Hưởng ứng chủ thớt, xin trích lại bài ngày xưa định viết gửi cụ Nhân (lúc đó mới lấy vợ nên húng) em xin phép đưa ra mấy điểm chính, các cụ có chém thì chém em nhẹ nhẹ tí - có hơi tý mùi ngụy biện và chụp mũ nhưng đó là quan sát và cảm nhận của tôi - các cụ thông cảm:
Giáo dục bắt đầu tư văn hóa: Văn hóa Việt là nền văn hóa trọng sự học, đề cao trí thức và con chữ nên việc trọng thành tích là một đặc tính cố hữu của dân tộc – ai cũng muốn con mình hay chữ và hơn người. Người ta luôn tìm mọi cách để con em mình có được cái học hơn người bất cứ khi nào có thể. Vì thế, việc chạy chọt đương nhiên là có và xảy ra ở mọi cách sắp đặt tất nhiên nó có thể ít hay nhiều tùy theo cơ chế và độ mở trong tư duy làm giáo dục. Câu chuyện Hà Giang vừa qua chỉ là phần nổi của tảng băng với tư duy lách khe!
Ở điểm này, giáo dục của ta cứ luẩn quẩn vì họ không đặt cái bản sắc văn hóa làm trọng để mà xác định tư duy giáo dục, nên cái đận 81, khi có ý phê phán giáo dục thời đó thì đặt ngay tư duy đổi mới, cải cách giáo dục làm cho ít nhất 3 thế hệ phải trả giá, chữ viết cải cách không ra cái thể thống gì, kiến thức tạm thời còn chấp nhận được vì hồi đó họ chưa dám làm mạnh việc đưa mấy cái của Tây vào. Khi bị chê cái thì lại quay lại chữ kiểu cũ. Nhưng tuy duy sách giáo khoa thì mất hẳn, cứ đâm lao vào cải cách giáo khoa rồi đến chương trình giảng dạy, giáo viên thì cứ phải đuổi, học sinh thì cứ làm chuột bạch, ngân sách thì cứ tốn vì phải liên tục thay thế sách và học liệu.
Một thời gian dài chúng ta theo hệ giáo dục XHCN với tư duy trọng lý thuyết, ít ứng dụng, thực hành – thời trước đổi mới, công nhận, ở đâu có được thiết bị cho học sinh thí nghiệm thì đó là mơ ước của bọn trẻ chúng tôi.
Để xác định tư duy và triết lý cải cách thì cần nhìn vào 2 thứ: (1) đặc điểm dân tộc, độ tuổi người học và (2) Triết lý giáo dục là hướng vào giải phóng hay bảo thủ.
Xin chia sẻ một quan sát đơn giản như này:
Nếu đặt một câu hỏi với lứa 7x chúng tôi xem điện xoay chiều là gì, chắc hơn 60% người vẫn có thể trả lời được nhưng với các bạn 8x trở lên thì họ có thể quên ngay sau mấy tháng khi vừa thi xong. Xin có vài điều phân tích về đặc điểm nền giáo dục phổ thông của chúng ta như sau
· Lứa tuổi dưới lớp 9 là lứa chưa định hình kiến thức cơ bản, cách học ngày trước đa phần là tập trung vào định hình khung kiến thức lý thuyết cơ sở trước sau đó mới củng cố và phát triển rộng. Ít ra cách này, có thể nói là tương đối phù hợp với dân ta (lúc đó trẻ chưa có năng lực giúp việc gia đình nên cố gắng tập trung học là tốt nhất) Nói cách khác lúc này, nên dạy cho chúng tiếp thu kiến thức và nâng cao kỹ năng phân tích. Mặc dù ngày nay người ta dễ phản bác điều này bằng cách bảo tại sao Mỹ, Tây Âu họ dạy học sinh chủ động từ khi còn nhỏ? Xin đáp lại thế này: ở Mỹ, phương tây, trình độ phát triển xã hội là rất cao, họ có đủ cơ sở vật chất để bọn trẻ được quan tâm 1-1 hoặc trường học giành đủ thời gian để quan tâm đến các vấn đề của mỗi đứa trẻ. Ở ta, học sinh thì đông, giáo viên phân bố không đều giữa thành thị (ít giáo viên nhiều học sinh) và nông thôn (người giỏi không muốn về các vùng xa xôi) với khác biệt trình độ rất cao. Giáo viên hầu như không có khả năng bao quát lớp nên họ bắt buộc phải đối phó (chép bài mẫu, bài tủ, luyện theo chủ đề, ép học thuộc). Thời 88 đổ về trước, định hình chương trình cấp 1 và 2 tốt hơn bây giờ, học sinh không phải học nhiều, quá tải với kiến thức, có thể vừa học vừa làm thêm việc nhà và chơi.
