Góp ít gió với cụ Lầm
BÀN TAY CỦA NGA TRONG DỰ ÁN KÊNH ĐÀO NICARAGUA
Chủ đầu tư của dự án là công ty Trung Quốc HK Nicaragua Canal Development Investment, đã thắng thầu gói thầu hơn 40 tỷ USD để xây dựng và vận hành kênh trong vòng 100 năm. Ngoài việc hỗ trợ kinh tế, Nga hứa hẹn sẽ cung cấp hỗ trợ chính trị và quân sự. Đặc biệt Nga sẽ bảo vệ công trình chống các hành động khiêu khích có thể.
Việc “thò tay” vào dự án kênh đào Nicaragua của Nga cho thấy tham vọng lớn lao của Moscow (Ảnh minh họa)
Công trình xây dựng kênh đào Nicaragua được mệnh danh là “dự án thế kỷ”, với khả năng kết nối Thái Bình Dương với Biển Caribe, rút ngắn hành trình tàu bè hàng chục ngàn km và sẽ là một đối thủ cạnh tranh chính của kênh đào Panama, mà ngay cả sau khi tu sửa cũng chỉ có thể đảm đương được một nửa công suất vận chuyển.
Theo ông Petr Yakovlev, từ lâu, cộng đồng doanh nghiệp Nga cũng đã quan tâm đến dự án này bởi sự gặp nhau về lợi ích chung của cả 2 nước. Kênh đào Nicaragua chắc chắn sẽ có tầm quan trọng chiến lược tuyệt vời về cả kinh tế lẫn địa-chính trị, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn cả với Nga.
Trong những năm gần đây, Nga có quan hệ chặt chẽ với Nicaragua. Đó là mối quan hệ phát triển ở hầu hết các lĩnh vực như thương mại, hợp tác quân sự - kỹ thuật, kinh tế. Và trong bối cảnh hiện nay, quan hệ chính trị cũng rất rõ ràng và lại một lần nữa được chứng minh trong cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Nicaragua là một trong những quốc gia đã ủng hộ quan điểm của Nga về cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, điều đó được Moscow nhìn nhận là sự đáng tin cậy trong mối quan hệ hợp tác. Tóm lại là xung quanh kênh đào Nicaragua đang tiến hành một cuộc chơi lớn về địa - chính trị và kinh tế, Nga sẽ làm tất cả để tham gia vào cuộc chơi này.
Các công ty của Nga có được sự ủng hộ lớn từ đích thân Tổng thống Putin. Trong khi các công ty này xúc tiến các cuộc đàm phán với đối tác Trung Quốc vào hồi tháng 6 thì ông Putin đã có những động thái ngoại giao tích cực để vận động cho khả năng tham gia dự án của các công ty Nga, từ phía Nicaragua.
Trong chuyến công du Mỹ Latin hồi tháng 7 vừa qua, theo lịch trình, ông Putin sẽ chỉ đến thăm Cuba, Argentina, Brazil, trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS nhưng sau chuyến thăm Cu Ba, ông Putin đã đột ngột thay đổi lịch trình với chuyến thăm viếng bất ngờ đến Nicaragua, trước khi sang Argentina.
Tổng thống Nigaragua Daniel Ortega (phải) đón Tổng thống Nga Putin tại sân bay ở thủ đô Managua
Đặc biệt, chuyến thăm viếng bất thường của Tổng thống Putin cũng là chuyến công du đầu tiên trong lịch sử của một nguyên thủ nhà nước Nga đến nước cộng hòa này. Điều đó cho thấy, phải có một sức hút rất lớn mới khiến ông Putin đột nhiên tiến hành chuyến thăm viếng đầy bất ngờ đến Managua.
Tại cuộc họp với Tổng thống Daniel Ortega, Tổng thống Nga Putin đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có việc cung cấp máy móc nông nghiệp, lúa mì của Nga và tăng cường đầu ******* Nicaragua, cũng như triển khai các trạm GLONASS mặt đất trên lãnh thổ nước cộng hòa Mỹ Latinh này.
Theo Tổng thống Putin, vẫn còn nhiều việc phải làm để phát triển mối quan hệ hai nước hiện vẫn đang chưa cân xứng với tiềm năng. Nhưng ông tin tưởng rằng Nga và Nicaragua có nền móng tốt cho mối quan hệ song phương phát triển trong tương lai. Đó chính là việc tham gia vào dự án kênh đào Nicaragua của các công ty Nga.
Cuộc chơi địa-chính trị của Nga đối đầu với Mỹ
Kênh đào Nicaragua là dự án cực lớn, ngốn một khoản kinh phí khổng lồ. Giá trị cơ bản của hợp đồng là 40 tỷ USD nhưng theo ước tính của các chuyên gia, đến khi con kênh được chính thức vận hành vào khoảng năm 2020, con số này sẽ bị đội lên gấp rưỡi. Nhà thầu chính là công ty Hồng Kông HKND chắc chắn sẽ phải cần thêm đối tác liên danh để cùng đầu tư.
Các cuộc đàm phán của công ty Nga về việc kết nối với dự án của Trung Quốc đang được tiến hành trong bối cảnh một số thỏa thuận mang tính bước ngoặt, được ký kết giữa Moscow với Managua. Theo đó, các tàu chiến của Nga và máy bay sẽ tuần tra vùng lãnh hải đất nước và bảo vệ kênh trước các hành động khiêu khích có thể xảy ra.
