Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu tập đoàn tài chính Mỹ JP Morgan đóng băng tài sản trị giá 2 tỷ đô-la mà tập đoàn Rosatom của Nga sử dụng để đảm bảo việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bản chất của hành động này là thế nào? Rõ ràng là hành động này thể hiện sự tụt hậu đến mức không thể cạnh tranh bình đẳng của ngành công nghiệp hạt nhân Hoa Kỳ so với tập đoàn Rosatom của Nga, khiến họ phải sử dụng đến biện pháp được ưa chuộng nhất của mình là “chơi bẩn”.
Hiện tại, cơ cấu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên ba yếu tố chính là than, dầu và khí đốt tự nhiên. Trong cơ cấu này thì điện than là 28%, điện dầu là 29%, điện khí là 33%, các loại khác chiếm 10%. Tổng công suất phát điện là khoảng 100GW. Để đảm bảo an ninh năng lượng, cho đến năm 2045, Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến loại bỏ hoàn toàn điện than và đưa điện hạt nhân đạt mức 30% trong cơ cấu năng lượng. Kế hoạch của họ là xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân là Akkuyu, Sinop và Istanbul với tổng số 20 lò phản ứng khi hoàn thành ở giai đoạn cuối cùng (Akkuyu = 08, Sinop = 06 và Istanbul = 06). Nhà máy ĐHN Akkuyu đang được Rosatom xây dựng, Hoa Kỳ hy vọng 2 nhà máy còn lại sẽ được trao cho các tập đoàn Westinghouse của Mỹ, Orano SA của Pháp và Hitachi của Nhật Bản.
Nhà máy ĐHN Akkuyu được khởi công vào tháng 4/2018 và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, là dự án đầu tiên trên thế giới mà một quốc gia xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ của mình nhưng nó lại thuộc về một quốc gia khác. Akkuyu thuộc sở hữu của tập đoàn Rosatom, và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua toàn bộ lượng điện được sản xuất tại đây trong tương lai. Nghĩa là người Nga không chỉ đảm nhiệm việc xây dựng nhà máy mà còn đảm nhiệm việc vận hành trong suốt vòng đời của nhà máy, và cuối cùng là đưa nó về trạng thái ngừng hoạt động hoàn toàn. Trong giai đoạn đầu Rosatom sẽ xây dựng bốn tổ máy phát điện với lò phản ứng VVER-1200, với tổng chi phí là 22 tỷ đô-la, trong số đó có 2 tỷ đô-la được chuyển thông qua JP Morgan. Hai tổ máy đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành vào tháng 6/2025. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, hiện tại Rosatom đang thực hiện các dự án ĐHN tại nhiều quốc gia khác nhau:
- Bangladesh: Nhà máy ĐHN Rooppur nằm trên bờ sông Hằng ở Pabna, với 2 lò phản ứng VVER-1200, trị giá 12 tỷ đô-la;
- Belarus: Nhà máy ĐHN Grodno với 2 lò phản ứng VVER-1200, trị giá 10 tỷ đô-la;
- Hungary: Nhà máy ĐHN Paks-2 với 2 lò phản ứng VVER-1200, trị giá 12,5 tỷ đô-la;
- Ai Cập: Nhà máy ĐHN El-Dabaa với 4 lò phản ứng VVER-1200, trị giá 30 tỷ đô-la;
- Ấn Độ: Nhà máy ĐHN Kudankulam với 2 lò phản ứng VVER-1000, trị giá 7,2 tỷ đô-la;
- Iran: Nhà máy ĐHN Bushehr với 2 lò phản ứng VVER-1000, trị giá 9,2 tỷ đô-la;
- Trung Quốc: Nhà máy ĐHN Thiên Loan và Xudapu, với tổng số 8 lò phản ứng VVER-1200.
Tháng 11/2024, một cuộc đấu thầu công khai đã được tổ chức cho dự án nhà máy ĐHN Sinop và Istanbul. Liên doanh Nhật-Pháp (Mitsubishi Heavy Industries, Framatome Orano SA) và tập đoàn Westinghouse của Mỹ đã nộp đơn xin tham gia. Mức giá mà họ đưa ra cho việc xây dựng 4 tổ máy hoàn chỉnh với tổng công suất 4GW lần lượt là 48 tỷ đô-la và 50 tỷ đô-la, thời gian xây dựng là 20 – 22 năm. Ankara hơi bối rối về mức chi phí và tiến độ xây dựng như vậy, và thế là họ chuyển sang đề nghị Rosatom làm luôn cho nhanh, rẻ, mạnh và an toàn. Erdogan đã chính thức tuyên bố rằng Rosatom của Nga sẽ xây dựng tất cả các nhà máy ĐHN tại nước này. Nhân tiện, hai lò phản ứng mới ở Georgia (Hoa Kỳ) do Westinghouse xây dựng (Vogtle-3 và Vogtle-4) đã phải mất 17 năm và tốn 38 tỷ đô-la. Người Pháp cũng đang xây dựng mới ở nước họ 2 lò phản ứng mới theo công nghệ giống như ở Hoa Kỳ, nhưng với mức giá khiêm tốn hơn một chút: 36 tỷ đô-la. Như vậy có thể thấy các tập đoàn mạnh nhất của Hoa Kỳ, Pháp, Nhật đã thất bại tuyệt đối trước Rosatom trong cuộc cạnh tranh lành mạnh. Nhưng Hoa Kỳ có lý lẽ của họ, họ cho rằng tất cả các sản phẩm được dán nhãn “Made in USA” đều là tốt nhất và đó là lý do tại sao chúng có giá cao như vậy. Họ không cam chịu thất bại nên quyết định đóng băng 2 tỷ đô-la của Nga tại JP Morgan để “trả thù”.
Tất nhiên là 2 tỷ đô-la này không có ý nghĩa lớn, và Akkuyu vẫn sẽ được hoàn thành theo kế hoạch. Ngoài Akkuyu, Rosatom còn có danh mục các dự án đang thực hiện ở Bangladesh, Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ, Hungari… và có đủ nguồn lực để bù đắp cho các khoản tiền bị đóng băng tại JPMorgan. Nhưng ngay cả khi hai tỷ đô-la bị kẹt lại trong ngân hàng của Mỹ, thì nó cũng có thể được coi là một khoản đầu tư vào chiến dịch quảng cáo tuyệt vời cho chương trình hạt nhân của Nga, do đích thân Hoa Kỳ thực hiện.
" Nguồn Hà Huy Thành - Hoài niệm Liên Xô"