· Lứa cấp 3 đã có đủ kiến thức cơ bản và có khả năng tư duy mở rộng để chuyển sang ứng dụng thì nên đào tạo cho chúng theo hưởng mở rộng và phát triển ứng dụng thực hành để chúng tích lũy vốn kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Thời bao cấp ở ta hầu như không chú trọng mấy đến phát triển kỹ năng sống và hướng nghiệp cho cấp 3. Gần đây có làm tốt hơn với việc chuẩn hóa một số kỹ năng cơ bản cho học sinh cấp 3 nhưng do quá nhiều kiến thức và việc liên tục đổi mới thi cử nên học sinh bị mất phương hướng.
Nhận xét về cải cách: Cách làm cải cách giáo dục của chúng ta không giống ai mang tính chắp vá, thấy cái gì được mọi người khen thì áp dụng, chê thì bỏ ngay. Mấy ông dự án tây mang đến các mô hình ở tận đẩu, tận đâu giới thiệu, thuyết trình, các cụ bùi tai thế là gật thế là một số ngàn cháu lại khổ - VNEN là một ví dụ, hoặc chủ tịch lớp cũng là một dẫn chứng. Sách giáo khoa thì mỗi năm một bộ, không tiết kiệm, chế độ mượn lại sách ngày xưa (phần vì thiếu kinh phí) ít ra cũng giáo dục cho bọn trẻ ý thức giữ gìn sách vở cho lớp sau. Bây giờ, lớp nào học xong là vứt, lớp sau không thừa kế được gì, chỉ khổ các bậc bố mẹ ở các vùng khó khăn. Kiến thức giáo khoa thì cẩu thả trong biên soạn, không xác định được đâu là kiến thức lõi và cái gì cần đưa vào trước, cái gì vào sau. Hội đồng biên soạn sách không lựa chọn kỹ càng những người tâm huyết và có thực tiễn giảng dạy. Phương pháp vòng tròn đồng tâm ở cấp 1 đang là một gánh nặng thực sự đối với giáo dục tiểu học, và tỷ lệ học sinh cấp 1 mù chữ sẽ vẫn không thấp hơn so với ngày xưa.
Học sinh lớp 4 bây giờ đã phải học phân số, tìm x như một dạng phương trình mà đến lớp 6 chúng tôi ngày xưa mới bắt đầu ngọ ngoạy.
Nói cách khác phương án cải cách giáo dục mà tôi cho phù hợp bây giờ đó là:
· Đối với cấp 1,2: Trọng tâm là giáo dục lý thuyết, Định hình kiến thức lõi cho học sinh bậc tiểu học và phổ thông cơ sở, dạy theo phân đoạn, lớp nào học kiến thức đó sao cho kế thừa được kiến thức, biên soạn sách giáo khoa chuẩn mực, không có những nội dung tuỳ tiện như “Tay trỏ Nam có 3 đốt ngón tay, Nam chơi dao, đứt 1 đốt hỏi còn mấy đốt...” Các lớp cuối cấp 2 thì bổ sung thêm về kỹ năng sống, kỹ năng hướng nghiệp sao cho các em có thể giúp đỡ thêm cho gia đình và có trách nhiệm tham gia lao động. Nếu thiếu giáo viên thì có thể xây dựng phong trào vì giáo dục, mời các thầy cô lão thành tham gia đào tạo lại theo phương pháp tự luận, phân tích ngày trước để dìu dắt giáo viên mới, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên hiện tại.
· Đối với cấp 3: Trọng tâm là giáo dục ứng dụng, bổ sung với nhóm kiến thức phù hợp đầu vào cho đại học và nâng cao kỹ năng thực hành, định hướng nghề, lao động xã hội. Các kỳ thi vẫn áp dụng thi tự luận, không áp dụng trắc nghiệm với các môn học đòi hỏi phải có năng lực chứng minh.
· Đối với đại học: thi đầu vào do các trường tự định đoạt theo nhu cầu xã hội và nhà nước đánh giá, xếp hạng đại học theo tỷ lệ học sinh có việc làm ổn định từ 1 năm trở lên sau khi ra trường, không cần tiêu chí gì khó khăn, với giáo viên, đánh giá bằng số bài nghiên cứu trên các tạp chí, diễn đàn khoa học.
Như vậy thì mới chấn hưng được nền giáo dục lộn xộn hiện tại