Vấn đề chính của Nga hôm nay là cung cấp hỗ trợ quân sự và chính trị cho dự án. Nicaragua đã cho phép các tàu quân sự và máy bay của Nga đến thăm đất nước trong nửa đầu năm 2014, cũng như tuần tra vùng lãnh hải của Nicaragua trong vùng biển Caribê và Thái Bình Dương đến 30 tháng 6 năm 2015. Các thỏa thuận này đã được ký kết với triển vọng gia hạn.
Nga đã đạt được thỏa thuận triển khai máy bay, tàu chiến bảo vệ kênh đào và đặt Trạm bảo dưỡng của Hải quân Nga ở Nicaragua
Ngoài ra, trên lãnh thổ Nicaragua sẽ bố trí Trạm bảo dưỡng của Hải quân Nga. Điểm này đã gây ra rất nhiều suy đoán trong giới truyền thông phương Tây. Họ cho rằng nhân dịp này Nga sẽ cố gắng đạt được vấn đề bố trí căn cứ quân sự của mình trong khu vực, trong kế hoạch mở căn cứ ở Seychelles, Cuba, Việt Nam, Argentina và Nicaragua.
Giải thích về vấn đề này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra lời giải thích như sau: “Chúng tôi không có kế hoạch lập ra căn cứ hải quân và quân sự ở nước ngoài. Chúng tôi đồng ý với một số quốc gia rằng các tàu chiến của chúng tôi đã có thể cập cảng của họ để bảo trì, sửa chữa nhỏ, bổ sung thực phẩm và nước, phi hành đoàn nghỉ ngơi”.
Ông nhấn mạnh, bây giờ là cần phải giải quyết những vấn đề rất cụ thể, chẳng hạn như cuộc chiến chống cướp biển. Cướp biển xuất hiện trong các phần khác nhau của đại dương thế giới. Và nếu có thể, các chiến hạm và máy bay quân sự Nga sẽ giúp bảo vệ các vùng lãnh hải trên thế giới, trong đó có Nicaragua.
Việc xây dựng bất kỳ căn cứ không-hải quân, mang tính chất tác chiến ở nước ngoài như của Mỹ là cả một vấn đề rất quan trọng. Moscow không có bất cứ hợp đồng nào kiểu như Washington đã ký kết để đảm bảo miễn trách nhiệm cho quân nhân Mỹ khi họ phạm tội trên lãnh thổ của nước sở tại.
Việc tham gia dự án này có liên quan chặt chẽ đến vấn đề tăng cường quan hệ toàn diện với khu vực Mỹ Latinh. Thời gian qua, Ngoại trưởng Nga đến thăm hoặc tiếp tại Moscow người đứng đầu cơ quan ngoại giao và các nhà lãnh đạo chính trị của các nước châu Mỹ như Cuba, Nicaragua, Chile, Peru, Argentina, Venezuela… Vấn đề thảo luận chủ yếu là quan hệ thương mại và kinh tế.
Đặc biệt, Peru bày tỏ sự quan tâm đến những mối quan hệ chặt chẽ hơn với Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan) cho đến ký kết thỏa thuận thương mại tự do. Moscow đã xóa 90% số nợ của Liên Xô cho Havana và 10% còn lại (khoảng 3,2 tỷ), các bên quyết định tái đầu tư cho nền kinh tế Cuba. Còn Argentina và Nga đã đồng ý đầu tư lẫn nhau trong các lĩnh vực khác nhau.
Kênh đào Nicaragua là một bước đi quan trọng, gia tăng ảnh hưởng đến khu vực Mỹ Latin của Nga nhằm đối đầu với Mỹ
Một bước đột phá lớn hơn trong mối quan hệ của Nga với Mỹ Latin đã diễn ra vào mùa hè này với hội nghị thượng đỉnh của BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Nhóm này bao năm nền kinh tế phát triển nhanh nhất và nhanh chóng gia tăng cán cân chính trị và có vị trí ngày càng tăng ảnh hưởng đến quá trình toàn cầu.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS, ngày 11-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến công du kéo dài 6 ngày đến hàng loạt các nước châu Mỹ Latin, gồm Cuba, Argentina, Brazil và Nicaragua - một động thái được đánh giá là nhằm đối phó với việc phương Tây cô lập Nga vì đã can thiệp vào Ukraine.
Ngoài việc bàn bạc tăng cường hợp tác kinh tế, quân sự và đầu tư vào các quốc gia này, ông Putin cũng đã thảo luận về việc tăng cường xuất khẩu nông sản và sản phẩm chế biến chăn nuôi của các nước này sang Nga, nhằm thay thế các sản phẩm châu Âu sau khi Nga ra lệnh cấm nhập để đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.
Chuyến thăm các nước Mỹ Latin của Tổng thống Nga Putin diễn ra trong bối cảnh Nga tiếp tục đối đầu với phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc nội chiến ở nước này vẫn đang tiếp diễn ác liệt, còn Mỹ và EU ráo riết triển khai các biện pháp cấm vận đối với Moscow.
Chuyến công du chính thức tới châu Mỹ Latin đó của ông Putin được các chuyên gia phân tích đánh giá là nhằm mục đích “phá vòng vây” của Mỹ ngay tại sân sau của Washington. Nó không chỉ giúp Moscow thoát khỏi lệnh trừng phạt kinh tế mà còn gia tăng ảnh hưởng đến khu vực này.
Do đó, tham vọng bắt tay với Trung Quốc để tiến hành dự án kênh đào Nicaragua của Nga đã xác nhận rằng Moscow và Bắc Kinh đang tiến hành cạnh tranh ảnh hưởng của Washington ngay tại sân sau của Hoa Kỳ. Mỹ Latin đang trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược xây dựng trật tự thế giới đa phương của Nga.