nặng. Khi không biết làm gì, những ưu phiền lại xâm chiếm. Tôi cố quên đi chuyện cãi cọ với vợ, nhưng không thể, nó vẫn còn đó lơ lửng. Tôi nghĩ đến tương lai mù mịt ở công ty, với núi công việc chồng chất đang chờ đợi khi tôi quay về, tôi nghĩ đến những khoản tạm ứng và nợ nần, những chiếc hóa đơn sắp phải thanh toán, và tủ lạnh thì rỗng không. Tôi nghĩ đến đứa con trai mới lên sáu của mình, trách nhiệm với nó còn nặng nề và lâu dài, suốt đời. Tôi không muốn là một người chồng tồi, và nhất là ông bố tồi.
Những vấn đề của cuộc sống thực tế, là một cái gì đấy khó mà chạy trốn được. Cuộc sống mưu sinh luôn luôn là khắc nghiệt, giống như cuộc đấu tranh sinh tồn của muôn loài khác, và thường là khốc liệt hơn.
Ngay cả Tú khỉ trong những lúc như thế này, tưởng chừng như nó rảnh rỗi, ngồi hàng tiếng đồng hồ trên bãi cát nhìn vô định xuống dòng sông, để mặc thời gian trôi đi. Nhưng ai mà biết được trong đầu nó đang toan tính những chuyện quái quỷ gì? Rất có thể nó đang nghĩ cách trốn thuế, buôn lậu, đáo nợ ngân hàng, thanh lý hàng tồn, cắt giảm nhân viên, đối phó với kiểm toán, hối lộ, hạ gục đối thủ kinh doanh… Hàng tỉ thứ mà một thằng làm buôn bán kinh doanh phải nghĩ cách giải quyết. Như chính nó đã vô tình nói lộ ra từ khi rủ rê tôi, đi câu cá có thể là lúc người ta đang ủ mưu làm chuyện gì đó. Không bao giờ tôi thực sự biết rõ Tú khỉ đang kinh doanh những cái của nợ gì. Hồi đầu những năm chín mươi nó buôn bán sửa chữa vặt vãnh đồ điện tử điện lạnh, máy giặt bãi. Hồi ấy có dạo đến nhà tôi thấy nó đang ngồi say sưa quấn mấy cuộn dây đồng vào những tấm thép, để làm thành chấn lưu đèn neon, nó cẩn thận dán lên những chiếc chấn lưu rởm ấy cái tem Điện Cơ Thống Nhất, trong khi mồm ư ử hát nhạc vàng: “Từ khi anh thôi học, lòng thương biết mấy cho vừa…” – Chả là hồi ấy đang thịnh hành “Tâm sự người lính trẻ”, đi đâu cũng thấy toàn những “Rừng lá thấp” với lại “Xuân này con không về”... Trong khi tôi vào những năm đầu học đại học, thì Tú khỉ đã phải, như cách nó nói, là bước vào đời bằng chân trái. Trốn nghĩa vụ quân sự hay tìm cách đút lót sao đó, nó ở nhà đi buôn bán mánh mung các kiểu, từ ve chai, bia cỏ, nước ngọt có ga, làm hàng giả đủ loại. Như chấn lưu chẳng hạn, nó có thể nhái gần như y hệt từ Điện Cơ Thống Nhất cho đến Quốc Phòng. Ngay từ hồi học phổ thông, nó đã có thể sửa từ những chiếc ti vi Neptune đời ơ kìa cho đến những chiếc JVC màu 7 hệ (hồi ấy đã là loại hiện đại lắm rồi). Tôi không hiểu nó học lỏm tất cả những thứ ấy ở đâu nữa. Tôi chỉ thấy nó suốt ngày đá bóng, thả diều, và kiếm chác vặt vãnh từ những thứ đồng nát. Trong khi những thằng như tôi trong lớp suốt ngày chỉ chúi đầu vào sách vở, thì nó học ngoài đường phố và vỉa hè.
Nhưng không hiểu sao nó lại thân tôi nhất lớp. Có lẽ vì thi thoảng tôi cho nó chép bài. Nhưng đó không hẳn là lý do chính. Tôi chưa tìm ra lý do mà nó khoái tôi.
Tú khỉ học lẹt đẹt, nhưng vẫn tốt nghiệp phổ thông. Bù lại, nó rành mọi xó xỉnh chợ giời, dân buôn bán lô đề, các mối hàng họ đủ kiểu. Giống như một cái ăng ten, nó luôn biết xu hướng thị hiếu của dân tình, khi nào họ khoái chơi cassette hay chơi amply Nhật loa Nga (hồi đó thông dụng là loa S-90D), khi nào họ chán, khi nào thì chuyển sang chơi giàn Kenwood hay Aiwa…
Bạn bè cần mua sắm ti vi tủ lạnh xe máy hay bất cứ gì đều tìm đến nhờ nó. Hầu như chẳng có nghề gì nó làm quá lâu, mỗi thứ một tí. Hồi chợ xe Phùng Hưng còn chưa giải tán, đến hỏi Tú khỉ là tìm được ngay. Tháng sau quay lại hỏi chúng nó bảo anh xuống chợ giời tìm chỗ mấy hàng bán loa. Tháng sau nữa hội bán loa lại bảo anh xuống Hải Phòng xem sao, Tú khỉ đang oánh hàng dưới ấy. Tú khỉ được tất cả hội “thợ” buôn bán nhỏ gọi là “thợ cứng”, là “đa hệ” - nhạc gì cũng nhảy.
Tôi cứ nhớ mãi cái hình ảnh đến nhà chơi thấy nó đeo kính lúp cầm mỏ hàn, nhà khét lẹt mùi dây điện lẫn mùi thơm nhựa thông cháy, những bảng mạch điện tử la liệt, những cái vỏ nhựa hầm bà làng đủ loại. Hàng bãi thượng vàng hạ cám mỗi thứ một tí, chả cái nào giống cái nào, và nó ngồi giữa đống rác ấy, say sưa hát “Tâm sự người lính trẻ”.
Bẵng đi một thời gian, nghe nói nó chuyển sang oánh hàng Tàu, chắc là hàng điện tử và điện lạnh. Có dạo thấy bảo gây ra một vài phi vụ gì bị bể mánh, chạy chọt trốn chui lủi mãi. Sau đó dần dần cũng êm, nó quay sang buôn xe máy tàu đúng lúc cơn sốt xe đang sôi sục. Như thường vẫn thế, nó dừng đúng lúc, trước khi thị trường bão hòa. Khi đó nó đã kiếm được một mớ. Vài năm sau nó mở công ty, và có trời mới biết được công ty nó làm cái quái gì. Nhiều lần nó nửa đùa nửa thật bảo tôi về làm ăn với nó. Nhưng tôi chả gật mà cũng chả lắc.
Tú khỉ lấy vợ sớm, và cũng giải tán sớm, sau khi có với nhau đứa con gái ba tuổi. Không rõ vì sao, nhưng tôi đoán vợ nó không chịu nổi một thằng chồng nay đây mai đó lang bạt như Tú khỉ. Đứa con gái nó hình như vừa vào cấp III, hiện lúc sống bên nội, lúc về bên ngoại. Tôi nhớ nó có đôi mắt to, ướt, và buồn, như mắt những con khỉ người ta nuôi trong lưới sắt ở vườn bách thú. Mỗi lần nhắc đến chuyện cũ, Tú khỉ hay phát khùng lên, gạt phăng đi, hoặc lảng sang chuyện khác.
Giờ đây nó ngồi đó, im lìm như pho tượng. Không thể hiểu nổi những lý do đã khiến chúng tôi có mặt ở cái chốn heo hút này, để nhớ về một thời tuổi trẻ hình như đã trôi qua lúc nào. Tú khỉ chìm nổi lênh đênh bao nhiêu, thì tôi phẳng lặng bấy nhiêu. Thậm chí bảo tôi kể ra một vài dấu ấn giống như cột mốc trong đời, tôi cũng chẳng biết phải kể những gì.
Hồi mới quen vợ, cô ấy hỏi tôi kỷ niệm đáng nhớ của anh về thời sinh viên và những năm học phổ thông là gì. Tôi nghĩ ngợi một lúc, rồi bảo: Anh quên xừ mất rồi. Cô ấy cười ngặt nghẽo, cho rằng tôi có khiếu hài hước. Chắc đó là lý do cô ấy muốn lấy tôi. Ừ thì lấy nhau, cũng chẳng sao.
Nhưng tôi nghĩ chẳng có gì đáng buồn cười trong chuyện này. Đa số những gã mà tôi biết, trong những lúc bia bọt, đều kể lại những lý do rất vớ vẩn đã khiến họ đeo nhẫn cưới. Tại lúc đấy giá vàng đang rẻ chẳng hạn. Hoặc có ông chú kinh doanh nhà hàng cho thuê tiệc cưới, đang mùa ế ẩm. Bao cao su bị thủng, tính nhầm ngày… Hoặc là có lý hơn kiểu ông nội bị ốm sắp đi xa, muốn thấy đít tôn yên bề gia thất. Bà cô Việt kiều hơn chục năm mới về, tranh thủ làm đám cưới trước khi bà ấy lại đi. Vân vân và vân vân những lý do kiểu ấy. Nhưng lý do tôi hay nghe nhất, đó là cưới vợ để bớt chơi bời, khỏi hỏng người.
Khi biết tôi và vợ đang hục hoặc, Tú khỉ tỏ ra rất thông cảm, thậm chí hí hửng, như thể nó và tôi đang chung một chiến hào vậy. Tôi không thích cái ý nghĩ ấy. Tôi khác nó. Tôi không muốn con trai mình lớn lên có một đôi mắt buồn.
Ngoài kia nắng vẫn chói chang. Dòng sông trôi đi, trôi mãi, miên man. Tiếng nước réo giống một bản giao hưởng lộn xộn mà các nhạc cụ tìm cách rượt đuổi nhau không ngừng nghỉ.
Như tôi đã nói, đó là một ngày rất dài…
Còn nữa…